Biến đồi sim dại thành nơi...kiếm tiền rất dễ

Google News

Từ đồi sim hoang hóa, xã Hồng Thượng, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế bắt tay vào cải tạo, chăm sóc nhằm biến rừng sim dại thành nơi cung cấp nguyên liệu quả để ủ rượu sim và phát triển du lịch sinh thái trong nay mai.

Cây sim vốn không xa lạ gì với người dân miền núi xã Hồng Thượng. Có một thời, lâm dân nơi đây phải chặt bớt sim mọc hoang để giành diện tích đất trồng rừng kinh tế. Dù chặt hạ nhiều nhưng số diện tích sim dại vẫn còn tập trung hơn 13ha tại Khu quy hoạch cụm công nghiệp A Co và một số diện tích cạnh hồ thủy điện A Lưới.
Từ nhiều năm nay, dù không có “hương ước” nhưng số diện tích sim này vẫn được người dân bảo vệ như là “khu vườn chung” của cộng đồng và thu hoạch quả bán mỗi khi mùa vụ. Trái sim không “làm giàu” nhưng cũng giúp người dân miền sơn cước có thu nhập kha khá...
Bien doi sim dai thanh noi...kiem tien rat de
Hái sim chín ở vườn sim xã Hồng Thượng. 
Đã quá giờ trưa, vườn sim xã Hồng Thượng vẫn tấp nập người dân đến thu hoạch quả. Từng a chói đựng sim được người dân vận chuyển lên xe đưa xuống đồi.
Dẫn chúng tôi ra vườn, anh Phan Tăng Việt, cán bộ địa chính xã Hồng Thượng cho biết, các đường mòn ở đây đều được phát quang sạch sẽ, sau này sẽ xây dựng các tuyến đường nội bộ phục vụ tham quan du lịch tại khu vườn; người dân hái sim phải bỏ xe máy ngoài vườn để tránh làm hư hại cây. Dù chưa có quy định bảo vệ nhưng vườn sim luôn được người dân cẩn thận giữ gìn để khai thác lâu dài.
Khoảng 2 năm trở lại đây, số diện tích sim sai quả được người dân thu hoạch bán ven đường mòn Hồ Chí Minh cho du khách và mang ủ rượu sim để bán. Nhận thấy cần đa dạng hóa ngành nghề cũng như sản phẩm đặc sản của địa phương, xã Hồng Thượng đã giao diện tích sim mọc tập trung này cho Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) cùng Hội Nông dân (HND) xã quản lý và chăm sóc.
“Quả ngọt” đầu tiên là vụ sim đầu tháng 8 vừa qua, các cấp hội PN, HND đã vận động người dân thu hoạch bán được hơn 10 tấn sim cho các thương lái trên địa bàn.
Chị Hồ Thị Lạch (thôn Căn Tôm, xã Hồng Thượng) phấn khởi: “Mọi năm việc thu hoạch sim bán chỉ mang lại thu nhập thời vụ mà thôi. Vườn sim là khu vườn chung, ai hái bán cũng được, miễn không chặt cây, đào gốc. Thời gian gần đây sim được giá, các hộ dân thu mua bán lại cho cán bộ Hội LHPN xã với giá từ 13 - 15.000 đồng/kg. Thu nhập không nhiều nhưng về lâu dài vườn sim được quy hoạch bảo vệ, có nguyên liệu quả sim nấu rượu, phát triển du lịch sẽ mang lại nhiều việc làm và thu nhập cho bà con”.
Bien doi sim dai thanh noi...kiem tien rat de-Hinh-2
Người dân Hồng Thượng thu hoạch những trái sim tím rịm bắt mắt, ai trông thấy cũng phát thèm. 
Số quả sim xã Hồng Thượng thu hoạch được nhập cho 2 cơ sở ủ rượu sim trên địa bàn thị trấn A Lưới và một số ít bán cho du khách, người có nhu cầu tại các chợ. Một số tiểu thương trong xã Hồng Thượng cũng thu gom hàng tự ủ rượu sim bán.
Những bình rượu sim được ủ công phu đầu tiên đã đến tay du khách. Theo người dân ở đây, rượu sim được ủ hoàn toàn tự nhiên, bước đầu được nhiều thực khách ưa chuộng.
Bà Hồ Thị Lợi, Chủ tịch Hội LHPN xã Hồng Thượng cho biết: “Đây chỉ mới là kết quả nước đầu. Về lâu dài, vườn sim sẽ được chăm sóc và quy hoạch lại. Trong thời gian diện tích đất tại cụm công nghiệp vẫn chưa thu hút được các doanh nghiệp vào đầu tư thì chủ trương của xã vẫn không phát triển thêm vườn cây nhưng số diện tích này sẽ được bảo vệ để làm nguyên liệu nấu rượu sim và phát triển du lịch sau này”.
Bà Phạm Thị Hạnh, Chủ tịch HND xã Hồng Thượng thông tin, phía HND đang tham mưu UBND xã có tờ trình gửi UBND huyện A Lưới về lập phương án khoanh vùng, bảo vệ và phát triển vườn sim trong thời gian tới.
Theo đó, việc thu hoạch sim bước đầu sẽ dùng kinh phí để tái tạo lại vườn, phân bón và thuê người bảo vệ vườn sim. Về lâu dài, việc bảo tồn sẽ gắn với tìm kiếm thị trường đầu ra ổn định và định hướng phát triển mô hình nấu rượu sim thành một sản phẩm du lịch bổ túc cho những đặc sản đã có tại địa phương; song song đó là việc đầu tư hạ tầng, quy hoạch bài bản để biến rừng sim thành điểm du lịch tham quan cộng đồng trong tương lai.
Theo Hà Nguyên /Báo Thừa Thiên Huế