Bi kịch của những người trúng số độc đắc

Google News

Với những người trúng số độc đắc, bỗng chốc trở thành tỷ phú thì cuộc sống của họ cũng thay đổi nhanh chóng. Họ ăn chơi theo đúng cách của tỷ phú và vung tiền tiêu pha không một phút mảy may...

Ngạo nghễ với tiền để rồi “mèo lại hoàn mèo” là số phận chung của các tỷ phú trúng số trở về vạch xuất phát…
"Hóa kiếp" cuộc đời…
Nguyễn Văn Vương (Ba Vương, 55 tuổi) lớn lên bên phên dậu cạnh dòng sông Tiền thuộc huyện Cái Bè (Tiền Giang). Nhà có 4 anh em, thì 3 người lớn lên phiêu dạt khắp nơi, họa hoằn lắm mới trở về nhà.
Ba Vương thương cha mẹ cố bám trụ lại mảnh vườn nhỏ, hết việc nhà, ông nhận vé số bán dạo quanh khu chợ nổi. Những năm tháng dập dềnh đò ngang sông nước, Ba Vương gặp được bà Nguyễn Thị Hẹ, làm nghề bán trái cây ở Cái Bè.
Ông Ba Vương ngày ngày đi bán vé số, không dám trở về quê vì xấu hổ. 
Phải lòng nhau, được vài người bạn gán ghép, thế là nên duyên chồng vợ. Cuộc sống thiếu thốn nhưng thảnh thơi. Bà Hẹ mang song thai, sinh được hai “quý tử”. Ai cũng nói vợ chồng có phước, lớn tuổi rồi mà vẫn đẻ một lần được hai đứa.
Tuy nhiên, nỗi lo cơm áo, sữa bỉm cho con đã lấn át đi cái niềm hạnh phúc nhỏ nhoi của vợ chồng Ba Vương. Bà Hẹ sinh được một tháng đã phải vùng dậy, lao ra chợ bán buôn. Ba Vương thì vẫn trung thành với nghề vé số. Thỉnh thoảng có ai gọi đi bốc vác trái cây từ vườn lên tàu thì ông đi, kiếm thêm vài đồng dưa muối.
Lay lắt được vài năm, cặp song sinh được 3 tuổi thì bà Hẹ lại mang thai ngoài kế hoạch. Lúc này, chẳng còn ai buồn chúc phúc nữa mà vợ chồng Ba Vương cũng buồn thối ruột.
Ông bà nội cho vợ chồng Ba Vương một công vườn để sau này về dựng mái nhà cho bằng người ta. Nhưng túng quẫn quá, vợ chồng bàn nhau bán mảnh vườn kiếm vốn bà Hẹ đi buôn còn Ba Vương lên TP. Hồ Chí Minh làm ăn.
Một mình Ba Vương khăn gói rời quê bỏ lại phía sau tiếng thở dài của vợ và tiếng khóc thét đòi ăn của hai đứa nhỏ. Bán vé số ở TP. Hồ Chí Minh mỗi ngày Ba Vương cũng được 200.000 đồng, trừ hết chi phí còn dư 100.000.
Tích lũy một tháng ông lại gửi về cho vợ. Bẵng đi hai năm, trong một ngày bán vé số ế ẩm lại gặp trời mưa, ông không chạy về đại lý giao trả được. Thế là còn hơn chục tờ vé số ông đành rớt nước mắt “ôm hết”.
Đang buồn lòng vì một ngày rã rời đi bộ, đói khát mà bị lỗ, chợt Ba Vương giật thót mình khi nghe đài thông báo kết quả số. Ông nhớ mang máng trong dãy số mình đang giữ có 2 tờ trùng với giải đặc biệt.
Vùng dậy dò lại, Ba Vương tưởng mình đang mơ khi dãy số đặc biệt trùng khớp 100%. Trái tim người đàn ông muốn vỡ tung ra, ông nhảy cẫng lên mặc cho hai người bạn cùng phòng trọ ngơ ngác.
Giá trị giải thưởng 2 tờ độc đắc năm 2010 là 3 tỷ đồng. Sau khi trừ thuế phí cũng còn hơn 2 tỷ. Ba Vương hào sảng chia ngay cho hai bạn cùng nhà trọ mỗi người 1 trăm triệu. Còn lại, Ba Vương thuê xe chở mình về thẳng Tiền Giang.
