Tại văn bản này, Ban lãnh đạo Eximbank thông tin đến toàn thể cán bộ - công nhân viên (CB-CNV) ngân hàng chi tiết vụ việc nguyên Phó giám đốc Eximbank chi nhánh TP HCM Lê Nguyễn Hưng lập giấy tờ giả chiếm đoạt hơn 245 tỉ tiền tiết kiệm của bà Chu Thị Bình.
Theo đó, cuối tháng 2-2017, khi đến hạn tất toán các sổ tiết kiệm, bà Chu Thị Bình có khiếu nại Eximbank số dư trên sổ tiết kiệm không trùng khớp với số dư trên bản gốc các sổ tiết kiệm. Toàn bộ các giao dịch với khách hàng Chu Thị Bình từ trước cho đến khi phát hiện vụ việc đều do ông Lê Nguyễn Hưng trực tiếp theo dõi, liên hệ khách hàng cũng như phê duyệt trên chứng từ giấy và trên hệ thống Korebank của Eximbank.
|
Ảnh minh hoạ: Khách hàng giao dịch tại NH Eximbank. |
Khi phát hiện vụ việc trên, ngày 6-3-2017, Eximbank đã chủ động gửi đơn tố giác hành vi có dấu hiệu tội phạm của ông Lê Nguyễn Hưng đến Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an (C44), đề nghị C44 xem xét làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật. Tiếp đó, Eximbank cũng có 2 văn bản gửi C44 để xin ý kiến về việc giải quyết các yêu cầu rút tiền của bà Chu Thị Bình và một số khách hàng liên quan.
Đến ngày 12-6-2017, C44 có thông báo gửi Eximbank với nội dung: chữ ký của bà Chu Thị Bình trên các chứng từ liên quan đến việc rút tiền là thật.
Ngày 30-8-2017, Eximbank tiếp tục gửi văn bản cho C44 đề nghị sớm khởi tố vụ án, điều tra làm rõ và xử lý theo quy định pháp luật. Đến ngày 16-11-2017, Eximbank lại gửi văn bản đề nghị C44 đẩy nhanh tiến độ điều tra để ngân hàng sớm có cơ sở giải quyết yêu cầu của bà Chu Thị Bình.
Ngày 2-2-2018, Eximbank nhận được Thông báo số 13/C44B- P5 của C44 về việc thông báo kết quả điều tra.
Ngoài ra, từ tháng 3-2017 đến ngày 22-2-2018, Eximbank còn gửi 3 văn bản báo cáo vụ việc lên Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Đến ngày 23-2-2018, Eximbank có văn bản trả lời về xử lý khiếu nại gửi bà Chu Thị Bình.
Eximbank cho rằng ngân hàng hoạt động là dựa trên uy tín. Do đó, quan điểm chung của ban lãnh đạo Eximbank là trong mọi trường hợp, quyền lợi hợp pháp của khách hàng luôn luôn được bảo vệ và bảo đảm. Theo đó, Eximbank sẽ thực hiện nhiều biện pháp để bảo đảm quyền lợi cho khách hàng.
Nội dung văn bản mà lãnh đạo Eximbank gửi đến CB-CNV cũng thể hiện vụ việc xảy ra từ năm 2014 và kéo dài nhiều năm với nhiều tình tiết phức tạp chưa được làm rõ. Theo văn bản của Cơ quan Cảnh sát điều tra, trong các chứng từ liên quan đến các giao dịch của bà Bình có những chứng từ do bà ký và có cả những chứng từ không do bà ký. Do vụ việc phức tạp và nằm ngoài tầm xử lý nội bộ nên ban lãnh đạo Eximbank đã đề nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an điều tra toàn diện vụ việc, xử lý các sai phạm theo quy định pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.
Văn bản của lãnh đạo Eximbank cũng đề cập việc bà Chu Thị Bình dựa trên thông báo của Cơ quan Cảnh sát điều tra yêu cầu ngân hàng trả tiền theo số tiết kiệm. Tuy nhiên, thông báo của Cơ quan Cảnh sát điều tra chưa phải là ràng buộc pháp lý về quyền lợi và trách nhiệm của các bên theo quy định của pháp luật nên ban lãnh đạo Eximbank không thể giải quyết vụ việc mà chỉ dựa trên kết luận này, hai bên cần sớm phối hợp đưa vụ việc ra tòa theo đúng trình tự tố tụng.
Hơn nữa, do Eximbank là tổ chức niêm yết nên các quy trình xử lý phải tuân thủ theo quy định pháp luật. Trên cơ sở đó, Eximbank mới có câu trả lời thỏa đáng với các cổ đông.
Theo Phó tổng giám đốc Eximbank Trần Tấn Lộc, ban lãnh đạo Eximbank muốn khẳng định rằng quyền lợi hợp pháp của khách hàng luôn là ưu tiên hàng đầu của ngân hàng. Ngân hàng đang tích cực phối hợp với khách hàng gửi tiền và các cơ quan chức năng để đẩy nhanh tiến trình xử lý vụ việc theo quy định pháp luật. Eximbank sẽ tuân thủ theo phán quyết có hiệu lực pháp lý của tòa án.
"Là ngân hàng có trách nhiệm xã hội, chúng tôi tuân thủ pháp luật và công lý của Việt Nam để bảo vệ lợi ích của khách hàng, nhân viên và cổ đông"- ông Yutaka Moriwaki (Nhật Bản), thành viên HĐQT Eximbank, khẳng định.
Theo Thy Thơ/NLĐ