Bí đỏ rớt giá còn 800 đồng/kg, người dân Đắk Lắk chờ... giải cứu

Google News

Giá bí đỏ dao động từ 2,8 - 3 nghìn đồng/ký đầu mùa, càng về sau giá càng giảm chỉ còn 1,2 nghìn đến 800 đồng/kg. Giá giảm, thương lái “kẹt” đầu ra nên thu mua cầm chừng. 

Lao đao theo bão giá
Còn nhớ năm 2017, bí đỏ ở Đắk Lắk được thương lái trả mua với giá rất thấp, chỉ 500 đồng/kg. Nông dân buồn rầu không muốn thu, xác bí chỏng chơ từ đồng ruộng ra quốc lộ. Nhiều bạn trẻ chia sẻ lên mạng kêu gọi cộng đồng chung tay “giải cứu”.
Bí đỏ đang chờ thu mua 
Chỉ trong thời gian ngắn, hàng trăm tấn bí ở huyện Ea Kar đã được chuyển đi tiêu thụ khắp các tỉnh thành với giá "hữu nghị" đủ cho nông dân bù chi phí đầu tư. Cứ tưởng năm nay tình hình sẽ khá hơn, nhưng không, chiến dịch “giải cứu” lại diễn ra.
Vụ này giá bí đỏ dao động từ 2,8 - 3 nghìn đồng/ký đầu mùa, càng về sau giá càng giảm chỉ còn 1,2 nghìn đến 800 đồng/kg. Giá giảm, thương lái “kẹt” đầu ra nên thu mua cầm chừng. Vựa bí nào quả to đẹp họ mới mua, còn không cứ phơi ngoài đồng.
Anh Nguyễn Văn Huỳnh (thôn 2, xã Cư Yang) có 1ha bí da trơn vàng rực đang nằm ngoài đồng chờ định giá. Bí nhà anh cho quả to đẹp, thương lái ngã giá 1,7 nghìn đồng/ký nhưng anh chưa chịu bán, muốn tăng thêm chút chứ bán vậy lỗ quá.
Thêm được đồng nào hay đồng đó, còn không anh Huỳnh cũng chấp nhận bán cho xong chứ để mưa xuống bí thúi hỏng thì trắng tay. Nhà anh cũng thuộc diện trồng bí lâu năm. Những năm trước giá bí từ 5 - 7 nghìn đồng/ký, hái tới đâu thương lái thu mua tới đó, tiền trao rẹt rẹt thích lắm. Hai năm nay giá rớt thảm, năm 2017 giá chỉ từ 500 - 800 đồng/ký, anh bị lỗ; năm nay cũng không khá là bao.
Anh Huỳnh nhẩm tính, trồng 1ha bí đỏ phải đầu tư hết 30 triệu đồng, chưa kể công nhà chăm sóc, thu hái. Nếu giá bí từ 2kg trở lên người trồng mới có lời đôi chút, còn không thì lỗ hoặc may ra đủ vốn.
Tương tự, nhà chị Hà Thị Lý (thôn 1, xã Cư Yang) cũng có 7 sào bí đỏ, hái gần 20 tấn, bán xô với giá 1,5 nghìn đồng/ký. Chị Lý cho biết: Nhà trồng bí đỏ đã hơn 6 năm nhưng chưa khi nào thảm như năm nay. 20 tấn bí bán được có 30 triệu đồng. Trừ chi phí đầu tư giống, phân bón, nhân công thu chở… chị còn lại khoảng 10 triệu đồng không thấm đủ công sức chăm sóc hơn 3 tháng ròng ngoài ruộng.
Xếp lại đống bí vừa thu hoạch, chị Lý ước gì giá bí cao 7 - 7,5 nghìn đồng/ký như năm 2016 thì trúng quá. 5 sào bí thu được 14 tấn bán gần 100 triệu đồng, lãi vài chục triệu; còn giờ, lấy công làm lãi cũng không xong.
Rớt giá… vẫn trồng
Đặt câu hỏi, bí đỏ giá rẻ thế năm sau nhà mình có trồng nữa không? Không cần suy nghĩ lâu, nhiều nông dân trả lời nhanh gọn: “Có chứ, không trồng bí biết trồng cây gì”.
Anh Huỳnh lý giải: Đất vùng này khô cằn, dân chỉ trồng cây hoa màu như đậu, bắp nhưng thu nhập không bao nhiêu, cũng năm được năm mất, rất bấp bênh. Còn cây bí cho thu hoạch một lần, nếu được giá nông dân lời cả 100 triệu/ha, gấp nhiều lần so với hoa màu. Nên dù giá thấp anh vẫn trồng… chờ ngày giá bí "quay đầu".
 Bí nhà anh Huỳnh chín vàng ngoài ruộng
Anh Nguyễn Văn Hậu, cán bộ nông nghiệp xã Cư Yang cho hay: Việc thu mua bí trên địa bàn đều phụ thuộc vào thương lái nên không ổn định, giá cả thay đổi liên tục, đầu mùa giá 2,8 - 3 nghìn đồng/ký, về sau đã giảm xuống còn 1,5 nghìn đồng rồi 800 đồng/ký. Chính quyền xã cũng khuyến cáo người dân cẩn trọng khi trồng cây bí đỏ. Năm 2017, huyện Ea Kar quy hoạch diện tích trồng bí trong xã là 38ha nhưng dân trồng tới 115ha; năm nay cây bí không nằm trong kế hoạch nhưng dân vẫn trồng.
Theo ông Hồ Tấn Cư, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Ea Kar, để tránh tình trạng bí thu hoạch về bán không được phải nhờ doanh nghiệp “giải cứu” như năm vừa rồi, trước vụ gieo trồng, UBND huyện đã tổ chức hội nghị SX nông nghiệp, trong đó có đề cập đến cây bí đỏ để người dân nắm được những rủi ro khi trồng tự phát, không theo quy hoạch dẫn đến cung vượt cầu.
Theo Huỳnh Quang/Nông nghiệp