Tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ vốn là dự án được Ban Quản lý dự 18 (PMU18), Bộ GTVT xây dựng bằng ngân sách nhà nước, đến đầu năm 2014 Bộ GTVT đã đồng ý cho liên danh nhà đầu tư là Cty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ thực hiện dự án nâng cấp đường Pháp Vân - Cầu Giẽ từ 2 lên 4 làn xe với tổng mức đầu tư 6.731 tỷ đồng. Đến tháng 10/2015, mặc dù dự án thi công chưa xong giai đoạn 1, nhưng Bộ GTVT đã chấp nhận cho nhà đầu tư thu phí phương tiện qua lại với mức 45.000 đồng/lượt xe dưới 9 chỗ ngồi. Với tổng mức đầu tư trên, nhà đầu tư được thu phí vòng 17 năm 3 tháng.
|
Trạm thu phí BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ có số thu 57,9 tỷ đồng trong tháng 5. Ảnh: Anh Trọng. |
Tuy nhiên theo số liệu kiểm đếm xe độc lập mà PV Tiền Phong có được trong loạt bài “Nghịch lý các
dự án BOT” (đăng tháng 6/2016), với bình quân 25.000 lượt xe/ngày, nếu quy về dạng xe tiêu chuẩn thì mỗi ngày trạm BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ thu được tổng số tiền 1,6 đến 1,8 tỷ đồng/ngày. Với mức thu và lưu lượng này, chỉ cần 11 năm 7 tháng là đủ số tiền đầu tư chứ không cần phải kéo dài đến 17 năm 3 tháng.
Năm 2016, với lý do nhà đầu tư nắm quyền kiểm soát dự án không minh bạch con số doanh thu, lưu lượng xe qua trạm với các liên danh đầu tư dự án, Tổng Cty Xây dựng công trình giao thông 1 - Cty CP (Cienco1) một trong 3 liên danh của dự án đã có đơn gửi các cơ quan chức năng “tố” nhà đầu tư nắm quyền kiểm soát tại Cty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ nội dung này.
Sau sự việc trên, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã thành lập các tổ giám sát công tác tại trạm thu phí BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ. Kết quả, những ngày giám sát ngẫu nhiên, tổ công tác đã ghi nhận, mỗi ngày trạm thu được hơn 1,9 tỷ đồng. So với con số 1,2 dến 1,4 tỷ đồng/ngày mà Cty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ báo cáo với Bộ GTVT trước đó, con số này chênh khoảng 500 triệu đồng/ngày.
Còn theo thông tin PV Tiền Phong vừa có được trong ngày 13/6, trong tháng 5 vừa qua, tổng doanh thu tại các trạm BOT tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ gồm trạm Pháp Vân, trạm Thường Tín, trạm Vạn Điểm, trạm Cầu Giẽ có doanh thu trên 57,9 tỷ đồng, trung bình mỗi ngày trạm có tổng thu gần 2 tỷ đồng. Đây là con số mà các trạm BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ thu được tương đương trong các tháng thời gian qua. Như vậy, với doanh thu này, trạm BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ chỉ cần 108 tháng (9 năm) là đủ tổng mức đầu tư 6.731 tỷ đồng cho dự án, chứ không cần đến 207 tháng (17 năm 3 tháng) như hợp đồng BOT với Bộ GTVT.
Cũng xin được nói thêm về đơn vị doanh nghiệp thực hiện dự án là Cty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ. Đây là doanh nghiệp liên kết giữa 3 nhà đầu tư thực hiện nâng cấp đường Pháp Vân - Cầu Giẽ. Với tổng số vốn 6.731 tỷ đồng thực hiện dự án, nhưng 3 nhà đầu tư này chỉ góp có khoảng 12%, tương đương 800 tỷ đồng để thực hiện dự án, số vốn còn lại là đi vay ngân hàng và được trả dần qua thu phí phương tiện. Cụ thể, trong tổng số 800 tỷ đồng, Cty Cổ phần Đầu tư phát triển Minh Phát góp 65%; Tổng Cty Xây dựng công trình giao thông 1 - Cty CP Cienco1 góp: 18%; Cty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành góp: 17%.
Sau khi 3 liên danh này thỏa thuận liên kết và được Bộ GTVT phê duyệt dự án, đã thành lập ra Cty Cổ phần BOT Pháp Vân- Cầu Giẽ thực hiện dự án, bà Nguyễn Cẩm Tú, được bầu giữ chức Tổng Giám đốc. Với 65% tỷ lệ góp vốn, Cty Cổ phần Đầu tư phát triển Minh Phát, có trụ sở chính tại số 181 Trần Hưng Đạo, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh do bà Nguyễn Cẩm Tú làm đại diện được nắm quyền kiểm soát.
Theo Anh Trọng/Tiền Phong