Do đã thông báo trước nên bạn bè, hàng xóm kéo đến nhà Ba Vương đông như trẩy hội. Ông bỏ ngay một trăm triệu trúng số ra liên hoan, đãi dân làng suốt 2 ngày liền. Việc đầu tiên Ba Vương dùng tiền là mua lại mảnh vườn đã bán, xây căn nhà để vợ con lên bờ, đỡ phải rục rịch ghe xuồng chập chờn.
Những ngày sau đó, vợ chồng con cái Ba Vương đi mua sắm đồ dùng, tậu hai cái xe máy mới toanh và tuyên bố, từ nay không phải đi buôn trái cây nữa. Bà Hẹ chỉ việc ở nhà, sáng đi chợ, trưa nấu ăn, tối lại đi chợ...
Riêng Ba Vương từ ngày rũ áo cơ hàn đã có thói quen uống cà phê buổi sáng. Mỗi sáng, ông xách chiếc xe máy mới dạo một vòng ra thị trấn uống cà phê tán dóc với vài ông bạn.
Sẵn tiện mua chục tờ vé số lấy hên. Cả năm trời, ông phấn khởi khao đãi các bạn cà phê, ăn phở buổi sáng. Tối đến lại rải chiếu ra bờ sông làm con vịt với mấy lít rượu. Mỗi khi cơn rượu lên tới đỉnh điểm, Ba Vương vỗ đùi rao giảng: “Sống là phải hưởng thụ thì mới có ý nghĩa.
Đời người biết đâu mà lần. Hôm nay nghèo nhưng ngày mai giàu”. Thỉnh thoảng ba Vương làm chuyến du hí lên TP Hồ Chí Minh thăm lại mấy người bạn một thời khố rách áo ôm, rồi khệnh khạng rút ra cho mỗi người vài triệu khi thấy họ vẫn lam lũ bán vé số.
Để tận hưởng đầy đủ sự sung sướng của cuộc đời, Ba Vương đi bar, vũ trường. Mấy em “chân dài” thấy “hai lúa” Ba Vương ngơ ngác tập chơi thì ra sức tận dụng tài năng “mồi chài”. Tan cuộc, Ba Vương rỗng túi ra về. Có hôm còn phải mượn tiền bạn để bắt xe về quê.
Cuộc sống tỷ phú của gia đình Ba Vương kéo dài được khoảng 5 năm thì lụi dần. Lúc này, Ba Vương ít lên thành phố mà chỉ quanh quẩn quán xá quanh nhà. Bao nhiêu công việc nặng nhọc trước đây ông chẳng thèm ngó ngàng đến. Thói quen khi bỗng chốc lên “đại gia” của ông nơi miệt vườn khiến bất cứ ai cũng phải kiêng nể.
Cảm giác thấy tài sản trong nhà ngày một vơi đi, bà Hẹ bắt đầu “hãm” việc chi tiêu lại. Trước đây bà thường đi làm tóc, mát sa, mua sắm thì nay bỏ hẳn khâu mua sắm. Bà bắt đầu đổ hết số tiền còn lại chơi hụi và cho vay lấy lãi.
Tiền lãi mỗi tháng được năm bảy triệu, bà trang trải cuộc sống. Còn tiền hụi khi nào hốt thì bà lại chơi mẻ lớn hơn. Duy trì được đâu hơn một năm thì bà chủ hụi ôm tiền bỏ trốn.
Các con hụi nhao nhác, gào khóc, tập trung đến nhà vây ráp chán chê mệt lả không có tác dụng gì lại trở về. Chưa kịp hoàn hồn thì thêm con nợ mất tích. Bà Hẹ lồng lộn đi tìm, thuê cả “xã hội đen” nhưng vẫn mất dấu. Uất quá, bà về nhà lôi chồng con ra đay nghiến.
Vậy là trắng tay, vốn liếng đã hết sạch. Ông Ba Vương thất thần, ngồi co ro một xó trong nhà không dám bước ra đường. Mấy ngày sau, ông bàn với vợ bán bớt chiếc xe máy lấy vốn rồi lại theo nghề cũ, vợ đi đường vợ, chồng đi đường chồng.
"Mèo lại hoàn mèo"
Tỷ phú thứ hai trong bài viết này là vợ chồng anh Lê Văn Chiên (37 tuổi, quê An Giang). Năm 2011, anh Chiên dẫn vợ và cô con gái 5 tuổi lên TP. Hồ Chí Minh lập nghiệp. Tại đây, anh làm công nhân xưởng gỗ còn chị Loan, vợ anh mở tiệm may tại phòng trọ để dễ bề chăm sóc con gái chưa đủ tuổi đi học.
