Thấm thoắt, chị Vi Hiền (37 tuổi) đã có hơn 5 năm gắn bó với mảnh đất Hữu Lũng (Lạng Sơn). Người phụ nữ sống từ nhỏ ở thành phố, chưa quen với cái cuốc, cái liềm, nay thuần thục làm cỏ, cắt cây, tỉa cành, chăm sóc khu vườn rộng xanh mướt.
Để có ngôi nhà trong mơ, chị tự mày mò thiết kế, thuê người bản địa xây dựng. Chị đội nắng, đội mưa đi gom gỗ, bê đá, bê ngói,... "Trước đây, tôi có công việc ổn định, lương cao ở Hà Nội nhưng vô cùng áp lực. Các cuộc điện thoại đổ về liên tục, lịch trình công việc dày đặc, lúc nào cũng vội vã, mệt mỏi.
Trong một chuyến du lịch, tôi tình cờ tới Hữu Lũng, nơi có những thảo nguyên xanh mướt, dãy núi trập trùng, sông suối mộng mơ, bản làng yên bình, trù phú...
Tôi mê mẩn cảnh vật ở đây dù khi ấy Hữu Lũng còn hoang sơ, thiếu thốn dịch vụ, rất ít người biết tới. Tôi nảy ra ý định mua một mảnh đất, xây căn nhà trong mơ tại đây, sống hòa mình vào thiên nhiên", chị Hiền kể.
|
Khu nhà của chị Hiền hiện tại. Ảnh: NVCC |
Kỳ công xây dựng ngôi nhà giữa thung lũng hoang sơ
Chị Hiền mua một mảnh đất rộng, bao quanh là vườn hồng 15 năm tuổi, nằm sát con suối trong vắt.
Chị vào bản làng của bà con, tìm hiểu về những ngôi nhà truyền thống tại đây rồi tự lên ý tưởng, thiết kế một tổ ấm phù hợp. Mất khoảng 2 tháng, căn nhà sàn đầu tiên hoàn thiện.
"Các con còn đi học ở Hà Nội nên khi đó, tôi đi đi về về giữa hai nơi. Căn nhà và khu vườn ở Hữu Lũng như chốn nghỉ dưỡng của gia đình. Rồi tôi mời bạn bè lên thăm, ai cũng yêu thích. Từ đó, tôi lại muốn xây dựng thêm một vài căn nhà nhỏ kề cận để đón bạn bè, phát triển dịch vụ du lịch, tạo thêm thu nhập", chị Hiền chia sẻ.
Hơn một năm sau đó, chị cần mẫn thực hiện cải tạo vườn, xây dựng thêm 4 căn nhà ở xung quanh.
Khi hoàn thiện, khu nhà gồm 5 căn: Hai nhà sàn 3 gian, một căn nhà đá, một căn nhà gỗ cổ và một căn nhà sàn lớn, thêm khu bếp. Tất cả được thiết kế, xây dựng theo phong cách đồng quê, sử dụng nhiều đồ thô, mộc, tự nhiên, lợp ngói âm dương.
|
Bao quanh những căn nhà là bãi cỏ, vườn cây, suối nước chảy róc rách ngày đêm. Ảnh: NVCC |
"Trước đây, tôi không hiểu biết và không có kinh nghiệm về xây dựng nên khi bắt tay dựng nhà, rất nhiều khó khăn, trở ngại phát sinh. Căn nhà bằng đá rộng 30m2 là công trình kỳ công nhất. Tôi phải thuê người dân địa phương ra suối nhặt từng viên đá vừa vặn, phù hợp để ghép vào mặt ngoài căn nhà.
Đá mang về, tôi rửa sạch, để khô ráo rồi tìm thợ tay nghề cao, tỉ mẩn chọn từng viên ghép vào sao cho bám chắc mà vẫn thẩm mỹ", chị Hiền kể.
|
Căn nhà đá xây dựng kỳ công và tốn kém ấm vào mùa đông, mát vào mùa hè, là không gian tuyệt vời để chị Hiền làm việc, đọc hay viết sách. Ảnh: NVCC |
Trân trọng thiên nhiên, cây cối nên trong quá trình dựng nhà, chị Hiền yêu cầu nhóm thợ tuyệt đối không chặt bỏ cây trong vườn. Khu vườn hồng được giữ nguyên trạng, xây nhà nương theo cây, dùng dây kéo những cành sát mái để cố định, hạn chế tối đa gãy cành, hư hại cây.
