Mới đây, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cho biết đã đề cử hai doanh nhân ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV (2021 - 2026). Một trong số đó là doanh nhân Trịnh Chí Cường (SN 1982) - Tổng Giám đốc CTCP Nhựa Đại Đồng Tiến.
Ông Trịnh Chí Cường sinh năm 1982, là con trai cả của doanh nhân gốc hoa Trịnh Đồng, người nổi tiếng với thương hiệu nhựa gia dụng Đại Đồng Tiến nức tiếng ở thị trường Việt Nam.
Dù được cha mẹ định hướng đi du học nhưng suy nghĩ học xong sẽ ở lại nước ngoài làm việc rồi lập nghiệp theo vị CEO 8X là một hành động không ổn, bởi phải bắt đầu mọi cái bằng con số 0 tại một quốc gia phát triển như Singapore là điều không dễ.
|
Doanh nhân Trịnh Chí Cường - Tổng Giám đốc CTCP Nhựa Đại Đồng Tiến. Ảnh: Internet |
Hơn nữa, ông Cường cảm thấy yêu ngành kỹ thuật nhựa nhất, bên cạnh niềm yêu thích công nghệ thông tin và ngoại ngữ. Để có đủ năng lực về quê tiếp quản sự nghiệp của cha mẹ, ông đã chọn ngành quản trị kinh doanh tại Đại học Buffalo-New York (chi nhánh Singapore) thêm 3,5 năm nữa.
Sau 7 năm du học và làm việc ở Singapore, Trịnh Chí Cường về nước và bắt tay ngay vào công việc quản lý trong Công ty Nhựa Đại Đồng Tiến của cha khi chỉ mới 26 tuổi.
Tuy phải tiếp nhận vai trò chủ chốt khi tuổi còn trẻ, nhưng nhờ sự nhiệt huyết và kiến thức được đào tạo bài bản nên CEO Trịnh Chí Cường đã nhanh chóng khẳng định năng lực của mình khi lèo lái con thuyền Đại Đồng Tiến trở thành một trong những thương hiệu hàng đầu của ngành công nghiệp nhựa Việt Nam, quy mô tổng tài sản tính đến cuối năm 2019 đã hơn mức 1.000 tỷ đồng.
Việc đầu tiên của Cường khi ngồi vào ghế Tổng Giám đốc là lên kế hoạch thành lập phòng nghiên cứu và phát triển cho công ty. Điều này trước đây, lúc còn hoạt động theo mô hình công ty gia đình, Đại Đồng Tiến chưa từng nghĩ tới.
Tuy nhiên, những bước đi hợp thời của vị CEO 8X Trịnh Chí Cường lại vấp phải cơn bão suy thoái kinh tế toàn cầu khiến những sản phẩm mới phải ngậm ngùi xếp kho và công suất nhà máy giảm tới 40%.
Sau đó, nhờ chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Chính phủ năm 2009, Đại Đồng Tiến đã hồi phục rất nhiều, kéo doanh số tăng 7% năm 2008 lên 15% năm 2009, đạt 625 tỷ đồng.
Khắc phục khó khăn cho công ty xong, doanh nhân trẻ tuổi đưa ra chiến lược “đẩy và kéo”: Dùng đòn bẩy khuyến mãi để đẩy ra lượng lớn hàng hóa nhằm kéo lượng khách hàng lớn đến với công ty.
Chiến lược này đã mang lại cho Đại Đồng Tiến một lượng lớn khách hàng mới, giúp doanh số công ty tăng nhanh sau những đợt bán hàng đó, thậm chí tăng đến 30% so với dự kiến, mặc dù trước đó ý tưởng của anh bị các cổ đông cho là liều mạng.
CEO Trịnh Chí Cường có thói quen đọc nhiều sách nghiên cứu và sách viết về các công ty gia đình nổi tiếng thế giới.
Cường cũng từng chia sẻ, mong ước không chỉ là doanh nhân thành đạt mà còn là nhà khoa học, có thể vừa kinh doanh vừa nghiên cứu làm ra những sản phẩm tốt, có giá trị bền vững phục vụ xã hội.
Giống như nhiều công ty gia đình khác, áp lực lớn nhất của vị doanh nhân 8X là làm thế nào để vượt qua cái bóng của người đi trước. Để làm được điều đó, anh tự cho mình quyền không hoàn hảo và cho phép đổ lỗi để học nhiều hơn.
Hoàng Minh