PV ĐS&PL trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Khôi - người cả đời mang “nghiệp” si mê với đồng tiền cổ. (Ảnh: Lê Nga).
Đồng tiền cổ qua lăng kính thăng trầm lịch sử
Giữa thế kỷ 21, khi mà mọi giao dịch được thực hiện nhanh chóng bằng việc quẹt thẻ ngân hàng thì vẫn còn một người “nặng lòng” với những đồng tiền xu. Đó chính là ông Nguyễn Ngọc Khôi (SN 1953) - người được trung tâm kỷ lục Việt Nam (Vietkings) xác nhận kỷ lục Đơn vị sở hữu số lượng tiền cổ Việt Nam và thế giới nhiều nhất. Nắm giữ số tiền cổ lớn như vậy nhưng ông luôn bảo, mình không phải là một người đam mê mà là người có duyên với những đồng tiền, nhất là tiền xu. Ông Khôi nhớ lại: “Hồi còn nhỏ, đám trẻ con trong xóm túm tụm cùng nhau chơi đánh đáo. Từ trò chơi đó, tôi mang trong mình niềm yêu thích đặc biệt với những đồng xu”.
Năm 1971, ông đi bộ đội. Đến năm 1978, ông xuất ngũ trở về cuộc sống thường ngày. Những năm đó đất nước khó khăn, ông đi làm kinh tế để xóa đói giảm nghèo rồi học hỏi để trở thành doanh nhân. Ông Khôi kể: “Khi trở thành doanh nhân, có dịp gặp gỡ một số doanh nhân nước ngoài, họ muốn thăm những khu lưu giữ đồng tiền Việt Nam qua các thời kỳ để tìm hiểu về văn hóa cũng như sự phát triển công thương của nước ta từ xưa đến nay, nhưng chưa từng có nơi nào như vậy. Lúc ấy, cái sĩ diện của một người doanh nhân nổi lên, tôi nuôi ước mơ sưu tầm được toàn bộ đồng tiền của Việt Nam qua các triều đại và xây dựng một bảo tàng tiền tệ của mình”.
Số lượng tiền cổ bằng kim loại “khủng” của ông “vua tiền cổ”.
Kế hoạch sưu tầm toàn bộ những đồng tiền gồm: Thái Bình hưng bảo (nhà Đinh); Thiên Phúc trân bảo (nhà Tiền Lê); Thuận Thiên đại bảo, Minh Đạo nguyên bảo, Thiên Cảm nguyên bảo... (nhà Lý); Kiến Trung thông bảo, Chính Bình thông bảo, Nguyên Phong thông bảo, Thiệu Long thông bảo, Đại Trị thông bảo... (nhà Trần); Thành Nguyên thông bảo, Thiệu Nguyên thông bảo (nhà Hồ); Thuận Thiên nguyên bảo, Thiệu Bình thông bảo, Bảo Đại thông bảo,... (Lê sơ); Minh Đức thông bảo, Đại Chính thông bảo, Quang Hòa thông bảo, Nguyên Hòa thông bảo... (nhà Mạc); Vĩnh Thịnh thông bảo, Vĩnh Thọ thông bảo, Bảo Thái thông bảo và các loại tiền Cảnh Hưng... (Lê Trung hưng); Thái Đức thông bảo, Minh Đức thông bảo, Quang Trung thông bảo... (Tây Sơn); Gia Long thông bảo, Minh Mệnh thông bảo, Tự Đức thông bảo, Hàm Nghi thông bảo, Đồng Khánh thông bảo, Thánh Thái thông bảo, Duy Tân thông bảo, Khải Định thông bảo, Bảo Đại thông bảo... (nhà Nguyễn)... được đặt ra và ông quyết định đầu tư để hoàn thành ước muốn đó.
Năm 2015, bảo tàng Tiền tệ Việt Nam (nằm tại Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) được xây dựng và được điều hành dưới bàn tay của ông. Hiện nay, bảo tàng đang trong quá trình trùng tu nên luôn trong tình trạng “cửa đóng then cài”, không có khách tham quan. Để được mục sở thị những đồng tiền cổ của Việt Nam qua các triều đại, chúng tôi hẹn gặp ông vào một ngày tháng Chín. Sau một hồi trò chuyện, ông Khôi mở cửa bảo tàng, hiện ra trước mắt chúng tôi là “một núi tiền”, nào là những đồng tiền kim loại cổ được đặt trên những lu, ché, mâm, khạp,... nào là tiền giấy của Việt Nam và cả các nước. Nói một cách ví von, ông chẳng khác nào “siêu đại gia”.
Hành trình đi tìm những báu vật một thời
Mỗi đồng tiền cổ đều có phiếu đăng ký cổ vật.