Quá trình xây dựng vất vả nhưng thành quả thì "như trong mơ". Mùa thu, vườn hồng chín rộ, quả trĩu cành. Chỉ cần mở cửa phòng, gia chủ có thể ngắm những chùm hồng lúc lỉu, tươi rói.
|
Căn nhà yên bình nằm dưới tán hồng trĩu quả. Ảnh: NVCC |
"Khi tôi chia sẻ về ngôi nhà và cuộc sống thuận tự nhiên tại Hữu Lũng, nhiều người cho rằng, chắc tôi phải có rất nhiều tiền mới có thể sống thảnh thơi như mơ ước.
Nhưng thực ra, quyết định này cũng là sự đánh đổi, nhiều khó khăn và trở ngại. Tôi phải bán đất, dùng hết tiền tích lũy bao năm, vay thêm gia đình, bạn bè. Tôi xây dựng, cải tạo khu đất từng chút một, đồng thời học và triển khai làm tour du lịch. Tôi xoay xở nhiều công việc khác nhau, gom góp tài chính đầu tư cho khu nhà.
Có thời điểm, tôi lo lắng không biết mình đang đi đúng hay sai, mất ăn mất ngủ. Nhưng cứ mỗi sáng thức dậy, ngắm nhìn thiên nhiên xanh mướt, lắng nghe tiếng chim líu lo, suối róc rách, tôi lại thêm quyết tâm", chị Hiền chia sẻ.
Từ ngày khu nhà hoàn thiện, chị đón mẹ về tận hưởng tuổi già bên cạnh thiên nhiên. Mỗi dịp nghỉ lễ, Tết, chị dẫn các con về tắm suối, bắt cá, trồng cây, vui chơi giữa thiên nhiên hoang sơ, tận hưởng tuổi thơ hạnh phúc, hạn chế ti vi, điện thoại, đồ công nghệ.
|
Những góc bình yên trong khu nhà của chị Hiền. Ảnh: NVCC |
Cần mẫn giới thiệu vùng đất hoang sơ tới du khách
Vừa xây dựng ngôi nhà và cải tạo khu vườn, chị Hiền vừa miệt mài chia sẻ thông tin, hình ảnh về mảnh đất, con người Hữu Lũng tới bạn bè, du khách khắp nơi. Chị lập nhóm giới thiệu du lịch Hữu Lũng trên mạng xã hội. Ban đầu chỉ có vài chục thành viên tham gia rồi dần dần lên tới chục ngàn người.
"Tôi sống ở đây như thế nào, chơi ở đâu, ăn món gì thì chia sẻ chân thành với mọi người như thế", chị Hiền cho hay.
Ngày mới về Hữu Lũng, chị như "trang giấy trắng", không có bất cứ kinh nghiệm nào trong chăm vườn, trồng cây. Khu vườn rộng 1,5ha, gồm nhiều loại cây như hồng, mít, nhãn, vải, dâu, na,… Để chăm sóc chúng, chị đi hỏi kinh nghiệm của bà con, lên mạng tìm hiểu thông tin.
Lần đầu trong đời, chị tập cuốc đất, trồng rau, bẻ ngô, nuôi gà, nhặt trứng,... "Có những ngày tôi miệt mài ngoài vườn từ sáng sớm tới tối muộn chưa hết việc", chị kể. "Nếu mệt quá, tôi sẽ hái ít lá thảo dược quanh vườn, đun bếp củi rồi xông. Mọi mệt mỏi như tan biến, ngôi nhà thì thơm thoang thoảng hương cỏ cây", chị nói.
|
Chị Hiền bên khu vườn hồng đang trĩu quả. Ảnh: NVCC |
Mỗi năm, vườn hồng cho thu hoạch gần hai tấn quả nhưng chị Hiền chưa bao giờ bán. Chị thu hái để đem tặng bạn bè, người thân và tạo cảnh quan để đón du khách tới tham quan, chụp ảnh, trải nghiệm hái hồng.
Chị Hiền ghi lại hoạt động mỗi ngày của mình qua những bức ảnh, thước phim, vừa làm kỷ niệm vừa chia sẻ với mọi người. Hình ảnh ngôi nhà sàn, nhà đá bình yên giữa thung lũng, bao quanh là đồng cỏ, suối róc rách, vườn cây trĩu quả khiến nhiều người yêu thích, tìm tới chiêm ngưỡng.
"Vài năm trở lại đây, Hữu Lũng đã dần được biết tới trên bản đồ du lịch với thảo nguyên Đồng Lâm, thác Khe Dầu, hồ Lân Ty,... Tôi cảm thấy hạnh phúc khi có cuộc sống giữa vùng đất tuyệt đẹp và góp phần nhỏ bé vào việc giới thiệu vẻ đẹp ấy tới mọi người", chị Hiền chia sẻ.
|
Chị Hiền thường ngồi dưới tán hồng, ven con suối róc rách để đọc sách, làm việc. Ảnh: NVCC |
Theo VNN