Bình Thuận: Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Google News

Để du lịch thành ngành mũi nhọn, Bình Thuận đặt quyết tâm cao nhất nhằm phục hồi ngành du lịch sau thời gian dài bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi COVID-19.

Thời điểm này khi cả nước đã chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Việc khởi động lại các hoạt động du lịch có ý nghĩa then chốt nhằm từng bước giúp cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, bắt nhịp lại trong điều kiện bình thường mới. Song yêu cầu thực hiện hiệu quả mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cũng là nhiệm vụ hết sức quan trọng.
Tại Bình Thuận, cho đến nay mới có gần 20 cơ sở lưu trú đủ điều kiện để đón khách trở lại. Để bảo đảm cả hai mục tiêu chính trên, nhiều cơ sở du lịch trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã chủ động triển khai các giải pháp nhằm bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt với các cấp độ dịch bệnh. Việc đón khách vẫn được các đơn vị tiến hành thận trọng với phương châm “Không đón khách ồ ạt. Mở cửa đến đâu phải an toàn đến đó” nhằm đảm bảo các quy định về an toàn, phòng chống dịch.
Hiện nay, để việc kinh doanh đáp ứng với công tác phòng chống dịch, các khách sạn, resort trên địa bàn tỉnh đã áp dụng một số công nghệ để khách chia sẻ thông tin trước khi đến; hạn chế thủ tục đăng ký và tiếp xúc trực tiếp; cập nhật lại quy trình từ khâu chuẩn bị đến khâu phục vụ; đầu tư thêm trang thiết bị kỹ thuật số như thực đơn điện tử, thanh toán trực tuyến tạo thuận tiện cho khách thực hiện thông điệp 5K. Bên cạnh đó, một số cơ sở lưu trú còn chuẩn bị các gói “nghỉ dưỡng an toàn” phù hợp từng đối tượng khách như phương tiện đưa đón riêng, thực đơn sức khỏe, dịch vụ dành cho khách vừa nghỉ dưỡng vừa làm việc, trẻ em vừa nghỉ ngơi vừa đảm bảo việc học online.
Tỉnh Bình Thuận xác định du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội; ưu tiên phát triển du lịch chuyên nghiệp, bền vững, an toàn, gắn với bảo vệ môi trường, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc. Tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa Bình Thuận với các địa phương khác trong nước và các nước trên thế giới.
Để đạt được mục tiêu trên, trong thời gian tới, Bình Thuận sẽ tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển du lịch tích hợp trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bên cạnh đó, các đơn vị liên quan tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương khẩn trương thi công hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam (phía Đông), đoạn qua địa bàn tỉnh; Cảng hàng không Phan Thiết; nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 28B; thi công hoàn thành các trục đường ven biển và tuyến kết nối đường ven biển với Quốc lộ 1A, cao tốc. Ưu tiên bố trí nguồn ngân sách và huy động đa dạng các nguồn lực để phục vụ công trình phát triển du lịch. Đầu tư phát triển hạ tầng số phục vụ yêu cầu chuyển đổi số và dịch vụ du lịch thông minh.
Bình Thuận định hướng thu hút đầu tư và phát triển đa dạng, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch dựa trên các loại hình du lịch: Du lịch biển, thể thao, giải trí; Du lịch văn hóa; Du lịch điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe; Kết hợp du lịch nghỉ dưỡng - MICE; Du lịch nông nghiệp, sinh thái rừng - biển - đồi cát; Du lịch cộng đồng…
Bình Thuận cũng định hướng xây dựng chiến lược định vị thương hiệu du lịch Bình Thuận và phát triển thương hiệu du lịch Mũi Né, hình thành hệ sinh thái du lịch Bình Thuận; tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ trong ngành du lịch; chú trọng bồi dưỡng, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch của tỉnh bằng nhiều phương thức khác nhau. Đồng thời nâng cao vai trò kiến tạo của cơ quan Nhà nước trong phát triển du lịch; nhất là trong thu hút đầu tư, quản lý đất đai, bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho du khách.
Khánh Hoài (T/H)