Kinh doanh theo phương thức đa cấp là hoạt động kinh doanh đã tồn tại lâu năm trên thế giới. Trong đó sử dụng mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh để đưa hàng hóa từ nhà sản xuất đến tay người tiêu dùng.
Nhà nước ta cũng công nhận đây là hình thức kinh doanh hợp pháp khi doanh nghiệp và người tham gia tuân thủ các quy định về kinh doanh đa cấp của pháp luật Việt Nam. Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 40/2018/NĐ-CP thì kinh doanh theo phương thức đa cấp là hoạt động kinh doanh sử dụng mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh,
Trong đó, người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác từ kết quả kinh doanh của mình và của những người khác trong mạng lưới.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều doanh nghiệp kinh doanh đa cấp và một số người tham gia mạng lưới kinh doanh đa cấp lợi dụng tâm lý muốn kiếm tiền nhanh chóng, dễ dàng, đồng thời sử dụng nhiều chiêu trò bất hợp pháp để lôi kéo càng nhiều người tham gia bán hàng đa cấp, trong đó nhắm vào đói tượng sinh viên tham gia vào mạng lưới kinh doanh đa cấp bất chính, Các đối tượng bán hàng đa cấp bất chính sẽ đánh vào tâm lý sinh viên không phân biệt được hoạt động đa cấp bất hợp pháp, lại bị vẻ hào nhoáng bên ngoài của đối tượng lừa đảo tung ra để dẫn dụ.
Một số hình thức lôi kéo sinh viên phổ biến mà các đối tượng hay áp dụng như: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, địa vị xã hội, nghề nghiệp để thuyết phục sinh viên tham gia mạng lưới đa cấp; Tổ chức Hội thảo giới thiệu về hệ thống kinh doanh đa cấp và các mặt hàng của hệ thống;
Tiếp cận sinh viên qua các thông báo giới thiệu việc làm thêm, sau đó sẽ thao túng tâm lý để dụ dỗ sinh viên bỏ một số tiền mua sản phẩm để được lên các vị trí quản lý cấp cao trong hệ thống.
Việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để lôi kéo người khác tham gia vào hệ thống kinh doanh đa cấp là vi phạm điểm đ khoản 2 Điều 5 của Nghị định 40/2018/NĐ-CP của Chính Phủ về Quản lý Hoạt động Kinh doanh theo Phương thức Đa cấp.
Nhu cầu việc làm và làm thêm của sinh viên là hoàn toàn chính đáng, tuy nhiên trước khi tham gia hoạt động bán hàng đa cấp cần tỉnh táo, tìm hiểu kỹ thông tin về công ty, sản phẩm và mô hình kinh doanh để tránh rơi và bẫy lừa đảo.
Nên truy cập website của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia để biết thêm thông tin cập nhật, hoặc gọi tổng đài Bảo vệ người tiêu dùng đầu số 18006838 -miễn phí để biết thêm chi tiết. Ngoài ra, nhiệm vụ chính của sinh viên là học tập, bán hàng đa cấp là công việc đòi hỏi nhiều thời gian, vì vậy sinh viên cần cân nhắc để không phân tán, đảm bảo việc học tập.
Sinh viên cũng cần tỉnh táo không bị mắc lừa, bị dụ dỗ vào các khoản đầu tư tài chính núp bóng đa cấp bất chính để tạo áp lực cho bản thân, cần trang bị đầy đủ kiến thức pháp luật, đạo đức và kỹ năng sống để tránh bị lừa đảo thiệt hại về tài sản. Nếu có dấu hiệu bất thường, lừa đảo cần mạnh dạn lên tiếng, phản ánh với các cơ quan chức năng để chặn đứng mọi hành vi lừa đảo.
Theo Nguyễn Hoàng/VOV