Jasmine Taylor, 31 tuổi, một TikToker đến từ Texas, Mỹ, mới đây đã chia sẻ quá trình lên kế hoạch chi tiêu của mình. Cô ấy đã chuyển từ dùng thẻ tín dụng sang xử lý tiền mặt bằng phương pháp tiết kiệm “nhồi nhét tiền” (cash stuffing).
Tiết kiệm "nhồi nhét tiền" là gì?
Khi Taylor tiếp cận với phương pháp “nhồi nhét tiền”, cô mới hiểu rõ tình hình tài chính và những khoản nợ của mình.
Taylor cho biết, cô đã bắt đầu áp dụng phương pháp “nhồi nhét tiền” từ tháng 1/2021. Lúc đó, cô đang gánh một khoản vay nợ sinh viên khổng lồ 60.000 đô (hơn 1,4 tỷ VNĐ), nợ thẻ tín dụng khoảng 9.000 - 10.000 đô (hơn 200 triệu VNĐ) và nợ y tế 8.000 đô (hơn 180 triệu VNĐ), Taylor rất mệt mỏi bởi không thể quản lý tiền nong.
Cô bắt đầu xem xét lại thu nhập và các khoản nợ của mình, rồi tìm hiểu phương pháp lập ngân sách chi tiêu hợp lý. Mặc dù đã thử nhiều phương pháp, song gần như mọi cách cô áp dụng đều không hiệu quả. Cho đến khi Taylor tiếp cận với phương pháp “nhồi nhét tiền”, cô mới có được bức tranh toàn cảnh về tình hình tài chính và những khoản nợ của mình. Cô cảm thấy mình đã chi quá nhiều cho những thứ không thật sự cần thiết.
Cô giải thích phương pháp này một cách đơn giản: “Hãy bắt đầu với một khoản ngân sách. Chia khoản ngân sách đó ra thành nhiều khoản tiền nhỏ rồi nhét vào các bao đựng tiền. Mỗi bao là một khoản chi tiêu cho từng hạng mục. Ví dụ như tạp hoá, hoá đơn điện nước, đồ gia dụng”.
Chuyên gia tài chính nói gì về phương pháp tiết kiệm "nhồi nhét tiền"?
Chuyên gia tài chính Rachel Cruze cũng nhận định, phương pháp “nhồi nhét tiền” giúp ta lựa chọn và cân nhắc kỹ lưỡng trước khi mua sắm. Cô giải thích cụ thể: “Giả dụ như đây là thu nhập một tháng của tôi, trừ đi các loại chi phí kể cả khoản tiết kiệm và từ thiện, số tiền còn lại sẽ là thứ tôi cần phải giải quyết. Khi bạn quản lý được ngân sách của mình, bạn sẽ đạt được mức độ tự do nhất định về tài chính”.
Taylor đang nhét tiền vào các bao đựng riêng
Cũng theo Taylor, hầu hết mọi người đều có một khoản ‘quỹ chìm’ (một khoản tiền được trích ra nhằm chi trả cho một khoản cụ thể trong tương lai gần) vào ngày lễ. Giả sử bạn bắt đầu tích lũy khoản quỹ chìm cho Giáng Sinh từ tháng 1 bằng cách bỏ vào quỹ một số tiền nhất định sau mỗi một tuần. Cuối cùng bạn sẽ có một số tiền khá lớn trong quỹ chìm để chi tiêu cho dịp Giáng Sinh. Số tiền đó giúp bạn chi tiêu thoải mái vào dịp lễ mà không ảnh hưởng đến chi tiêu thường ngày.
Chỉ sau một năm áp dụng phương pháp “nhồi nhét tiền”, cô đã trả hết các khoản nợ khổng lồ của mình. Cho tới nay, Taylor tiếp tục sử dụng phương pháp này để lập ngân sách và đồng thời chia sẻ cách cô ấy thực hiện lên mạng xã hội, bao gồm cả TikTok và YouTube, mục đích để giúp cô có trách nhiệm hơn và theo đuổi phương pháp này một cách lâu dài.
Khởi nghiệp bằng phương pháp tiết kiệm "nhồi nhét tiền"
Sau khi những video đầu tiên của Taylor lan truyền rộng rãi, cô bắt đầu chia sẻ nhiều hơn về tiền bạc và rút ra được hai điều. Đầu tiên, cô tìm được cách để thu hút khán giả theo dõi kênh của mình, dù phương pháp có thể bị nhiều người coi là nhàm chán. Thứ hai, vẫn có nhiều người thấy phương pháp nhồi nhét tiền thú vị nhưng lại không thích bao đựng tiền vì chúng cũ kỹ và đơn điệu. Taylor chớp lấy thời cơ bằng cách kinh doanh bao đựng tiền mặt cùng các mặt hàng liên quan. Qua kinh nghiệm của mình, cô rút ra bài học lớn nhất là không nên vội vàng trong quá trình này.
Vào mùa xuân năm 2021, Taylor đã sử dụng số tiền 1.200 đô (hơn 28 triệu VNĐ) để thành lập kênh Youtube Baddies and Budgets, mua tài khoản Shopify, vận chuyển vật liệu để làm ví đựng tiền và máy Cricut để in nhãn dán cho bao đựng tiền. Cô tự làm túi đựng phong bì bằng ngân sách mình.
May mắn thay, việc kinh doanh của cô đã phất lên như diều gặp gió. Từ tháng 4 đến cuối năm 2021, doanh thu của Taylor là gần 250.000 đô (gần 6 tỷ VNĐ). Các dòng sản phẩm của cô ngày càng mở rộng và nhiều người biết đến thương hiệu. Khách hàng mua sản phẩm của cô chỉ vì bao bì rất dễ thương.
Ngay cả khi công việc kinh doanh đang trên đà thu về hơn 1 triệu đô (hơn 23 tỷ VNĐ) trong năm nay, Taylor chỉ chi tiêu trong khoảng 1.200 đô (hơn 28 triệu VNĐ) một tuần và tái đầu tư mạnh mẽ vào công việc kinh doanh. Ngoài ra, cô cũng để dành cho các khoản hưu trí và quỹ tiết kiệm dự phòng.
Theo K.N/Gia đình & Xã hội