Từ ông chủ lò gạch đến chủ trại nuôi lợn
Trước khi đến với nghiệp chăn nuôi, anh Trần Văn Mạnh (sinh năm 1970, ở thôn Ngư Uyên, xã Long Xuyên, thị xã Kinh Môn, Hải Dương) từng là một chủ lò gạch có tiếng trong vùng.
Gắn bó với nghề làm gạch từ những năm 1990, anh Mạnh tâm sự, tuy làm công việc nặng nhọc nhưng cái nghề xắn đất đổi lấy tiền này cho thu nhập rất khá. Từ một lò gạch ban đầu, đến năm 1998, vợ chồng anh đã xây được 5 lò gạch, mỗi lò cho 15-20 vạn viên/lần đốt. Có những năm anh thu tới 150 triệu đồng từ làm gạch, số tiền cực kỳ lớn lúc bấy giờ.
“Vợ chồng tôi cứ đốt xong một lò lại lấy tiền đi mua vàng. Đến lúc cần tiền dựng trang trại có cả một ống bơ nhẫn vàng đem đi bán", anh Mạnh kể.
|
Bỏ nghề đốt lò gạch hái ra tiền, anh Mạnh chuyển sang làm trang trại nhưng thất bại rồi quyết định nuôi gà đẻ trứng |
Song nghề này cũng bạc. Dù xây lò gạch ở ngoài bãi ven sông, xa khu dân cư nhưng cứ mỗi khi đổi gió, khói lò gạch lại ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân. Nhiều lần, anh phải vác một đống tiền đi đền số diện tích lúa, hoa màu của bà con bị úa, táp lá do khói lò gạch.
Dù đã đền bù 100% thiệt hại nhưng mỗi lần như vậy anh lại thấy vô cùng áy náyvì đã làm ảnh hưởng tới bà con.
Năm 2003, khi Chính phủ có chủ trương dẹp bỏ các lò gạch thủ công để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, cộng với địa phương có chủ trương dồn điền đổi thửa, anh Mạnh nhen nhóm ý định chuyển đổi đất làm trang trại nên mua 4.000m2 đất ruộng trũng, cấy lúa kém hiệu quả. Đến năm 2005, anh bỏ làm gạch thủ công, lập trang trại nuôi lợn.
Có thời điểm, trang trại nhà anh nuôi tới 250 con lợn thịt, 10 con nái. Song, thời đó, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn chưa cao như bây giờ. Việc tiêu thụ hầu như phụ thuộc vào thương lái thu mua nhỏ lẻ nên đầu ra gặp nhiều khó khăn.
“Trang trại còn bị thiệt hại khá lớn do dịch tai xanh nên tôi đã quyết định chuyển sang nuôi gà. Nhưng động lực chính để tôi chuyển đổi mô hình là do trang trại nằm ở giữa làng, gây ô nhiễm môi trường", anh Mạnh chia sẻ.
Qua sóng gió tìm ra “cỗ máy nhả vàng”
Sau 6 năm nuôi lợn, anh Mạnh quyết định chuyển hướng nuôi gà. Lần này, để tránh thất bại, anh đi khá nhiều tỉnh thành học hỏi kinh nghiệm của người chăn nuôi gà đẻ trứng.
Ban đầu, anh nuôi thử nghiệm 1 chuồng gà đẻ trứng với 3.000 con. Một năm sau xây tiếp chuồng nữa, nuôi 1,7 vạn con gà siêu trứng.
Thời điểm đó các khu công nghiệp ở Hải Dương, Hưng Yên,... bắt đầu bùng nổ, nhu cầu các bếp ăn công nghiệp lớn nên trứng gà tiêu thụ thuận lợi. "Có ngày, tôi thu tới 1,1 vạn quả, nhặt trứng gà mỏi cả tay. Nhờ vậy tôi thu đều đều hơn 200 triệu đồng/năm" - anh Mạnh tiết lộ.
|
Kiên trì với con gà đẻ trứng, anh Mạnh giờ tạo được ra "cỗ máy nhả vàng" |
Năm 2016, anh Mạnh quyết định mở rộng quy mô chăn nuôi, mua thêm đất ở khu dân cư Duẩn Khê cũng thuộc xã Long Xuyên với diện tích hơn 2ha để lập trang trại nuôi mới. Anh quy hoạch thành 3 khu chuồng nuôi, quy mô 1,6 vạn con gà đẻ. Giữa các khu chuồng, anh trồng cây ăn quả (hồng xiêm, mít Thái, na), đào ao nuôi cá, ba ba. Trang trại nằm giữa cánh đồng, biệt lập với khu dân cư, rất thuận lợi cho chăn nuôi.
