Bất chấp việc các sàn tiền ảo bị hacker tấn công lấy cắp hàng triệu USD, giới chức siết mạnh quản lý tiền ảo, hay quan chức tài chính gọi đây là "trò lừa đa cấp" cơn sốt tiền ảo vẫn chưa hề có dấu hiệu hạ nhiệt trong giới trẻ Hàn Quốc.
Xu hướng 'nguy hiểm'
"Tôi không còn muốn trở thành giáo viên dạy toán nữa", Eoh Kyong-hoon - người sáng lập câu lạc bộ Cryptofactor cho biết. "Suốt nhiều tháng nay, tôi đã nghiên cứu về thị trường này mỗi ngày hơn 10 tiếng và tôi chắc chắn rằng đây chính là tương lai của mình".
|
Câu lạc bộ nghiên cứu tiền ảo tại một trường đại học ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Reuters. |
Theo các nhà phân tích, một phần vì triển vọng kinh tế ảm đạm - bao gồm tỷ lệ thất nghiệp cao gần gấp 3 lần mức lương tối thiểu, người trẻ Hàn Quốc đang đổ xô vào đầu tư tiền ảo bất chấp rủi ro và cảnh báo từ các nhà chức trách.
Xu hướng "nguy hiểm" này khiến lãnh đạo và giới chức Hàn Quốc tỏ ra lo lắng, buộc phải đưa thêm nhiều biện pháp mới để kiểm soát cơn sốt đầu cơ tiền ảo trong nước.
Ngoài ra, lo ngại về an ninh và trộm cắp tiền ảo cũng ngày càng lớn. Mới đây một sàn giao dịch tiền ảo đã phải đóng cửa và đệ đơn xin phá sản sau khi bị hacker tấn công lần thứ hai trong năm nay.
"Người trẻ và sinh viên đang đua nhau lao vào lướt sóng tiền ảo để kiếm lợi nhuận lớn lớn trong thời gian ngắn", Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-yeon nói hồi tháng 11. "Đã đến lúc chính phủ phải hành động bởi nếu không kiểm soát, điều này có thể gây ra những hiện tượng hiện tượng bệnh lý nghiêm trọng".
Cơn sốt ngoài vòng kiểm soát
Eoh cho biết các động thái siết chặt thị trường tiền ảo của chính phủ cũng không làm ảnh hưởng tới kế hoạch của mình, đặc biệt là sau khi anh kiếm được lợi nhuận cao gấp 20 lần cho khoản đầu tư của mình trong 6 tháng qua.
Eoh cho biết hiện có nhiều sinh viên mang laptop tới lớp học để theo dõi các khoản đầu tư của mình và thực diện giao dịch kể cả khi giáo sư đang giảng bài ngay trước mặt.
|
Theo dõi diễn biến giá trên di động. Ảnh: Reuters. |
Theo giới phân tích, các nhà đầu tư trẻ có xu hướng quan tâm tới các đồng tiền ảo thay thế Bitcoin - gọi chung là Altcoin, bởi chúng được giao dịch ở mức giá thấp hơn.
Iota - một trong những đồng Altcoin tăng trưởng nhanh nhất - được giao dịch với giá 0,82 USD vào cuối tháng 11 và hiện đứng ở mức 3,89 USD, tăng 374,4%, theo Coinmarketcap.com. Còn đồng Energo - một Altcoin khác - cũng tăng 400% trong cùng thời gian.
Nhiều nhà đầu tư trẻ nói họ thức tới tận 2h để theo dõi diễn biến thị trường. Đây cũng là thời điểm thị trường tiền ảo tạm lắng xuống bởi các nhà đầu tư tại Hàn Quốc, Nhật Bản đăng xuất để đi ngủ.
Các thành viên của câu lạc bộ trên cho biết họ thường gọi nhau để cùng đưa ra các quyết định quan trọng và xem các thông tin được chia sẻ là chìa khoá để điều hướng thị trường tiền ảo đầy biến động.
"Về bản chất tôi chẳng biết gì về tiền ảo hay kinh tế", Lee Ji-woo, vận động viên 22 tuổi, chia sẻ. "Mọi người đã dạy tôi rất nhiều".
Giờ đây, Lee đã có một giấc mơ khác cho tương lai của mình. "Tôi có thể làm hai công việc, vừa là một lưc sĩ, vừa là một nhà đầu tư", cô nói.
'Trò lừa đa cấp'
Các nhà đầu tư trẻ tuổi như Lee thường nổi lên trên mạng xã hội là những người kiếm được khoản thu nhập khổng lồ, Shin Dong-hwa, giám đốc Korea Blockchain Exchange, cho biết.
Tuy nhiên, giới chức nước này cho rằng những kỳ vọng như vậy là điều vô căn cứ.
Kim Yong-beom, Phó chủ tịch Uỷ ban Dịch vụ Tài chính Hàn Quốc, hôm 25/12 nói rằng: "Lý do duy nhất khiến giá tiền ảo ngày càng tăng là các nhà đầu tư đều hy vọng những người mua sau trả giá cao hơn. Đây thực sự là một mô hình đa cấp".
Một số khác thì cho rằng các sinh viên này dường như chỉ tập trung vào các cách kiếm tiền nhanh chóng thay vì vào giá trị công nghệ hay tài chính của tiền ảo.
"Chẳng có cách nào để xác định được giá trị thực của tiền ảo nhưng các sinh viên chỉ đầu tư vào đây bởi tin rằng có thể kiếm được món lời khổng lồ trong nháy mắt", Yun Chang-hyun, giáo sư kinh tế Đại học Seoul nhận định.
Theo Nguyễn Duy/Zing