Chiếc bồn cầu đắt giá này có tên gọi là “Universal Waste Management System” (tạm dịch: hệ thống quản lý rác thải vũ trụ). Để tạo ra nó, NASA đã mất tới 6 năm nghiên cứu và tiêu tốn 23 triệu USD (533 tỷ đồng) để chế tạo. Hay nói cách khác, đây chính là chiếc bồn cầu đắt nhất lịch sử. Trong thời gian tới, nó sẽ được đưa lên ISS để các phi hành gia trải nghiệm trong 3 năm.
Trước đó, việc sử dụng bồn cầu trên trạm vũ trụ quốc tế (ISS) thường gặp phải trở ngại về mùi hôi, khả năng làm sạch không triệt để (do môi trường trên vũ trụ khá đặc thù và không gian ở ISS rất nhỏ). Chiếc bồn cầu kể trên được tạo ra nhằm giải quyết những bất tiện mà các phi hành gia thường gặp phải.
Khi phi hành gia mở nắp bồn cầu, máy phân tách dạng cánh quạt làm bằng hợp kim sẽ bắt đầu hoạt động. Dưới lực hút cực mạnh, mọi chất thải và mùi hôi sẽ bị hút ra ngoài, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường làm việc ở ISS. Bồn cầu có 1 cái phễu để hút nước tiểu (phù hợp với các nữ phi hành gia), 1 bộ phận nén chất thải có thể tháo rời. Chỗ ngồi trên bồn cầu có ký hiệu để người dùng xác định đúng vị trí.
Ngoài việc loại bỏ mùi hôi và chất thải nhanh chóng, chiếc bồn cầu này còn có nhiều cải tiến mới. Chẳng hạn như thể tích giảm 65% so với trước, trọng lượng giảm 0%.
Trước đó, Skylab – trạm vũ trụ đầu tiên của NASA chỉ có… 1 chiếc lỗ trên tường để hút nước tiểu và chất thải. Sau đó, NASA mới trang bị bồn cầu gần giống loại dùng ở Trái Đất cho tàu con thoi. Việc cải tiến thiết kế bồn cầu trên không gian sẽ tạo môi trường sống thoải mái hơn cho các phi hành gia, đồng thời góp phần giúp họ tránh được những rủi ro về sức khỏe.
Theo Hương Nguyễn/ Danviet