Robert C. Wolcott là giáo sư lĩnh vực kinh doanh và sáng tạo tại Trường quản lý Kellogg, thuộc Đại học Northwestern, nhà đồng sáng lập Cộng đồng những nhà lãnh đạo đổi mới toàn cầu KIN (kinglobal.com), nhà đầu tư thiên thần tại nhiều công ty startup. Ông cho rằng nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp ngày nay bị ám ảnh bởi việc phải phát triển thật nhanh.
Trong một bài viết trên Forbes, GS. Wolcott đã đề xuất phương pháp lãnh đạo hiệu quả trong một thế giới liên tục thay đổi, thông qua góc nhìn thú vị về vấn đề tầm nhìn, chiến lược và tốc độ:
Tôi từng nhìn thấy nhiều “kế hoạch chiến lược dài hạn” ở các công ty thực ra chỉ có thể thực hiện được trong một vài năm. Đó không phải là một chiến lược, mà chỉ là một kế hoạch hoạt động trong dài hạn – một khái niệm không mang nhiều ý nghĩa trong một thế giới liên tục thay đổi.
“Có một kế hoạch hoạt động tuyệt vời” là một ý tưởng hay, nhưng đó không phải là một chiến lược. Hãy tưởng tượng sự kết hợp giữa yếu tố tốc độ và một kế hoạch hoạt động. Điều này sẽ dẫn đến việc thực hiện lặp đi lặp lại những điều đã làm rồi. Mọi việc trông có vẻ trôi chảy, cho đến khi khách hàng không còn hứng thú với sản phẩm/dịch vụ của bạn nữa.
Một chiến lược thực sự sẽ giúp chuyển đổi sứ mệnh của doanh nghiệp - “Tại sao chúng ta tồn tại?” - thành tầm nhìn của doanh nghiệp trong tương lai - “Chúng ta muốn trở thành một công ty như thế nào và làm thế nào để chiến thắng cuộc chơi trong tương lai?”.
Chúng ta sẽ đầu tư vào những thị trường, những khả năng nào và làm thế nào để định vị chính mình khi thế giới thay đổi? - Đây là những mục tiêu có thể thay đổi nhanh chóng, vì vậy chiến lược của công ty cũng phải thay đổi theo.
Một chiến lược thực sự không thể được đề ra mà không có sự nhìn xa trông rộng, tiên đoán trước tình hình.
Dù không thể tiên đoán cụ thể về tương lai nhưng nhà lãnh đạo vẫn có thể hình dung một cách tổng quan về bối cảnh sẽ xảy ra. Tầm nhìn không phải là sự tiên đoán, mà là sự hình dung những yếu tố trong tương lai một cách hợp lý: “Những xu hướng nào chúng ta có thể nhận biết và nó tạo ra tác động thế nào trong tương lai?”. Sau đó, việc áp dụng tầm nhìn nghĩa là xác định những chỉ số quan trọng cần theo dõi để biết được thế giới đang vận động theo xu hướng nào.
Chiến lược gia quân sự Helmuth von Moltke – người được mệnh danh là "nhà tổ chức quân sự xuất sắc nhất thế kỷ 19 sau Napoléon" từng nói: “Không có kế hoạch nào còn tồn tại khi ta giáp mặt với quân địch”. Duy trì sự cạnh tranh trong dài hạn là phải ứng biến nhanh nhạy trong mối quan hệ với khách hàng, đồng thời có tầm nhìn xa hơn những đối thủ khác trên thị trường.
|
Marc Benioff - CEO Salesforce (giữa) |
Marc Benioff – CEO của Hãng công nghệ điện toán đám mây Salesforce và đội ngũ của ông thường đưa ra những quyết định quan trọng chỉ trong một vài giờ, khiến nhiều đối thủ khác phải “choáng ngợp”.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Salesforce không dành thời gian để vạch chiến lược. Benioff liên tục kết nối với Peter Schwartz - Phó chủ tịch cấp cao, chuyên đảm trách nhiệm vụ vạch kế hoạch chiến lược. Schwartz và đội ngũ của ông luôn suy nghĩ kỹ lưỡng về tương lai của Salesforce cũng như tương lai của khách hàng. Họ cân nhắc về bối cảnh tương lai một cách hợp lý theo hướng mà thế giới có thể phát triển và từ đó, theo dõi các chỉ số quan trọng.
Kết quả của quá trình tư duy chiến lược liên tục và sự tương tác nội bộ đó là, Salesforce trở thành doanh nghiệp vừa phát triển theo định hướng chiến lược vừa nhanh nhạy nắm bắt cơ hội. Nghĩa là, họ nhanh chóng quyết định nắm bắt hoặc bỏ qua cơ hội, với một lý do hết sức rõ ràng.
Giống như Salesforce, những công ty hoạt động hiệu quả nhất là “những kẻ cơ hội một cách chiến lược”. Bởi trên thực tế, những cơ hội tuyệt vời không thực sự tuyệt vời với tất cả mọi người. Nếu một công ty không biết họ mong muốn sẽ trở nên như thế nào trong tương lai, rất khó để biết được cần ưu tiên những gì cho hiện tại.
Việc kinh doanh cần phải có sự cam kết đổi mới liên tục với những chiến lược linh hoạt, thấu đáo. Thế giới đang thay đổi quá nhanh, nên những cách phân tích cạnh tranh dài hạn theo kiểu cũ đã không còn phát huy hiệu quả. Nhà lãnh đạo doanh nghiệp ngày nay cần có cái nhìn xa rộng về những xu hướng, sự thay đổi của thị trường và hành động nhanh nhẹn để nắm bắt cơ hội hoặc đối phó với rủi ro.
Trong kinh doanh, vận dụng tốc độ nhanh mà không hề có một chiến lược linh hoạt, hiệu quả chính là một trò chơi may rủi mà cuối cùng, chúng ta sẽ thua cuộc.
Theo Bích Trâm/DNSG