Bầu Đức chi bao nhiêu tiền cho Học viện Bóng đá HAGL - JMG?

Google News

Trong những thời điểm khó khăn nhất của Hoàng Anh Gia Lai, "Bầu" Đức vẫn sẵn sàng chi hàng chục tỷ đồng cho Học viện Bóng đá HAGL – JMG.

Lượt đi vòng loại World Cup 2022 đã trôi qua, đội tuyển Việt Nam đã xuất sắc giành chiến thắng trước Malaysia, Indonesia, UAE và 1 trận hòa trước tuyển Thái Lan.
Ngoài tài cầm quân lão luyện của HLV Park Hang Seo, kết quả này còn đến từ những đóng góp âm thầm của các ông bầu bóng đá trong công tác đào tạo lứa cầu thủ trẻ. Một trong số những mạnh thường quân không thể không nhắc đến là "Bầu" Đức (ông Đoàn Nguyên Đức) – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai.
Bén duyên với bóng đá từ năm 2001, "Bầu" Đức khi đó mua lại đội bóng hạng nhất Gia Lai và đổi tên thành Hoàng Anh Gia Lai. Ban đầu với chiến lược vung tiền để đầu tư vào dàn cầu thủ chất lượng, đội bóng của "Bầu" Đức đã vô địch 2 năm liên tiếp 2002 và 2003 tại giải đấu đứng đầu quốc gia.
Đến năm 2007, "Bầu" Đức thay đổi tư duy làm bóng khi lặn lội sang Arsenal để học hỏi một cách làm khác - phát triển bóng đá bền vững. Trong buổi trò chuyện với huấn luyện viên Wenger, trước câu hỏi phải làm gì để bóng đá Việt Nam phát triển của Bầu Đức, vị huấn luyện viên có học hàm thạc sĩ kinh tế nói rằng: “Cần phát triển đào tạo trẻ, với nền móng là xây dựng các học viện bóng đá”.
Chỉ vài tháng sau (tháng 3/2007), bầu Đức động thổ xây dựng Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai Arsenal - JMG trên khu đất 5 ha, khu đất trước đó đã trồng cao su đến tuổi thu hoạch.
Đằng đẵng hơn 1 thập niên, mỗi năm Bầu Đức đã chi hàng chục tỷ đồng cho việc vận hành trung tâm đào tạo này, chưa kể các khoản chi bất thường cho các chuyến tập huấn dài ngày ở nước ngoài, nâng cao chất lượng tại Học viện, đội ngũ nhân sự quản lý.
Con số chính thức cụ thể chưa từng được "Bầu" Đức cũng như phía Hoàng Anh Gia Lai công bố, dù vậy theo một số nguồn tin, ông đã phải chi ước chừng 76 triệu USD.
Cụ thể, mỗi tháng Tập đoàn HAGL của bầu Đức trả khoảng 800 triệu đồng cho HLV Park Hang-seo (bao gồm cả thuế), đồng nghĩa trong 2 năm hợp đồng của nhà cầm quân người Hàn Quốc với bóng đá Việt Nam, bầu Đức rút hầu bao chi tới gần 1 triệu USD.
Ngoài ra, "Bầu" Đức phải chi ít nhất 5 triệu USD/năm (10 năm = 50 triệu USD) để thương hiệu Arsenal song hành và gắn vào cái tên HAGL Arsenal JMG (kết thúc vào tháng 6/2017). Bên cạnh đó, mỗi năm 1 cậu bé được đào tạo tại Học viện HAGL tiêu tốn khoảng 1 tỷ đồng. Như vậy, trong suốt từng ấy năm với 4 khóa đào tạo, bầu Đức cũng đã mất khoảng 20 triệu USD.
Chưa kể, còn phải kể đến khoản 5 triệu USD nữa cho chi phí tập huấn của các học sinh học viện trong hơn 10 năm hoạt động. Theo đó, mỗi năm các cậu bé HAGL sẽ được đi du đấu với các lò JMG trên toàn cầu từ châu Phi cho đến châu Âu. Đơn cử như giải Sanix Cup 2013 ở Nhật Bản khi các cậu bé Tuấn Anh, Xuân Trường, Công Phượng lần đầu tiên được xỏ giày vào thi đấu hay chuyến tập huấn của U19 Việt Nam tại Arsenal cùng năm.
Nhìn lại quãng thời gian này, dù là khó khăn nhất, ông "Bầu" phố núi vẫn chi hàng chục tỷ đồng cho Học viện Bóng đá. Cổ đông HAGL hẳn chẳng thể quên những lúc ‘bầu’ Đức phải bán bất động sản trong nước, bán mảng mía đường, bán thủy điện,… thậm chí phải bán cả chuyên cơ riêng của mình để trả nợ. Tuy vậy, ông Đức vẫn giữ lại Học viện bóng đá HAGL – JMG, một mảng đầu tư khó có thể gọi là sinh lời cho doanh nghiệp.
Thậm chí đã có lúc có đại gia muốn chia sẻ khó khăn khi muốn tiếp nhận Học viện, nhưng ông Đức kiên quyết từ chối.
Hiện tại, khảo sát của Nhadautu.vn cho thấy khoản đầu tư vào Học viện bóng đá được thể hiện trong khoản mục chi phí xây dựng dở dang cơ bản.
Trong 9 tháng đầu năm 2019, dù HAGL đã thua lỗ 1.265 tỷ đồng, nhưng "Bầu" Đức vẫn rót vào Học viện bóng đá HAGL-JMG 39,4 tỷ đồng.
Bau Duc chi bao nhieu tien cho Hoc vien Bong da HAGL - JMG?
 