Kể về quá trình sưu tầm của mình, ông Khôi nói: “Ngày miền Nam giải phóng, khi ra Bắc, người ta mang đài, tivi... về còn riêng tôi chỉ gói ghém những đồng đô la Mỹ, đồng tiền Việt Nam Cộng hòa và đồng tiền xu tôi mua được. Còn có một lần, nghe tin một gia đình ở Thuận Thành, Bắc Ninh có những đồng tiền xu giá trị, tôi tìm bằng được nhà đó. Đến nơi, thấy họ phân loại đồng nào còn mới và đẹp, đồng nào bị sứt mẻ, han gỉ để riêng và tất nhiên giá tiền bán cũng khác nhau. Tôi bớt lại trong người một ít tiền để đi đường còn lại bỏ ra mua hết chỗ những đồng đẹp rồi nhưng còn cái hũ đựng những đồng tiền bị han kia cũng rất giá trị. Tôi muốn sở hữu chúng lắm mà trong người không còn đủ số tiền họ ra giá. Tôi ngồi năn nỉ một hồi, cuối cùng, họ cũng đồng ý bán”.
Hiện tại, ông Khôi sở hữu 10 tấn tiền kim loại, ngoài ra còn sở hữu tiền tệ của 185 quốc gia với các mệnh giá khác nhau. Ông say sưa giới thiệu với chúng tôi từng loại tiền của Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam... và những đồng tiền Trung Quốc đã hơn 2.000 năm tuổi.
Chia sẻ với PV ĐS&PL, ông Khôi cho biết: “Có những đồng tiền quý tôi phải nhờ đến sự giúp đỡ của nhiều người, mất bao công sức và tiền bạc mới sở hữu được. Ví dụ như đồng Thuận Cảm nguyên bảo (thời Lý) hoặc đồng Thuận Thiên đại bảo (thời Hậu Lê)... có giá trị rất lớn”. Để sưu tầm các đồng tiền cổ này, ông đã lặn lội khắp các tỉnh thành. Ông còn học khóa chữ Hán tại trường đại học Ngoại ngữ Hà Nội, điều này giúp ông rất nhiều trong việc đọc chữ trên các cổ vật.
Đôi tay chai sần của ông Khôi nhẹ nhàng mở tờ giấy chứng nhận cổ vật. Ông Khôi cho hay: “Mỗi đồng tiền đều có giấy chứng nhận bản quyền của sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội cấp phép. Đó như một “dấu chiện” để minh chứng cho đồng tiền thuộc quyền sở hữu của ông. Hiện nay, đã có hơn 4.000 cổ vật được cấp giấy chứng nhận”.
Ngoài phiếu đăng ký, các cổ vật được “đóng dấu” quyền sở hữu bằng giấy chứng nhận do sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội cấp phép.
Từng nhận mình là người nhiều tiền nhất nhưng là tiền cổ, ông Khôi khẳng định: Đồng tiền nào cũng đáng quý, đáng trân trọng. Không sưu tầm để lấy số lượng, mỗi đồng tiền ông Khôi nắm giữ đều có giá trị cốt lõi của nó. Ông tâm sự: “Có những đồng tiền nhiều người bỏ qua vì nghĩ nó không đáng giá. Nhưng “giá” của đồng tiền không nằm ở số năm tồn tại, số lượng còn bao nhiêu mà nằm ở giá trị lịch sử. Có những đồng tiền người ta không lấy, tôi lại sưu tầm vì tôi hiểu được giá trị của nó”.
Tính tới thời điểm hiện tại, bảo tàng của ông là bảo tàng tiền tệ đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam. Bảo tàng Tiền tệ của ông không chỉ mang ý nghĩa sưu tầm, mà còn thể hiện sự hưng thịnh của các triều đại, tái hiện lại bức tranh giao thương, nét văn hóa của một thời đã qua.
Hơn 40 năm miệt mài với hành trình tìm kiếm các đồng tiền, gây dựng bảo tàng với tâm huyết của một người con đất Việt, một người lính và sĩ diện của một doanh nhân. Ông Khôi mong rằng, bảo tàng sẽ là nơi lưu giữ các giá trị lịch sử, văn hóa của quốc gia qua từng thời đại, là nơi để thế hệ trẻ có thể hiểu được sự thịnh suy của một triều đại, một quốc gia qua từng đồng tiền.
Ông Khôi cho hay: “Đồng tiền có giá trị hay không phụ thuộc vào giá trị phản ánh của đồng tiền. Đó mới là giá trị vô giá. Với những đồng tiền này, nó không có sức nặng giá trị bình thường mà còn có sức nặng chiều dài lịch sử mang giá trị văn hóa, “hơi thở” của thời đại đó”.
Theo Phong Linh- Lê Nga/Đời sống & Pháp luật