"Bẫy" du lịch độc, lạ, rẻ

Google News

Những ngày qua, cộng đồng mạng lan truyền hình ảnh một khách sạn đẹp như “chốn tiên cảnh” ở giữa Vịnh Hạ Long. Tuy nhiên, mới đây, lãnh đạo Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh đã lên tiếng cho biết những hình ảnh này là không có thật.

“Lùa gà” bằng hình ảnh ảo

Theo bản thiết kế có tên “Fantasy Ha Long Bay”, khách sạn có vị thế lưng tựa núi, nằm bên trong vùng lõi của di sản. Du khách có thể ngắm toàn cảnh vịnh nhờ thiết kế cửa kính 360 độ. Tại tầng 5 của khách sạn còn có một hồ bơi lớn. Thiết kế giếng trời đón ánh sáng ngập tràn không gian bên trong toàn khách sạn…

Bài viết nhận được hàng ngàn bình luận, lượt thích và được chia sẻ với tốc độ chóng mặt, kèm theo những lời ca ngợi như một siêu phẩm du lịch của Hạ Long. Nhiều người còn bình luận hỏi thông tin để đặt phòng.

“Khách sạn trong mơ” ở Vịnh Hạ Long khiến dư luận xôn xao mấy ngày qua hóa ra là một sản phẩm của công nghệ AI

Tuy nhiên, mới đây, lãnh đạo Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh cho biết: Không bao giờ có một sản phẩm như vậy xây dựng giữa vịnh Hạ Long. Các đơn vị quản lý cảnh báo du khách nên tìm hiểu kĩ thông tin, tránh bị các đối tượng lừa đảo bán phòng nghỉ, voucher du lịch không có thật. Mỗi khi có sản phẩm mới “độc lạ”, du khách thường có xu hướng đặt thử ngay để trải nghiệm, trong khi nhiều người không phân biệt được ảnh thật, ảnh ghép trên mạng.

Vì thế, khả năng có nhóm du khách bị lừa mua phòng tại “khách sạn ảo” này không phải nhỏ.

Đầu tháng 5 vừa qua, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã phối hợp với Thanh tra Sở Du lịch tỉnh truy tìm các đối tượng lừa bán phòng khách sạn giá rẻ cho du khách có nhu cầu đến Huế du lịch.

Theo phản ánh của du khách, thông qua mạng xã hội, có một khách sạn thông báo, hệ thống của khách sạn này tại Thừa Thiên - Huế đang có chương trình giảm sâu giá phòng trong dịp nghỉ lễ. Tin rằng được giảm giá phòng khách sạn, du khách đã liên hệ để đặt phòng. Tuy nhiên, sau khi chuyển tiền cọc, du khách điện thoại xác minh thì mới biết hệ thống của khách sạn này không có cơ sở lưu trú ở Huế.

Trên nhóm “Review du lịch…”, từng xuất hiện một bài đăng của tài khoản “Manh Nguyen” cho thuê nguyên căn biệt thự ở tỉnh Hòa Bình với giá chỉ 5 triệu đồng/đêm kèm theo các hình ảnh “sang xịn mịn”. Người này yêu cầu khách chuyển khoản trước 50% tiền cọc để đặt phòng. Sau khi lừa được nhiều người, tài khoản này đã đột ngột “bốc hơi” trên mạng xã hội, còn du khách thì tá hỏa khi biết những hình ảnh khu biệt thự thực ra là của một khu nghỉ dưỡng ở tận… Indonesia.

Vào tháng 7/2022, hình ảnh về một homestay ở Ninh Bình cũng gây chú ý với thiết kế phòng ngủ bên trong hang đá và được rao giá 97 triệu đồng/đêm. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra, cơ quan chức năng cho biết, homestay này đã tận dụng một hang đá ngay sau nhà rồi kê giường đệm vào để chụp ảnh, thu hút sự chú ý còn thực ra công năng của nó chỉ là… khu nhà vệ sinh. Cơ sở này vốn cũng đã dừng hoạt động từ đầu năm nay.