Cuộc sống êm đềm trôi, tiền kiếm được đủ trang trải chi phí đắt đỏ ở thành phố. Vợ chồng anh Chiên tạm hài lòng với điều đó. Vào buổi chiều cuối năm 2012, chị Loan thở dốc gọi cho chồng về nhà ngay. Anh Chiên chưa kịp hiểu rõ sự tình thì chị Loan thét trong điện thoại: “Về ngay, trúng số rồi”.
Cả đêm hôm ấy, hai vợ chồng không chợp mắt, cứ lâng lâng sung sướng và suy nghĩ đến việc sẽ dùng số tiền trúng số 1,5 tỷ đồng  vào việc gì. Hôm sau, hai vợ chồng đi đổi vé thật sớm và ôm tiền về nhà. Lần đầu tiên nhìn thấy số tiền khổng lồ, chị Loan như người mất hồn.
Còn anh Chiên thì không cần ăn cũng thấy no. Hai vợ chồng bàn nhau gửi ngân hàng một tỷ, số tiền còn lại về quê thăm họ hàng và tiêu xài. Trước khi về quê, để tỏ rõ tố chất “đại gia”, chị Loan bỏ ra vài chục triệu đi mua sắm.
Người quê choáng ngợp trước cung cách “thành thị” có tiền của hai vợ chồng, ai cũng trầm trồ khen ngợi. Anh Chiên mua hẳn cho ông bà nội ngoại mỗi bên một chiếc tivi to, rồi cho mỗi đứa em một chiếc xe máy. Chị Loan xót của, thì anh Chiên gạt phăng đi: “Của trời cho, không việc gì phải tiếc”.
Sau những ngày ăn chơi, mua sắm thả ga, hai vợ chồng trở về thành phố tính toàn xử lý số tiền còn lại. Anh Chiên muốn mua một chiếc ôtô tải rồi thuê mặt bằng làm nước đá. Còn chị Loan lại thích mở tiệm may thật hoành tráng. Cuối cùng phải chiều theo ý vợ.
Chị Loan thuê một mặt bằng trên đường Thống Nhất (Quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh) và tuyển thêm hai em nhân viên về phụ việc. Tiệm may đi vào hoạt động cũng ổn định khách hàng, tiền lời đủ sống.
Khi cuộc sống không còn túng thiếu nữa, thì con người bắt đầu sinh tật. Anh Chiên vốn là một lãng tử miệt vườn, vì nhà nghèo mà đành nhịn nhục sở thích. Từ ngày có tiền, anh thường mặc những bộ vest bóng loáng, chạy xe tay ga và đi cà phê máy lạnh rung đùi hút thuốc.
 Chị Loan quay trở lại với nghề may vá kiếm sống qua ngày.
Gái thấy chất hào hoa, lịch thiệp của anh cứ sà vào. Thế là phải lòng rồi dấm dúi cặp bồ. Anh Chiên thường giấu tiền của vợ mua đồ tặng người yêu. Có khi còn rủ nhau ra Phú Quốc tâm sự. Thấy chồng có biểu hiện lạ, chị Loan theo dõi và bắt quả tang. Thuộc hàng gái “chẳng phải dạng vừa”, chị Loan gào thét lên, dọa giết cô tình nhân.
Buồn quá, anh Chiên bỏ nhà đi lang thang. “Ông ăn chả thì bà cũng ăn nem”, còn ít tiền gửi tiết kiệm trong ngân hàng, chị Loan rút ra hết. Một phần mua sắm đồ nghề cho tiệm may, phần khác chị theo mấy bà đầm đi ăn chơi cho biết thiên hạ.
Cứ tối đến, nhóm đại gia mới nổi váy áo súng sính thuê xe ôtô đi tới các phòng trà hát cho nhau nghe. Sẵn có giọng ca “ngọt lịm” lâu ngày không được trổ tài, chị Loan đã trút ra hết. Đêm nào về nhà cũng say, người nhễu ra. Hôm sau, chị phải ngủ nguyên một ngày, mặc kệ nhân viên muốn làm gì thì làm.
Biết chị có tiền, một bà bạn hỏi vay mua nhà. Chị Loan không ngần ngại rút sạch vốn giúp bạn. Chưa đầy một năm sau, cụt vốn làm ăn, tiệm may của chị Loan có nguy cơ phá sản.
Đi đòi tiền nhưng đòi mãi người ta không chịu trả, chị Loan phải sang tiệm. Hai mẹ con quay về xóm trọ cũ, nhờ anh em cưu mang, giúp đỡ và cũng không dám bước chân về quê vì sợ nhục mặt với gia đình.
Theo Cảnh sát toàn cầu