Bộ Tài chính lên tiếng trước ý kiến cần nâng giảm trừ gia cảnh, tăng mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc lên bằng 70% mức giảm trừ của người nộp thuế vì 4,4 triệu đồng/tháng hiện nay đã lạc hậu.
Vừa qua, dư luận cho rằng thay vì cột cứng ở mức cố định như hiện nay, mức giảm trừ gia cảnh nên căn cứ theo mức lương tối thiểu vùng để mỗi năm khi tăng mức lương tối thiểu vùng thì mức giảm trừ cũng tự động tăng theo. Vì giảm trừ gia cảnh cột cứng như hiện nay khiến người lao động "thiệt đơn thiệt kép". Ý kiến dư luận cho rằng cần tăng mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc lên bằng 70% mức giảm trừ của người lao động vì mức 4,4 triệu đồng/tháng hiện nay đã quá lạc hậu.
Trả lời vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết theo quy định của Luật Thuế TNCN hiện hành, cá nhân được trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trừ đi mức giảm trừ gia cảnh, các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, các khoản phụ cấp, trợ cấp được trừ (nếu có)… số còn lại mới là thu nhập làm căn cứ tính thuế thu nhập cá nhân.
Người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nếu bị mất việc làm, không có thu nhập hoặc thu nhập chưa đến mức phải nộp thuế thì không phải nộp thuế. Các khoản trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm... cũng không tính vào thu nhập chịu thuế của cá nhân.
|
Dư luận cho rằng cần tăng mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc lên bằng 70% mức giảm trừ của người lao động (Ảnh: Mạnh Quân). |
Cũng theo Bộ Tài chính, việc điều chỉnh nâng mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế từ 9 triệu đồng lên 11 triệu đồng/tháng và cho mỗi người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng lên 4,4 triệu đồng/tháng thì người có thu nhập từ tiền lương, tiền công 17 triệu đồng/tháng (nếu có 1 người phụ thuộc) hay 22 triệu đồng/tháng (nếu có 2 người phụ thuộc) cũng chưa phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
"Trường hợp cá nhân có thu nhập lớn hơn các mức nêu trên (17 triệu đồng/tháng, 22 triệu đồng/tháng) thì số thuế phải nộp cũng rất nhỏ so với thu nhập của cá nhân", Bộ Tài chính cho biết.
Cơ quan này lấy ví dụ, với một người phụ thuộc, cá nhân có thu nhập 40 triệu đồng/tháng thì số thuế TNCN phải nộp là 6,61%/thu nhập; thu nhập 60 triệu đồng/tháng thì thuế phải nộp là 11,86%/thu nhập; thu nhập 80 triệu đồng/tháng thì thuế phải nộp là 15,74%/thu nhập; thu nhập 100 triệu đồng/tháng thì thuế phải nộp là 18,66%/thu nhập.
Đối với cá nhân có thu nhập ở mức cao trên 100 triệu đồng thì số thuế phải nộp mới ở tỷ lệ cao hơn 20%/thu nhập. Cụ thể, cá nhân có thu nhập 110 triệu đồng/tháng thì số thuế TNCN phải nộp là 20,15%/thu nhập; thu nhập 150 triệu đồng/tháng thì số thuế TNCN phải nộp là 24,11%/thu nhập... Bộ cho biết việc tính toán này với giả định cá nhân có 1 người phụ thuộc, trường hợp cá nhân có nhiều hơn 1 người phụ thuộc thì số thuế phải nộp cũng thấp hơn tương ứng.
Thời gian qua, vấn đề mức giảm trừ gia cảnh trong thuế TNCN luôn nhận được sự quan tâm lớn từ xã hội. Không ít ý kiến cho rằng cần nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế từ 11 triệu đồng lên cao hơn, thậm chí thành 18-20 triệu đồng/tháng vì vật giá đã leo thang và mức 11 triệu đồng/tháng đã trở nên lạc hậu. Mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc cũng cần được nâng lên 50-70% so với mức giảm trừ của người lao động nộp thuế.
Một số cho rằng mức tăng CPI hàng năm bản chất đã tác động tới thu nhập và đời sống của người nộp thuế TNCN. Nên nếu áp dụng quy định biến động CPI đến 20% mới điều chỉnh giảm trừ gia cảnh thì vô hình trung người nộp thuế phải "đợi" vài năm (do lạm phát của Việt Nam rất thấp), trong thời gian đó, đời sống của họ đã bị tác động rồi. Do đó, phương án xem xét có thể là căn cứ vào lương tối thiểu vùng, lương tối thiểu vùng tăng thì giảm trừ gia cảnh cũng tăng tương ứng vài lần.
Theo Văn Hưng/Dân Trí