Anh Bùi Quốc Dương (SN 1991 tại Kiên Giang) cho biết trước đây anh từng học trường Đại học Cần Thơ, nhưng vào năm cuối (2015), anh đã quyết định nghỉ ngang và chọn về quê làm nông trại cùng gia đình. Vợ của anh, chị Lưu Kiều Diễm (sinh năm 1992, quê Hậu Giang) sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành Tài chính ngân hàng cũng về quê đi làm và mở quán kinh doanh riêng.
Anh Dương và chị Diễm bỏ phố về quê khởi nghiệp với số vốn trong tay chỉ 100 triệu đồng
Sau hơn 1 năm làm nông trại cùng gia đình, giữa năm 2017, anh cùng chị Diễm quyết định dắt nhau tới Bạc Liêu để bắt đầu hành trình khởi nghiệp với mô hình nuôi trồng và kinh doanh thủy sản sạch trước sự phản đối của gia đình. Anh cho biết, khi 2 người bắt đầu thực hiện kế hoạch, trong tay chỉ có số vốn 100 triệu đồng từ tiền tiết kiệm trước đó và việc vay mượn, cũng như ủng hộ của bạn bè. Ở nơi xứ lạ quê người, không một người thân, hai anh chị tự tay làm hết những công việc cơ bản nhất như tìm nơi thuê đất, dựng nhà, làm đường đi, sửa chữa bờ ao.
Anh Dương chia sẻ, do không phải là dân bản địa, chưa hiểu hết được thổ nhưỡng khí hậu nên trong quá trình thử nghiệm đã không ít lần mắc phải sai lầm, phải “đập đi xây lại” mọi thứ. Trước những thất bại của anh, không chỉ ba mẹ phản đối mà ngay cả những người hàng xóm xung quanh cũng bảo anh chị bị “điên”, mơ mộng hão huyền về một mô hình phát triển du lịch sinh thái tại vùng đất ngập mặn này.
Để có thêm vốn trong quá trình khởi nghiệp, ngoài sự giúp đỡ của những “nhà đầu tư” chưa từng biết mặt, chỉ quen nhau qua mạng xã hội, anh chị còn kinh doanh thêm mặt hàng hải sản trên các hội nhóm online. Từ đó, mọi người biết đến đôi vợ chồng trẻ không chỉ đang thực hiện hoài bão tương lai mà còn chuyên kinh doanh con cua, con cá, con tôm chất lượng.
Du khách vừa được chơi, ăn uống thoải mái lại được trải nghiệm cuộc sống tự do hào sảng của người miền Tây
Những đồng tiền lãi từ việc kinh doanh tiếp tục được anh đầu tư cho ý tưởng của mình, nhưng ông bố sinh năm 1991 thừa nhận làm một việc khác người chưa bao giờ là dễ. Cái giá phải trả cho việc nghiên cứu mô hình làm ăn đã khiến chị Diễm phải bán đi đôi nhẫn cưới để lấy tiền cho anh xâu chuỗi những kinh nghiệm vừa học được.
Trong suốt quãng thời gian gần 2 năm, sau bao lần thử nghiệm thất bại, anh Dương vẫn không nản lòng mà tiếp tục đổi mới sáng tạo mô hình du lịch trải nghiệm. Tháng 10/2019, cái tên “Nông Trại Tôm Khỏe” của anh chị được ra đời. Anh Dương chia sẻ mong muốn của mình là muốn thúc đẩy những quy trình nuôi trồng thủy sản sạch từ đó giúp bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, mang lại những nguồn tôm cá chất lượng kết hợp tham quan, bảo tồn tài nguyên rừng ngập mặn cho cộng đồng.
Anh chị cũng đẩy mạnh phát triển mô hình du lịch sinh thái với các trải nghiệm như câu cá, câu cua, giăng lưới, mò tôm, ăn uống và giải trí, ca hát trên bè bồng bềnh len lỏi trong cánh rừng đước… Và thật may mắn, mô hình của anh chị đã được rất nhiều bạn bè ủng hộ và chia sẻ. Anh cho biết giá vé để các du khách vào tham quan để trải nghiệm cuộc sống một ngày làm nông dân là 30.000 đồng. Du khách đặt món thì sẽ tính riêng. Số tiền này giúp anh chị có nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống và đầu tư thêm những trang thiết bị mới phục vụ du khách.
Đến với nông trại, du khách vừa được chơi, ăn uống thoải mái lại được trải nghiệm cuộc sống tự do hào sảng của người miền Tây. Do đó, ngày càng có nhiều người từ nơi rất xa như tận TP. HCM cũng tìm đến trải nghiệm.
Sau hơn 3 năm kể từ ngày khởi nghiệp với số vốn vỏn vẹn 100 triệu đồng, trải qua nhiều sóng gió, mô hình du lịch sinh thái của anh Dương và chị Diễm cũng bắt đầu được nhiều người biết đến. Đến nay dù lượng khách đến tham quan tuy chưa phải là lớn (hơn 400 lượt khách/tháng và đang tăng lên) nhưng tính ra đã tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Chàng trai trẻ chia sẻ thời gian sắp tới sẽ kết hợp cả khâu nuôi thủy sản bằng quy trình mới đã tự nghiên cứu để tạo thêm những sản phẩm độc đáo riêng như tôm sú khổng lồ, cua cốm… để mang đến nhiều trải nghiệm hơn cho du khách mỗi khi đến với nông trại của mình.
Ngoài ra, hai vợ chồng anh Dương cũng thường xuyên tổ chức những buổi chia sẻ về khởi nghiệp nông nghiệp cho người nông dân trong vùng để hình thành một chuỗi du lịch liên kết vùng để cùng nhau phát triển.
Anh cũng cho biết nhờ việc có nguồn thu nhập ổn định trở lại từ mô hình kinh doanh của mình đã giúp mình vực dậy kế hoạch phát triển lâu dài hơn. Anh thừa nhận để "bỏ phố về quê" thành công trước tiên các bạn trẻ nên phát triển kỹ năng kinh doanh trước để bản thân có thể tự xoay sở lúc ban đầu khi nguồn vốn trong tay hạn chế.
Theo Trung Kiên/Dân Việt