“Bẫy” huy động vốn

Google News

Có nhiều doanh nghiệp lập nên những khoản huy động vốn, núp bóng dưới nhiều hình thức đầu tư để kêu gọi số tiền lớn từ người dân.

Tìm kiếm các kênh đầu tư để sinh lời cho khoản tiền nhàn rỗi. Đó luôn là nhu cầu kiếm tiền chính đáng của mỗi người. Thế nhưng, lợi dụng vào nhu cầu đó, đã có nhiều doanh nghiệp lập nên những khoản huy động vốn, núp bóng dưới nhiều hình thức đầu tư để kêu gọi số tiền lớn từ người dân.
Chỉ đến khi mô hình này sụp đổ, doanh nghiệp không còn khả năng chi trả, sự việc mới vỡ lở. Các nhà đầu tư lúc này mới vỡ lẽ, ngay từ đầu, mình đã được chọn để làm nạn nhân chứ không phải để làm khách hàng.
Bí mật đằng sau những bản hợp đồng giả cách
30 người đã dùng hơn 70 tỷ đồng tiền tích cóp cá nhân để mua cổ phần của tập đoàn Sen Tài Thu. Thế nhưng, điều bất thường là không ai trong số này được làm cổ đông bởi ngay từ đầu, họ đã phải kí cam kết miễn nhiệm quyền lợi của chính mình.
“Bay” huy dong von
 
463 người đã cho vay tiền, đã gửi tiết kiệm thế nhưng đều kí cam kết: bí mật và trao toàn bộ quyền cổ đông cho Chủ tịch hội đồng quản trị.
Nhà đầu tư của công ty CP tập đoàn Sen Tài Thu: Bỏ tiền ra mua cổ phần, mình nhận mình là cổ đông, nhưng lại ký một biên bản là miễn trừ quyền cổ đông với mình thì là bất hợp lý. Nói thì bạn ấy chỉ bảo đấy là hợp thức hoá thôi.
Cũng vì để hợp thực hoá những khoản tiền lớn được chuyển vào doanh nghiệp, những bản hợp đồng hợp tác chiến lược, chuyển nhượng cổ phần đã được tạo ra trong khi người mua chỉ nghĩ đơn thuần mình là khách hàng đem tiền đi gửi tiết kiệm, thực chất, họ lại đang mang cái mác mà mình chưa từng nghĩ tới: nhà đầu tư.
Nhà đầu tư của công ty CP tập đoàn Sen Tài Thu: Khi mà chúng tôi chuyển tiền, chúng tôi chỉ nghĩ đây chỉ là gửi để lấy lãi thôi. Nhưng sau đấy thì 1, 2 tuần thì bạn sale nói là tôi mang giấy tờ qua cho chị kí. Lúc đấy tôi mới biết là có các hợp tác chiến lược rồi cổ phần này khác.
Tự dưng trở thành nhà đầu tư chưa phải là điều khiến họ bất ngờ nhất. Cú sock chỉ thực sự đến khi tổng giám đốc đương nhiệm của công ty khẳng định: doanh nghiệp không biết toàn bộ số tiền khách hàng gửi vào đang ở đâu, và đã được dùng vào việc gì.
Ông Trần Tuấn Anh, Tổng Giám đốc công ty CP Tập đoàn Sen Tài Thu Việt Nam cho biết: "Hiện tại qua công tác rà soát, tôi đang thấy Sen đang không còn tiền để chi trả cho đúng hẹn các nhà đầu tư. Toàn bộ phần huy động vốn này hầu như đều để ngoài sự ghi nhận của doanh nghiệp. Nguyễn Thi Lan Hương, TGĐ cũ đã huy động vốn vào và đang mất khả năng chi trả. Bạn ấy đã xin nghỉ việc từ tháng 11, 12/2022".
“Bay” huy dong von-Hinh-2
 