Trả giá đắt vì “combo giá rẻ”

“Mình vừa bị lừa các bạn ạ. Mình đặt cho khách combo Hà Nội – Phú Quốc qua một facebook P.H. Khách đặt cọc 50% tiền rồi xong liên hệ không được…”, “Cảnh báo để mọi người khi đi du lịch không bị lừa như em…”, “Cả nhà cẩn thận, có 144 khách đang bơ vơ ở sân bay vì không có vé sau khi đặt tour Phú Quốc 3n2đ…”, “Nhà mình có ai book phòng hay vé máy bay của người này chưa ạ? Gia đình em vừa bị lừa một vố đau quá…”.

Rất dễ đọc được những bài viết như thế trên các cộng đồng, hội nhóm du lịch. Sau 2 năm dịch bệnh bùng phát, khi du lịch được mở cửa trở lại, rất nhiều công ty lữ hành đã tung sản phẩm khuyến mại kích cầu du lịch. Lợi dụng điều này, các đối tượng lừa đảo du lịch cũng “tát nước theo mưa”, đánh vào tâm lý những khách hàng thiếu kinh nghiệm, ham rẻ… để lừa từ vài triệu đến vài chục triệu đồng.

Anh Hoàng Nam (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, vừa qua, gia đình anh có kế hoạch đi Đà Nẵng. Do đoàn hơn 12 người, muốn tiết kiệm chi phí nên anh đã lên Facebook tìm combo du lịch giá rẻ. “Khi được một tài khoản Facebook nhắn tin giới thiệu combo chỉ hơn 1 triệu đồng/người. Người này yêu cầu tôi chuyển khoản trước rồi sẽ cung cấp mã khách hàng và hướng dẫn chi tiết lịch trình đi lại.

Khi kiểm tra trang cá nhân Facebook và Zalo người này, tôi thấy có nhiều khách chia sẻ ảnh đi du lịch, bình luận dưới bài đăng khen uy tín nên tôi cũng tin tưởng chuyển khoản. Tuy nhiên, sau khi nhận được tiền, người này liền khóa tài khoản Facebook, chặn luôn số điện thoại của tôi”, anh Nam cho biết.

Không bị lừa mất trắng như anh Nam nhưng chị Lan Hương (Ba Đình, Hà Nội) cũng có một kỳ nghỉ lễ 30/4 nhớ đời vì như đi “hành xác”. “Tôi thấy trên mạng đăng thông tin tua du lịch Đà Lạt giảm giá rẻ hơn nhiều so với bình thường nên đã đặt cho cả nhà đi nghỉ lễ.

Vào đến nơi mới biết, khách sạn 3 sao theo hợp đồng chỉ là phòng trọ cho thuê nằm cách xa trung tâm. Xe đưa đón đoàn trong cả kỳ nghỉ cũng cũ nát và không có điều hòa. Nhà hàng đặc sản mà trong tua giới thiệu chỉ là quán cơm bình dân, lèo tèo món. Biết là bị lừa nên ông xã tôi ngậm ngùi gọi thêm món dù giá đắt như cắt cổ”, chị Hương kể.

Một hình thức lừa đảo tinh vi hơn nữa, đó là giả dạng các doanh nghiệp, công ty du lịch. Hồi tháng 4 vừa qua, rất nhiều trường hợp phản ánh bị lừa đảo khi mua gói du thuyền Hạ Long 5 sao, với dòng quảng cáo “Chương trình khuyến mãi du thuyền Hạ Long Ambassador 5 sao, 3 ngày 2 đêm với giá chỉ 1,9 triệu/khách” (trong khi giá thực tế là 7,9 triệu/khách). Theo đó, kẻ gian đã xây dựng trang fanpage giả mạo, sao chép hình ảnh và nội dung y hệt fanpage chính chủ của du thuyền Ambassador.

Thông tin tài khoản ngân hàng đến mẫu hoá đơn đều được đăng ký dưới dạng doanh nghiệp tạo độ uy tín, khiến khách hàng rất dễ bị thuyết phục. Thậm chí, có người hơn 2 tuần sau mới biết mình bị lừa khi liên hệ với bên tư vấn thì phát hiện đã bị chặn facebook từ bao giờ.

