Trong quý 4, BOT ghi nhận doanh thu đạt gần 7,2 tỷ đồng, tăng 4,1% so với quý 4/2019. Chi phí giá vốn ghi nhận gần 3,48 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp ghi nhận đạt 3,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gộp 14 tỷ đồng.
Nguyên nhân chính do BOT Cầu Thái Hà đã áp dụng phương pháp tính khấu hao tài sản theo lưu lượng xe thực tế qua trạm thay cho phương pháp cố định theo đường thẳng dùng trước đó.
Dù vậy chi phí tài chính, mà chủ yếu là chi phí lãi vay, vẫn rất lớn, trên 26,3 tỷ đồng, cộng thêm các chi phí quản lý doanh nghiệp phát sinh nên BOT cầu Thái Hà vẫn lỗ gần 24 tỷ đồng, là quý thứ 8 liên tiếp kể từ khi đi vào hoạt động BOT chìm trong thua lỗ.
|
BOT lỗ quý thứ 8 liên tiếp. |
Lũy kế cả năm 2020, BOT báo doanh thu đạt gần 26 tỷ đồng, tăng 7% so với năm trước đó. Khấu trừ thuế và chi phí, Công ty lỗ hơn 94 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với số lỗ 169,5 tỷ đồng ghi nhận trong năm 2019. Như vậy, tổng lỗ lũy kế đến 31/12 của BOT lên đến hơn 192 tỷ đồng.
Trong cơ cấu nguồn vốn của BOT Cầu Thái Hà thì vay nợ tài chính dài hạn chiếm chủ yếu tới 977 tỷ đồng và vay nợ tài chính ngắn hạn hơn 51 tỷ đồng.
Đây là khoản vay BOT Cầu Thái Hà vay của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank, CTG) theo hợp đồng tín dụng ngày 31/3/2015 với thời hạn 161 tháng. Lãi suất cho vay được điều chỉnh theo thông báo của VietinBank.
Anh Nhi