Huyện Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh) hiện nay có khoảng 300 hộ chuyên làm nghề bẫy mực. Ngư dân làm nghề bẫy mực từ tháng 4 đến tháng 9 âm lịch với nguồn thu không nhỏ.
Đến Cô Tô tìm hiểu về nghề bẫy mực, tôi được một người bạn giới thiệu anh Trần Văn Hùng (thị trấn Cô Tô, huyện Cô Tô) chuyên làm nghề bẫy mực.
Nghề bẫy mực, thu nhập cao nhưng cũng lắm gian lao
Phải mấy cuộc hẹn, chúng tôi mới gặp được Hùng, bởi suốt ngày, thậm chí suốt đêm anh bồng bềnh trên chiếc thuyền bẫy mực ngoài khơi. Hôm nay, thời tiết không đẹp nên Hùng chỉ đặt bẫy gần bờ.
Chúng tôi ra bến, lại thêm một cuộc điện thoại nữa, từ ngoài khơi xa, Hùng chèo một chiếc thuyền nhỏ vào đón tôi, vì thuyền lớn của anh không cập được sát bờ. Hùng là một thanh niên khoảng hơn 30 tuổi, thân hình chắc nịch, nước da không thể đen hơn vì nắng và gió.
Những chiếc thuyền buộc bẫy mực xung quanh giống như con nhím xù lông trôi trên biển Cô Tô, huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Công Thành
Con thuyền nhỏ nhọc nhằn chở tôi vượt qua những con sóng nối tiếp nhau kéo vào bờ. Trên bờ, tôi chỉ thấy gió nhè nhẹ, vậy mà khi ra khơi xa mới thấy sóng gió thật không dễ chịu. Chỉ một lúc thôi, tôi đã thấy nôn nao như sắp say sóng và thầm phục những ngư dân suốt ngày, suốt đêm trên biển.
Nông dân đầu tiên nuôi mực ống lồng bè ở Phú Quốc của Kiên Giang, thu 150 triệu/tháng, ai cũng muốn xem
Hùng sống ở thị trấn Cô Tô và gắn bó với biển từ khi còn nằm trong bụng mẹ, bởi vậy, biển cả, nắng, gió đã gần như gắn với máu thịt, khiến anh không muốn rời xa.
Hùng đã thả lồng bẫy mực từ đêm, nên buổi chiều nay chỉ đi thu. Hùng kéo lồng lên bằng tay vì khu vực nước nông, còn chỗ sâu lồng phải kéo bằng tời vì rất nặng. Vài con mực tươi xanh mắc bẫy trong lồng - thành quả của lồng đầu tiên, các lồng mực khác thả gần bờ, lại chưa vào chính vụ nên nhiều bẫy không có gì. Hùng nhẩm tính, số mực bắt được có thể bán được khoảng triệu đồng, vậy là vui rồi.
Hùng bảo, còn nghề bẫy mực ở Cô Tô có từ khoảng chục năm nay, còn anh mới theo nghề khoảng 6 năm. Trước đây anh theo bố mẹ đi đánh cá, công việc ít vất vả nhưng thu nhập kém hơn.
Với nghề bẫy mực, hằng ngày anh ra biển từ 2-3 giờ sáng để thả lồng rồi 2-3 giờ chiều lại ra biển vớt lồng lên. Vậy là gần như suốt ngày suốt đêm, Hùng bồng bềnh trên chiếc thuyền bẫy mực, bởi không chỉ người dân Cô Tô làm nghề này, nên phải trông coi nếu không muốn bị người khác thu mất lồng.
Mỗi chiếc bẫy mực được buộc theo 1 hòn đá để bẫy không trôi lung tung. Ảnh: Công Thành
Có những hôm trời yên gió lặng, Hùng đánh thuyền ra tận đảo Trần, cách xa đảo lớn của huyện gần 2 tiếng tàu chạy để bẫy mực vì sẽ kiếm được nhiều hơn.
Lừa mực vào bẫy đẻ trứng để bắt mực
Bẫy mực không giống như bẫy các loài vật khác dùng thức ăn hay đặt bẫy trên đường đi. Để bẫy mực, phải dụ chúng vào đẻ trứng trong bẫy.
Bẫy và đá được kéo lên bằng tay trần khi thu hoạch rất nặng. Ảnh: Công Thành
Bẫy mực được làm đơn giản từ những cây gỗ cứng, buộc thành chiếc lồng hình vuông, xung quanh có bịt lưới. Miệng bẫy là hai mảnh lưới khép lại đủ để mực chui qua, xung quanh bẫy được ngụy trang bằng lá dừa nước. Chiếc bẫy không nặng, nhưng Hùng vẫn bê ì ạch bởi nó được buộc thêm bởi viên đá nặng hơn 20kg để giữ cho lưới chìm dưới đáy. Bẫy được nối với sợi dây dài bên trên có gắn phao để định vị.
Hùng cho biết, trong bẫy có mồi nhử là bầu trứng mực. Loài mực thường đẻ trứng trong các hốc đá san hô, khi thấy chiếc lồng dưới đáy biển, chúng sẽ tưởng bẫy là hốc đá san hô nên vào đẻ trứng. Mực sống ở vùng nước sâu nên mắt rất kém, bù lại khứu giác lại rất tốt, chúng ngửi thấy mùi trứng mực ở đâu thì mò tới. Do vậy, trứng mực để bẫy phải tươi, mực cái ngửi thấy mùi vào đẻ trứng và mực đực cũng theo vào.
Do chưa vào chính vụ nên số lượng cá mực bắt được sau khoảng 13 tiếng trên biển không nhiều. Nhìn những con cá mực tươi roi rói, còn nhảy tanh tách thế này thì ai mà chẳng muốn mua. Ảnh: Công Thành
Khi bẫy được kéo lên, Hùng thu lấy mực bố mẹ, còn trứng mực được nuôi trong chiếc văng giống như chiếc bể con nhưng có nước ra nước vào dưới đáy thuyền để giữ trứng mực như trong tự nhiên. Trứng mực được thụ tinh khi thả vào tự nhiên vẫn nở ra mực con như thường. Chính vì thế, dù lượng mực được đánh bắt ước hàng trăm tấn/năm ở Cô Tô, nhưng số lượng mực hằng năm hầu như không giảm.
Chiếc thuyền của Hùng ngày nhiều được khoảng 30kg mực, ngày ít vài cân, hòm hòm được vài chục triệu đồng/tháng từ bán mực. Hùng bảo, Hùng không phải người bắt được nhiều cá mực nhất, vì có hộ thu được hàng trăm triệu đồng/tháng vào mùa mực.
Khoảng 5 giờ chiều hằng ngày, công việc bẫy loài cá mực của Hùng mới tạm xong. Có khi thương lái ra tận thuyền mua mực, có khi Hùng lại phải mực về cho vợ ra chợ bán.
Công việc bẫy mực trên biển Cô Tô của Hùng bắt đầu từ đêm và kết thúc khi đã nhá nhem tối. Ảnh: Công Thành
Hoàng hôn đổ dài một màu vàng rực trên biển Cô Tô, những chiếc thuyền bẫy mực đang vội vã kéo vào bờ vì gió Nam thổi mạnh. Cuộc sống các ngư dân chỉ thực sự nghỉ ngơi khi ngoài biển có bão gió và lại tiếp tục khi trời yên biển lặng.
Theo Công Thành/Dân Việt