Ngoài “Bầu” Đức, cần phải kể đến nhiều ông bầu khác tâm huyết với bóng đá nước nhà. Đơn cử như ông Đỗ Quang Hiển- Chủ tịch HĐQT Tập đoàn T&T.
Như Nhadautu.vn đã phản ánh, vào giai đoạn bóng đá Việt mới lên chuyên nghiệp, các CLB rất khó khăn trong việc tìm kiếm nhà tài trợ để có kinh phí hoạt động. Một mình bầu Hiển chi hàng trăm tỷ đồng mỗi năm tài trợ cho nhiều đội bóng chơi tại V-League khi đó như Quảng Nam, SHB Đà Nẵng, Sài Gòn FC, Hà Nội… Tài trợ nhiều đến nỗi, ông bầu này bị gán mác 'thao túng' bóng đá Việt. Nhiều người đồn đoán về động cơ phía sau việc đầu tư vào bóng đá của vị đại gia này, tuy nhiên, ông Hiển khẳng định không được gì khi làm bóng đá và ông làm cũng không vì lợi ích kinh tế.
Sau nhiều năm đầu tư vào bóng đá nam và "làm mưa làm gió" ở đấu trường V-League với nhiều thành tích và cả những "tai tiếng", bầu Hiển đã bước thêm một bước nữa khi lấn sân sang bóng đá nữ.
Mới đây nhất vào ngày 13/11/2019, Tập đoàn T&T do ông Đỗ Quang Hiển đã ký thỏa thuận hợp tác với Sở VH-TT&DL Thái Nguyên. Theo đó, bầu Hiển sẽ tài trợ cho bóng đá nữ Thái Nguyên trong 5 năm tới với mục tiêu giành HCV quốc gia.
Một ông “bầu” khác không thể không nhắc đến là tỷ phú Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Tập đoàn Vingroup. Theo tìm hiểu, ông đã được trang Goal thống kê là ông bầu giàu có người châu Á đang đầu tư vào lĩnh vực bóng đá. Song có sự khác biệt so với những ông chủ đội bóng khác, không có thông tin chính thức nào xuất hiện về việc tỷ phú gốc Hà Tĩnh đầu tư vào một CLB cụ thể. Dù vậy, thông tin trong một bài viết của Nhadautu.vn cho thấy ông đang nắm phần lớn cổ phần CLB bóng đá Phố Hiến.
Đây được coi là miếng ghép hoàn hảo cho hệ sinh thái bóng đá của tập đoàn tư nhân số 1 Việt Nam. Giới túc cầu đánh giá, CLB bóng đá Phố Hiến sẽ là sân chơi hữu ích để các cầu thủ trẻ được cọ xát, sẵn sàng vươn ra biển lớn.
Trước đó vào ngày 4/12/2008, Vingroup đã thành lập Học viện VPF và tới nay trở thành lò đào tạo hàng đầu ở Việt Nam với những cái tên nổi danh như Trương Văn Thái Quý (Hà Nội), Hà Đức Chinh, Đỗ Thanh Thịnh, Mạc Đức Việt Anh, Phan Văn Biểu, Bùi Tiến Dụng (Đà Nẵng), Lê Xuân Tú (Hồng Lĩnh Hà Tĩnh).
Vừa qua, Vingroup cũng ký kết hợp tác chiến lược với VFF nhằm hỗ trợ phát triển bóng đá Việt Nam. Trọng tâm hợp tác tập trung vào công tác đào tạo, chuẩn bị lực lượng cho các giải đấu quốc tế trong giai đoạn 2019 – 2024, hướng đến mục tiêu lọt vào vòng chung kết Olympic 2024 và World Cup 2026.
Theo Hóa Lộc/Nhà đầu tư