Lộc vừng là một trong những loại cây mà nhiều người ưa thích. Theo quan niệm của người xưa lộc ứng với tài lộc còn vừng ứng với nhỏ nhưng nhiều. Chính màu đỏ của hoa lộc vừng tượng trưng cho hỷ sự.
Trồng cây lộc vừng trong khuôn viên nhà, đặc biệt khi cây nở hoa đỏ rực sẽ mang lại nhiều tài lộc và niềm vui cho gia chủ. Nên trồng trước sân, ở vị trí thoáng đãng để cây có thể phát triển tốt.
|
Cây lộc vừng. Ảnh nguồn: Internet. |
Cách trồng cây lộc vừng trong chậu
Bể, chậu…trồng Lộc Vừng nhất định phải có lỗ thoát nước. Đất trồng Lộc Vừng tối ưu là đất màu trộn thêm trấu, xỉ than lò gạch đập nhỏ và ít phân chuồng hoai mục.
Sau khi trồng xong lộc vừng, bạn nhớ tưới nước để giữ độ ẩm vừa phải cho cây ra rễ mới. Nếu cây phát triển mạnh, chứng tỏ bộ rễ ở dưới đã khỏe, khi này bạn có thể tưới nước thỏa mái cho cây phát triển nhưng cũng không được để úng nước.
Bởi nếu rễ bị ngập trong nước không thoát được khí sẽ bị thối, chết dần từ đầu rễ vào, làm cây héo rũ rồi chết.
Nếu bạn muốn để bầu Cây Lộc Vừng ngâm trong bể , chậu…thì khi mới trồng vào bể, chậu…phải xếp gạch hoặc đá quanh bầu, luôn luôn tưới nước giữ độ ẩm. Khi nào bộ rễ phát triển mạnh bao quanh bầu đất, bò ra cả ngoài gạch đá thì lúc đó mới bỏ gạch đá ra, bịt lỗ thoát lại, ngâm cho bầu rễ trong nước thỏa mái cây vẫn phát triển tốt và ra hoa đúng mùa.
Cách chăm sóc cây lộc vừng đúng cách
Trồng cây lộc vừng không khó nhưng chăm sóc để cây sống, phát triển bền lâu và ra hoa được trong chậu lại là việc không dễ chút nào.
Nếu bạn trồng đúng kỹ thuật thì việc chăm sóc đơn giản. Chỉ cần đặt cây ở nơi thoáng mát để cây phát triển đều ở cả 4 phía. Mỗi ngày chúng ta chú ý tưới nước giữ độ ẩm tối đa cho cây. Bên cạnh đó, thường xuyên quan sát diệt trừ sâu bọ bằng cách dùng kẹp hoặc phun thuốc. Hàng tháng tưới nước phân bổ xung cho cây một lần. Hai, ba năm trồng lại, thay đất mới cho cây một lần để đảm bảo cho cây luôn đủ chất dinh dưỡng phát triển và ra hoa đúng mùa.
Cách để kích thích cây Lộc Vừng ra hoa theo ý muốn
Thông thường lộc vừng mỗi năm ra hoa 2 vụ, vào các tháng 6 - 7 và 10 - 11 âm lịch. Lộc vừng là loại cây ưa nước nên dễ chăm sóc, có thể bắt lộc vừng nở hoa theo ý muốn vào dịp Tết.
Ngoài công việc chăm bón đủ chất để cho cây ra nhiều hoa, ta phải tạo ra một bước đột biến về sinh lý cho cây Lộc Vừng. Tức là phải làm cho lộc vừng trút bỏ toàn bộ lá già trong thời gian ngắn nhất. Bạn có thể tưới cho cây lượng phân kali hoặc natri hơi đậm.
Chờ khoảng 4 ngày tiếp theo thì toàn bộ lá xanh trên cây chuyển thành lá vàng và sau 3 ngày tiếp theo cây rụng lá hết. Khi cây rụng hết lá, mỗi ngày tiếp tục tưới nước vo gạo để bồi dưỡng và kích thích cây phát triển lá mới. Chỉ sau khoảng một tháng mầm lá và mầm hoa sẽ đâm ra, khi hoa tàn, ta lại tiếp tục làm theo trình tự trên, thì lộc vừng lại tiếp tục nở hoa.
Theo H.T.H.T /Khoevadep