Ngoài ra, các hình thức lừa đảo như “mời đi hội thảo nhận voucher du lịch miễn phí” cũng khá phổ biến thời gian qua. Khi có mặt tại địa điểm như thư mời, khách hàng đúng là được tặng voucher của resort/khách sạn, nhưng để sử dụng voucher (thường là có giá trị trong 2 ngày 1 đêm) đó thì khách phải ở ít nhất 3-4 ngày với giá thuê đắt đỏ.

Còn với “tua 0 đồng”, trong lịch trình thường sẽ không ghi rõ là vào các điểm tham quan phải mất thêm phí. Cho nên, vào mỗi điểm, khách lại được yêu cầu đóng thêm một khoản tiền mới được vào tham quan, hoặc sẽ bị ép mua các sản phẩm, dịch vụ ở đó. Thế mới có chuyện, nhiều cụ già hưu trí sau khi được mời đi “du lịch 0 đồng” đã phải mua về lỉnh kỉnh sữa bột và thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc.

Du lịch siêu rẻ chỉ tồn tại thời Covid

Ông Nguyễn Trung Đức – người sáng lập Vietrip Travel cho biết: “Những đối tượng lừa đảo thường dùng chiêu trò đánh vào lòng tham giá rẻ khiến không ít người bị mất lượng lớn tiền. Nhiều du khách nhẹ dạ cả tin, nghĩ rằng chỉ cần kiểm tra giấy phép hoạt động hoặc thông tin cá nhân của người bán là có thể yên tâm. Nhưng vẫn không hề an toàn”.

Theo ông Đức, hiện nay, việc thành lập một công ty để có con dấu khá nhanh và đơn giản nên kể cả ký hợp đồng hoặc thấy trên combo có dấu mộc đỏ cũng chưa thể chắc chắn. Do đó, để đảm bảo có chuyến đi chất lượng, khách hàng nên lựa chọn sử dụng dịch vụ của các đơn vị uy tín hoặc ưu tiên mua từ bạn bè, người quen.

Nở rộ nhiều chiêu trò lừa đảo bằng các gói du lịch giá rẻ

Cũng theo các chuyên gia du lịch, “combo giá rẻ” không đồng nghĩa với lừa đảo. Tuy nhiên, khách hàng dễ bị “mắc bẫy” bởi những thông tin mập mờ. Nếu thấy gói dịch vụ có giá rẻ bất thường so với mặt bằng chung, hãy cẩn thận kiểm tra kỹ và đừng vội vàng đặt mua. Bởi du lịch siêu rẻ thực sự chỉ có trong thời gian COVID-19 khó khăn cần kích cầu mà thôi. Đặc biệt thận trọng khi đối tác yêu cầu chuyển tiền đặt cọc để giữ chỗ, nếu có thể nên thực hiện giao dịch thanh toán trực tiếp.

Khi mùa cao điểm du lịch đã cận kề, các cơ quan chức năng nhiều địa phương như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Kiên Giang… cũng đã phải đăng thông tin cảnh báo du khách. Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang còn kết hợp Sở Thông tin và Truyền thông kiểm tra, gỡ các bài đăng trên mạng có nội dung không chính xác về du lịch Phú Quốc, đăng tải đường dây nóng giúp du khách nắm thông tin chính xác, phản ánh kịp thời các hiện tượng lừa đảo.

Theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, để thuận tiện cho việc tránh bị lừa đảo hoặc có chứng cứ khi bị lừa đảo, người mua cần lưu lại toàn bộ các thông tin liên quan trong quá trình giao dịch như thanh toán, e-mail, tin nhắn...

Khi giao dịch, người mua phải yêu cầu bên cung cấp dịch vụ làm hợp đồng với các điều khoản chi tiết về chuyến bay, khách sạn, giá vé, các chi phí phát sinh khác (nếu có), trách nhiệm nếu vi phạm hợp đồng và các chế tài xử lý. Nếu thấy dấu hiệu lừa đảo thì phải báo ngay với cơ quan chức năng để xử lý kịp thời.

Theo Lê Kim/Tiền Phong