Để đàn gà phát triển khỏe mạnh, anh Mạnh nuôi theo công nghệ chuồng kín được chia thành các khu riêng biệt, có thiết bị làm mát, thiết bị cho ăn và uống nước tự động, sử dụng đệm lót sinh học để giảm ô nhiễm môi trường. Phân gà được anh thu gom lại rồi xử lý thành phân bón hữu cơ bán cho những người trồng cây ăn quả, giúp anh có thêm 20 triệu đồng/tháng.
“Cuối năm 2017, giá trứng chỉ còn 700 đồng/quả, mỗi ngày mở mắt ra tôi lỗ 4 triệu đồng, trong 6 tháng lỗ 1,3 tỷ đồng. Nói thật, với tôi cú sốc do bão giá là khắc nghiệt nhất”, anh tâm sự. Dù thua lỗ nặng, anh vẫn kiên trì với hướng đi của mình với suy nghĩ nếu bỏ cuộc sớm thì công sức đầu tư ban đầu sẽ trôi ra sông ra biển.
Cũng may, năm tiếp theo thị trường khởi sắc giúp anh thu 9-10 tỷ đồng tiền bán trứng, trừ chi phí lãi 1,7-2 tỷ đồng, tạo việc làm cho 6 lao động với thu nhập 6,5 triệu đồng/người/tháng.
|
Trang trại của anh hiện có 30.000 con gà đẻ trứng, mỗi năm cung cấp khoảng 5-6 triệu quả trứng gà thương phẩm |
Ngay cả khi dịch Covid-19 bùng phát, trang trại gà tuy bị ảnh hưởng nhưng không bi đát như lúc gặp "bão giá". Nhu cầu tiêu thụ của người dân vẫn cao, chỉ vận chuyển là khó khăn hơn.
"Thời điểm này, nhu cầu làm bánh, trứng muối đang lên cao, giá trứng tăng nên tiêu thụ rất tốt, dịch Covid-19 hầu như không có tác động gì. Doanh thu dự kiến từ gà đẻ trứng năm nay đạt khoảng 12 tỷ đồng" - anh Mạnh vui vẻ nói.
Với anh Mạnh, đàn gà Gold-line siêu trứng không chỉ là "cỗ máy nhả vàng" khổng lồ mà còn giúp anh có những quyết định đúng đắn, giúp gia đình vượt qua sóng gió.
Anh Mạnh nhớ lại, thời điểm năm 2016, trước khi quyết định mua trang trại thứ hai ở khu dân cư Duẩn Khê, anh đã ngắm được chiếc thuyền hút cát vì xã anh ngay bên bãi sông. Lúc đó, trong tay cũng có vài tỷ tiền lãi từ nuôi gà, anh dự định mở rộng sang lĩnh vực khác nên đi tìm hiểu mua tàu.
Gần đến ngày đặt cọc, sáng ra đi kiểm tra chuồng trại, nhìn những con gà miệt mài đẻ trứng, anh nhận ra "vàng" ở đây, cần gì phải đi mò mẫm dưới lòng sông. Anh quyết định từ chối mua tàu, lên xã đặt vấn đề mua đất làm thêm trang trại gà như ngày nay.
Chính con trai anh, cũng nhờ đàn gà mà tìm lại được cuộc sống đúng nghĩa sau thời gian lầm lạc. “Tôi đang hướng dẫn con kỹ thuật nuôi gà, kinh nghiệm quản trị để vài năm tới tôi chuyển dần cho vợ chồng nó quản lý. Giờ nó còn say mê gà hơn tôi. Mỗi ngày nghe tiếng gà cục tác, tiếng xôn xao trong trại tôi thấy rất vui, đi xa vài ngày là nhớ", anh Mạnh cười.
Theo Nguyên Phương/Vietnamnet