Mới đây, ngày 26/9, Tòa án nhân dân quận 5 (TPHCM) xét xử sơ thẩm, đã đình chỉ yêu cầu khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Phương Du (ngụ quận Gò Vấp, TPHCM), và bị đơn là Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), với lý do nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ 2 nhưng vẫn vắng mặt.
Tòa đình chỉ yêu cầu khởi kiện
Theo Hội đồng xét xử nhận định, ngày 12/9, tòa có quyết định đưa vụ án ra xét xử nhưng nguyên đơn có đơn xin hoãn và được Hội đồng xét xử chấp thuận. Tại phiên tòa ngày 26/9, người đại diện theo ủy quyền của ông Du vắng mặt lần 2 do bận tham gia phiên tòa hình sự ở Tòa án nhân dân quận Bình Tân.
Xét thấy, đây không phải là trường hợp vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng hay trở ngại khách quan. Hơn nữa, luật sư của ông Du cũng xác định, người đại diện ủy quyền cho ông Du chỉ có đơn xin hoãn chứ không có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Vì vậy, xem xét vụ việc, tòa án đình chỉ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Trước đó, theo đơn khởi kiện, tháng 9/2018, ông Du mua một két bia nhãn hiệu Sài Gòn về uống thì phát hiện có một chai chỉ có khoảng 1/2 lượng chất lỏng bên trong và có mùi lạ. Ông Du còn phát hiện một chai bia còn nguyên nắp, nguyên tem nhưng bên trong chỉ có 1/4 chất lỏng. Ông Du đã phản ánh sự việc tới Sabeco ngay sau đó. Tuy nhiên, nguyên đơn cho rằng ông không nhận được câu trả lời thỏa đáng nên khởi kiện ra toà.
Theo đó, ông Du đề nghị tòa buộc Sabeco bồi thường thiệt hại 39,8 triệu đồng (gồm trị giá chai bia là 10.500 đồng, còn lại là tổn thất tinh thần. Đồng thời, buộc Sabeco công khai xin lỗi trên 4 tờ báo, trong ba số báo liên tiếp.
Sau đó, ông Du bổ sung yêu cầu Sabeco bồi thường 1 triệu USD, tuyên bố toàn bộ số tiền thắng kiện sẽ được chuyển cho Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM.
Tại phiên tòa mở ngày 20/4/2021, nguyên đơn đã rút yêu cầu bồi thường 1 triệu USD. Hội đồng xét xử đã tạm dừng phiên tòa để thu thập chứng cứ và giám định chai bia được cho là bị lỗi. Theo kết luận giám định (tháng 6/2023), nhãn mác trên chai bia cần giám định không phải được in ra từ bản in mẫu.
|
Bị khách hàng kiện bia lạ, Sabeco kinh doanh lỗ, lãi sao? (ảnh minh họa: Internet). |
Lợi nhuận tăng trưởng âm
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2023 cho thấy, Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã: SAB) ghi nhận doanh thu thuần đạt 8.312 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá vốn bán hàng giảm 2% đạt 5.824 tỷ đồng, lợi nhuận gộp về bán hàng đạt 2.487 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong kỳ, doanh thu từ hoạt động tài chính của Sabeco tăng gần 40% lên 354 tỷ đồng (tăng hơn 100 tỷ đồng so với cùng kỳ), chủ yếu do tăng thu nhập lãi tiền gửi ngân hàng. Chi phí tài chính giảm 35%, ghi nhận ở mức 17,2 tỷ đồng. Ngoài ra, chi phí bán hàng tăng 15% lên 1.167 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 21% lên 200 tỷ đồng.
Kết quả, Sabeco báo lãi sau thuế đạt 1.210 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 1.159 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ. Đây cũng là quý thứ ba liên tiếp lợi nhuận công ty tăng trưởng âm, nhưng đã tăng hơn 2 quý trước.
Theo lý giải của Sabeco, kết quả kinh doanh thấp hơn so với quý 2 năm ngoái do sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các hãng bia quốc tế trên thị trường, nhu cầu tiêu dùng thấp hơn do tác động bất lợi của kinh tế bất ổn cùng với chi phí bao bì, nguyên vật liệu, chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp cao hơn.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, Sabeco ghi nhận doanh thu thuần đạt 14.526 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 2.214 tỷ đồng, lần lượt giảm 11% và giảm 27% so với cùng kỳ.
Năm 2023, Sabeco đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu thuần đạt 40.272 tỷ đồng và lãi sau thuế dự kiến 5.775 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc nửa đầu năm 2023, Sabeco mới hoàn thành được 36% mục tiêu doanh thu và 38% kế hoạch lợi nhuận sau thuế.
Tại thời điểm 30/6/2023, tổng tài sản của Sabeco ghi nhận đạt 33.646 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Theo đó, hàng tồn kho tăng 10% lên 2.506 tỷ đồng; đầu tư vào các công ty liên kết và cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát, góp vốn vào đơn vị khác hơn 2.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, Sabeco đang phải trích lập dự phòng 409 tỷ đồng cho các khoản đầu tư tài chính dài hạn này.
Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản của Sabeco là khoản tiền, tương đương với tiền, tiền gửi có kỳ hạn với 22.397 tỷ đồng (chiếm 67%). Trong nửa đầu năm nay, công ty thu về hơn 684 tỷ đồng tiền lãi gửi ngân hàng. Tổng nợ vay của công ty khoảng 882 tỷ đồng...
Liên Hà Thái