Bộ Công Thương sẽ phân phối xăng dầu sao hậu khủng hoàng nguồn cung?

Google News

Bộ Công Thương đề xuất hai phương án phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu để tránh lặp lại tình trạng khủng hoảng nguồn cung như thời gian qua.

Bộ Công Thương vừa gửi các bộ, ngành lấy ý kiến về sửa đổi, bổ sung dự thảo nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu với những sửa đổi quan trọng về thời gian điều hành, công bố giá xăng dầu bán lẻ trong nước.
Liên quan đến phương thức phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu, Bộ Công Thương cho biết, theo quy định hiện hành, Nhà nước chỉ giao tổng nguồn xăng dầu phải thực hiện hàng năm của doanh nghiệp, không can thiệp vào cơ cấu nguồn và thời gian thực hiện cụ thể của doanh nghiệp.
Quy định nêu trên nhằm tăng tính tự chủ trong thực hiện kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp, Nhà nước chỉ can thiệp khi nguồn cung trên thị trường có biến động bất thường. Tuy nhiên, sau tình trạng khủng hoảng nguồn cung vừa qua, mặc dù nguyên nhân không phải do quy định này nhưng Bộ Công Thương vẫn đề xuất hai phương án phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu.
Bo Cong Thuong se phan phoi xang dau sao hau khung hoang nguon cung?
Bộ Công Thương đề xuất tiếp tục phân giao theo tổng nguồn xăng dầu tối thiểu cho từng thương nhân đầu mối. (Ảnh minh họa)
Phương án thứ nhất là giữ nguyên quy định như hiện hành. Phương án này có ưu điểm là tăng tính tự chủ về thực hiện kế hoạch kinh doanh cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp linh hoạt trong lựa chọn thời điểm nhập khẩu để vừa bảo đảm cung ứng đủ trong hệ thống kinh doanh của mình vừa bảo đảm hiệu quả kinh doanh, duy trì hoạt động cung ứng xăng dầu lâu dài cho thị trường.
Nhà nước không có sự can thiệp, giám sát chặt chẽ việc thực hiện tổng nguồn được phân giao cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Phương án thứ hai là sẽ quy định chi tiết nguồn trong nước và nguồn nhập khẩu, đồng thời xem xét tiến độ thực hiện tổng nguồn xăng dầu tối thiểu.
Điều này bảo đảm việc thực hiện tổng nguồn xăng dầu cung ứng cho thị trường được kiểm soát chặt chẽ hơn, phân giao cụ thể nguồn mua và tiến độ nhằm bảo đảm duy trì nguồn cung cho thị trường.
Nhược điểm của phương án này là Nhà nước can thiệp quá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp, giảm tính linh hoạt, không có sự hỗ trợ về tài chính cho doanh nghiệp để thực hiện nghĩa vụ trên. Khi gặp khó khăn, kinh doanh thua lỗ, doanh nghiệp sẽ đẩy trách nhiệm cho Nhà nước đã quy định cứng nhắc, can thiệp vào việc thực hiện kế hoạch kinh doanh của họ.
Trong hai phương án này, Bộ Công Thượng nêu quan điểm lựa chọn phương án thứ nhất. Theo đó tiếp tục phân giao theo tổng nguồn xăng dầu tối thiểu cho từng thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu phải tự chủ động nguồn mua trong nước hoặc nhập khẩu theo khả năng đàm phán với các đơn vị cung cấp và lợi thế kinh doanh của đơn vị mình.
"Lựa chọn phương án này sẽ bảo đảm tính tự chủ của doanh nghiệp và không ràng buộc trách nhiệm của Nhà nước trong việc bao tiêu sản phẩm sản xuất trong nước (khi nguồn cung trên thị trường dồi dào, nguồn nhập khẩu có lợi thế). Khi nguồn cung khó khăn hơn, nguồn trong nước có lợi thế, các doanh nghiệp tự đàm phán do tổng cung từ sản xuất trong nước vẫn chỉ để phục vụ thị trường nội địa", văn bản của Bộ Công Thương cho hay.
Hai kịch bản về phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu 2023
Tại cuộc họp tìm phương án đảm bảo nguồn cung xăng dầu năm 2023 và đề xuất sửa đổi nghị định số 95 và nghị định số 83 của Chính phủ mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đưa ra hai kịch bản dự kiến về phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu 2023.
Kịch bản thứ nhất tỷ lệ tăng trưởng 10% so với năm 2022, tương đương 25 triệu 900 ngàn m3, tấn.
Kịch bản thứ hai tăng trưởng 15%, tương đương 26 triệu 760 ngàn m3, tấn. Sản lượng này phải được phân bổ từng tháng, quý. Mỗi tháng quý căn cứ vào số liệu thực hiện trên phần mềm quản lý sẽ áp dụng từ 1/1/2023 để có điều chỉnh phù hợp.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhận định, trong bối cảnh nguồn cung của thị trường xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, từ bài học điều hành, quản lý xăng dầu vừa qua, cần phải có cách tiếp cận nhanh và thích ứng hơn. Do đó, Nhà nước cần sửa đổi bổ sung chính sách kịp thời và sát hơn với thị trường.
Cần dựa trên con số thực hiện của năm 2022 và tính toán trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế đạt 6,5% trở lên, tương ứng hệ số 1,3 - 1,4 GDP. Điều này cho thấy, con số phân giao tăng khoảng 10% so với số thực hiện của năm 2022.
Tuy nhiên, trước nhu cầu thực tế của nền kinh tế, ông Diên cho rằng cần phải có phương án thứ hai để chủ động trong mọi tình huống. Phương án này phải cao hơn phương án thứ nhất, tăng 15% so với số thực hiện của năm 2022.
Ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho rằng, nên có sự phân giao theo quý, tháng để kiểm soát việc tổ chức, tiến độ thực hiện. Theo đó, các thương nhân đầu mối phải bình đẳng, có trách nhiệm như nhau.
Trong khi đó ông Nguyễn Đăng Trình, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty dầu Việt Nam (PVOil) góp ý nên xem xét tổng nguồn năm 2023 tăng trưởng phù hợp với năng lực của doanh nghiệp và khả năng cung ứng thị trường.
Theo Hòa Bình/ VTC