“Đánh thức” ruộng trũng
Khi mới lập gia đình, vợ chồng anh Kiên tảo tần với 2 sào ruộng khoán, vất vả với nghề xây dựng nhưng cuộc sống vẫn rất khó khăn.
Thấy một số hộ nuôi ếch thương phẩm trong trang trại dần thoát được nghèo, anh Kiên cũng mua về thả ở ao nhà; song vì thiếu kinh nghiệm, nước ao trong khu dân cư ô nhiễm, ếch hay bị bệnh, chết. Vậy là lời đâu không thấy, chỉ thêm nợ.
Nhưng anh không bỏ cuộc. Thấy khu ruộng trũng chua phèn, bà con cấy nhiều vụ mất trắng, cỏ mọc um tùm, anh mạnh dạn xin xã cho chuyển 2 sào ruộng của gia đình về đó, tiến hành khử chua, đào ao nuôi ếch, cá rô phi.
Lãnh đạo xã rất mừng vì vùng đất hoang bấy lâu vận động mãi không ai dám nhận giờ anh Kiên lại xin chuyển đổi để sản xuất. Vợ chồng anh cũng lo lắng song quyết tâm, vững tin “có sức người sỏi đá cũng thành cơm”.
Bên cạnh những kinh nghiệm đúc kết từ khi nuôi ếch trong ao nhà, anh Kiên còn tìm thêm kiến thức nuôi ếch từ sách, báo và những mô hình đã thành công để áp dụng vào lứa ếch đầu tiên trên vùng chuyển đổi.
“Vạn sự khởi đầu nan”, mấy vạn con ếch thịt và cá rô phi lớn nhanh, béo tốt, cho thu nhập cao. Sau đó, anh Kiên tiếp tục đề nghị với xã cho thuê lâu dài tất cả diện tích đất bỏ hoang quanh diện tích chuyển đổi của gia đình để xây dựng trang trại thủy sản rộng trên 7ha.
Anh cho biết: Lúc đầu ra cải tạo khu đất hoang này cũng gặp nhiều khó khăn vì thiếu người, thiếu vốn, thiếu cả kinh nghiệm song vợ chồng tôi luôn động viên nhau vượt khó, tìm cách đánh thức tiềm năng, sản xuất hiệu quả, bền vững trên vùng đất này.
Nuôi con đặc sản trong ao bán nổi
Nuôi cá rô phi và ếch trên vùng đất trũng đã đưa gia đình anh Kiên thoát nghèo, có “của ăn của để” nhưng chỉ được vài năm thì chững lại vì thị trường tiêu thụ khó khăn. Anh Kiên lại mày mò tìm hướng đi mới để phát triển trang trại bền vững.
Anh chia sẻ: Đây là vùng đất chua trũng, dù đã dùng nhiều cách để thau chua song nước phèn chua vẫn đẩy lên.
Cách tốt nhất là làm ao bán nổi nuôi cá giống vì ao bán nổi bố trí lưng chừng trên mặt ruộng đỡ tốn kinh phí, nền ao cứng cáp ít phải nạo vét bùn, thuận lợi cho thu hoạch, vệ sinh đáy ao và đặc biệt là không bị ảnh hưởng bởi chua phèn.
Tôi đã đầu tư hàng tỷ đồng đào 20 ao bán nổi nuôi cá giống, xây 50 bể dưỡng cá giống đặc sản, chủ yếu là cá lăng, diêu hồng, rô phi Thái Lan, trắm đen...
Anh Nguyễn Trung Kiên (nônh dân xã xã Đô Lương (huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) cho cá giống trong các bể dưỡng ăn.
Điều kiện để nuôi cá giống là phải thuận tiện về giao thông, có đủ điện và nước. Trước đây, khi đi ra khu chuyển đổi của tôi rất khó khăn nhưng từ năm 2011 tỉnh làm đường Thái Hà chạy qua thì rất thuận lợi về giao thông, khách hàng từ miền Trung, miền Bắc về mua cá giống đông hơn.
Để nuôi cá giống đạt tỷ lệ sống cao, anh Kiên nhập cá từ các đơn vị uy tín; vệ sinh nền ao bằng vôi bột; bảo đảm nước sạch; cho cá ăn đúng giờ, đủ lượng.
Cá khỏe mạnh sẽ có sức đề kháng tốt, phát triển nhanh. Bình quân một tháng, anh xuất bán khoảng 10 tấn cá giống các loại cho các hộ chăn nuôi trong và ngoài tỉnh, trong đó có nhiều hộ nuôi cá lồng, trang trại thủy sản; đợt cao điểm vào vụ thả cá tháng 3, tháng 4, mỗi ngày anh xuất tới 1 tấn cá giống.
Ông Bùi Xuân Hòa, xã Tây Đô (Hưng Hà) cho biết: Tôi thường mua cá giống ở trang trại của anh Kiên vì ở đây có các giống cá đặc sản, tỷ lệ sống cao, giá cả hợp lý, lại được anh Kiên tận tình hướng dẫn kỹ thuật nuôi để cá phát triển nhanh.
Luôn giữ uy tín, bảo đảm chất lượng, cá giống do anh Kiên nuôi được nhiều chủ ao lựa chọn mua về thả nuôi. Cung không đủ cầu, vì vậy anh đã vận động một số chủ ao nuôi cá giống vệ tinh cho mình. Đến nay có khoảng 40 hộ trong và ngoài tỉnh tham gia nuôi cá giống vệ tinh cho anh.
Các hộ này được anh hướng dẫn làm ao, cung cấp cá hương chất lượng, thuốc phòng, chống dịch bệnh, kỹ thuật chăm sóc, khi cá đạt kích cỡ theo yêu cầu thì anh tới kiểm tra, thu mua lại cung cấp ra thị trường.
Không chỉ nuôi cá giống đặc sản, có giá trị kinh tế cao, anh Kiên còn tận dụng cỏ, cây trái trong trang trại nuôi 25 con hươu lấy nhung, thả 2.000 con ba ba thương phẩm. Chỉ sau một năm nuôi, hươu bắt đầu cho thu hoạch nhung, ba ba anh xuất vài tạ/năm.
Ông Nguyễn Ích Kiên, Chủ tịch UBND xã Đô Lương (huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) cho biết: Địa phương hỗ trợ anh Kiên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tuyên truyền, vận động các hộ nông dân có ruộng không canh tác cho anh Kiên thuê, quy vùng phát triển thành trang trại rộng lớn. Đây là trang trại lớn nhất xã, phát triển rất tốt, mang tính bền vững.
Từ hai bàn tay trắng, người nông dân chân chất dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách đã gặt hái thành công với khối tài sản lên tới vài tỷ đồng.
Không chỉ làm giàu cho gia đình, anh Kiên còn tạo việc làm thời vụ cho 8 lao động địa phương và hàng chục lao động vệ tinh. Anh mong xã tiếp tục tạo điều kiện để thuê đất mở rộng trang trại cũng như có thêm nhiều hộ nuôi cá giống vệ tinh vì thị trường tiêu thụ còn rất lớn.
Theo Hiếu Nghĩa/Báo Thái Bình)