Theo thông tin từ phía doanh nghiệp, công ty CP tập đoàn Sen Tài Thu đã huy động được hơn 1 nghìn tỉ đồng của 463 khách hàng dưới hình thức chào bán cổ phần với lãi suất khoảng 12%/ năm. Và nay, chỉ khi sự việc vỡ lở, nhiều chi tiết bất thường mới được vỡ lẽ. Những bản hợp đồng này chỉ là giả cách. Việc mua cổ phần chỉ là giả tạo. Nói 1 cách dễ hiểu, loại hợp đồng này được tạo ra chỉ để che giấu cho 1 loại giao dịch khác.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, nhận định: "Đấy là hình thức huy động vốn phi chính thức và không đúng với quy định của luật doanh nghiệp. Với doanh nghiệp, nếu huy động vốn cổ đông thì phải có các cổ phần đi theo nó và các cổ phần phải quy định các đợt phát hành bởi đại hội cổ đông. Còn hoạt động liên kết thì rõ ràng nó không là cái gì cả. Nó chỉ là 1 tờ giấy. Cho nên, rủi ro là rất lớn".
Sen Tài Thu vốn nổi tiếng là một doanh nghiệp chuyên về lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ, không phải là một tổ chức tín dụng nhưng lại huy động vốn dưới bỏ bọc mua cổ phần. Mặc dù đã mất khả năng chi trả từ đầu năm nay, nhưng nhiều tháng sau, doanh nghiệp này vẫn tiếp tục hành vi huy động vốn.
Nhà đầu tư của công ty CP tập đoàn Sen Tài Thu Việt Nam: Như gia đình tôi từ tháng 1/2023 người ta đã bảo mất khả năng chi trả nhưng có hợp đồng từ tháng 4/2023, họ vẫn huy động để vay tiền vào. Hành vi như thế có phải là lừa đảo không?
Cho rằng mình bị lừa đảo, hàng trăm nạn nhân đã tập hợp để gửi đi nhiều đơn thư trình báo. Không còn cách nào khác, họ đành phải ký vào những lá đơn mà không ai muốn mình là người viết.
Dấu hiệu huy động vốn đa cấp của tập đoàn Sen Tài Thu
Sau một thời gian nhận được tiền lãi đầy đủ, đến đầu năm nay, nhiều người đã không còn nhận được cả gốc và lãi. Lãnh đạo doanh nghiệp tuyên bố, công ty không còn khả năng chi trả, hàng trăm khách hàng đứng trước nguy cơ mất tiền. Đối chiếu các chi tiết trong sự việc, luật sư cho rằng, hành vi của công ty cổ phần tập đoàn sen Tài Thu đã lộ rõ những dấu hiệu vi phạm pháp luật.
“Bay” huy dong von-Hinh-3
 
Bản thân lãnh đạo doanh nghiệp cũng tự thừa nhận, công ty không có chức năng nhận tiền. Toàn bộ số tiền huy động đang để ngoài sổ sách và chưa kê khai. 100% số tiền huy động được cũng không sử dụng vào kinh doanh mà được chuyển ra tài khoản cá nhân của ban lãnh đạo công ty để chi tiêu và đi theo đúng con đường là vay của người trước trả cho người sau.
Luật sư Quách Thành Lực, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội, cho biết: "Ở đây, bên cho vay không thực sự là đầu tư và bên nhận tiền là tập đoàn Sen Tài Thu cũng không sử dụng số tiền đó vào hoạt động đầu tư kinh doanh mà sử dụng vào mục đích riêng; lấy tiền của nhà đầu tư sau trả cho nhà đầu tư trước cho đến khi không thể chi trả được như cam kết đã có dấu hiệu rất rõ của hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 và Điều 175 Bộ luật Hình sự".
Ở thời điểm cách đây 1, 2 năm khi hàng trăm người đổ tiền vào công ty CP Tập đoàn Sen Tài Thu, thì lãi suất huy động của ngân hàng dao động vào khoảng 8 - 10%/năm trong khi lãi suất của doanh nghiệp cam kết chỉ rơi vào khoảng 9,5 đến 12%. Con số này là không quá cao và không ảo so với những khoản huy động vốn thường thấy khác.
Cũng chính vì vậy, nhiều người lại trở nên tin tưởng rằng mọi thứ an toàn và trong vòng kiểm soát. Trong khi thực hiện những đề tài cảnh báo các chiêu trò của hình thức huy động vốn, phóng viên VTV Money nhận thấy, có rất nhiều lý do khiến người dân rơi vào những chiếc bẫy này.
Sau khi có các đơn tố cáo cho rằng công ty Cổ phần Tập đoàn Sen Tài Thu Việt Nam có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư, vừa qua, cơ quan Công an bao gồm Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an và Công an quận Cầu Giấy đã vào cuộc thu thập hồ sơ. Các thông tin tiếp theo về sự việc sẽ còn được chúng tôi gửi đến quý vị trong các bản tin tiếp theo.
Theo VTV