Để sở hữu được 1 cái kèo, cái cột, thậm chí một thanh rui, họ đã phải bỏ ra cả năm trời. Họ sẵn sàng đổi cả một nếp nhà mới, vài trăm triệu để mua được vài ba thanh gỗ trên mái nhà cũ ấy. Đó là những "chiêu trò" của giới săn gỗ sưa mà không phải ai cũng biết trong giai đoạn gỗ sưa "lên cơn sốt".
Mua cả ngôi nhà cũ để lấy khúc gỗ sưa
Cơn sốt gỗ sưa từng làm nhiều làng quê chao đảo, thậm chí cả những dãy phố cũng bị những "băng nhóm" táo tợn rình mò chặt hạ. Hàng chục vụ "sưa tặc" bị khởi tố, hàng trăm đối tượng đã phải lĩnh án vì loại cây được mệnh danh là "đắt như vàng ròng" này.
Chính vì thế, những người có nghề về gỗ nhanh chóng trở thành những người chuyên săn lùng gỗ sưa, họ sẵn sàng trả giá cao để mua cả một nếp nhà, mục đích chỉ để lấy một phần gỗ sưa trên đó. Thậm chí họ bỏ ra vài chục triệu mua một bộ bàn ghế cũ rích để lấy đôi ba cái chân.
Trong giới buôn gỗ sưa không còn lạ lẫm với cái tên Nguyễn Văn Mừng (tên các nhân vật đã được thay đổi), Đồng Kỵ, Bắc Ninh nổi lên như một tay có duyên bậc nhất. Anh này từng kiếm được cả nếp nhà có tới hàng tạ gỗ, thu về bạc tỷ cho mình.
Theo như Mừng, từ khi báo chí đưa tin những vụ việc, các đối tượng liều lĩnh bất chấp pháp luật đã phải trả giá cho việc đốn hạ cây sưa nơi công cộng thì việc đi lùng gỗ sưa càng trở nên khó khăn.
Cây sưa được dân gian gọi là cây quả thối, mọc ở nhiều vùng quê, chính vì thế chủ những ngôi nhà có ''độ tuổi'' khoảng 30 năm trở lên thường sử dụng các loại gỗ do mình trồng được, hoặc mua lại từ bà con hàng xóm.
Nhiều ngôi nhà đã "vô tình" cõng trên mình cả bạc tỷ. Nắm được mánh này, Mừng đã lang thang khắp nơi. Anh tìm đến những ngôi nhà ngói, có phần mái bằng gỗ đã và đang xuống cấp.
"Nhiều lần tôi tìm được các cục gỗ sưa được các cụ "chắp vá" làm con lăn hoặc con kê trên những cột gỗ ở vị trí bắt chéo hình tam giác. Nhiều khi lại kiếm được dăm ba cái đòn tay, cái rui… có khi được cả mấy chục cân ấy. Những cục gỗ sưa kiểu đó chủ yếu là phần lõi, có giá trị cao, đặc biệt chúng đều là sưa đỏ. Có nhà họ có cả thanh xà ngang nguyên khối là một thân cây gỗ sưa" - Anh Mừng chia sẻ.
|
Chỉ cần nhìn qua là họ có thể nhận biết được đây là gỗ sưa. |
Tuy nhiên, việc khó khăn nhất không phải là tiền bỏ ra để mua mà phải thuyết phục được gia chủ sẵn sàng dỡ nhà để bán cục gỗ sưa ấy. Những gia đình chưa có nhu cầu làm nhà mới sẽ rất khó khăn để thuyết phục.
Chính vì thế để sở hữu được những phần mái bằng gỗ sưa, các con buôn này buộc phải trả giá tương xứng với số tiền để họ cất lại một nóc nhà mới. Đặc biệt hơn, nhiều gia đình được các tay săn gỗ sưa đến hỏi han lại thấy hoang mang vì nghĩ ngôi nhà mình có giá trị cao, nhất định không bán. Chính vì thế việc thuyết phục để mua nhà không chỉ đơn giản là một ngày, một tháng mà thậm chí vài năm họ mới đồng ý.
"Có một ông cụ ở xã Thanh Mai, Thanh Oai, Hà Nội, tôi đã phải bám sát cụ gần 10 năm trời. Một lần vô tình đến đó và nghe người dân nói trong làng có ngôi nhà cổ rất đẹp, tôi bèn vào xem. Khi đến nơi, phát hiện cái kèo nhà bằng sưa đỏ, tôi đã hoa mắt vì sung sướng.
Tôi bèn ngỏ ý muốn mua nguyên cái kèo đó nhưng ông cụ nhất mực không cho vợ con dỡ nóc nhà để bán. Tôi đã vã bọt mép thương lượng là sẽ đền toàn bộ phần khung cột bằng gỗ mới. Thế rồi ông cụ mất đi, con trai lớn phá nhà cũ để xây nhà cao tầng nên tôi mới mua được. Lô đó tôi mua và bán lại cho người ta cũng lãi được gần một tỷ chứ chả chơi" - Anh Mừng háo hức kể lại.
Khi chúng tôi hỏi, bằng cách nào mà các thợ săn gỗ sưa lại có thể nhận biết được bởi đa số gỗ được làm vào nhà đều đã cũ và lên nước. Họ đều cười cho rằng, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, nhìn nhiều thành quen.
Họ chỉ cần liếc qua cũng có để định giá được cục gỗ còn đang nằm trên mái nhà. Hoặc cục gỗ đó nặng bao nhiêu cân, phần nào bỏ đi, phần nào dùng được và dùng được vào việc gì. Chính vì thế họ sẽ đưa ra mức giá phù hợp và luôn nắm đằng chuôi. Như câu chuyện của anh Mừng cách đây không lâu, khi anh đến Phú Thọ và vô tình vào nhà ông Nguyễn Thanh Ba.
Vốn là một tay săn gỗ sưa lâu năm nhưng anh Mừng cũng phải giật mình vì gần như toàn bộ phần cột nhà ông Ba đều bằng gỗ sưa. Sau khi tỉ tê nói chuyện, anh Mừng được biết, ngôi nhà được xây dựng khoảng 40 năm trước.
Đời bố ông Ba vốn nghèo, chặt hết xoan, mít ở vườn cũng không đủ làm nhà nên đã xin cây gỗ thối ở đầu làng để thêm gỗ hoàn thiện. Biết đây là mánh béo bở không thể bỏ qua, anh M mạnh dạn trả tất cả phần mái 200 triệu đồng. Thấy số tiền quá lớn, gia đình ông Ba đã đồng ý mà không phải suy nghĩ lâu.
"Vụ đó tôi trúng lớn, bỏ ra có 200 triệu nhưng lại thu về tiền tỷ. Bây giờ thỉnh thoảng tôi vẫn quay lại khu vực đó hỏi dò về nơi cây sưa mà bố ông Ba đã chặt. Nếu xác định được đúng vị trí, tôi sẵn sàng thuê máy xúc, thuê người đào lên bằng được. Núi tiền ở đó chứ ở đâu" - Anh Mừng kể.
|
Những cục gỗ sưa mua lại từ các ngôi nhà cũ được đục chạm khá tinh vi. |
Nhất quyết không mua gỗ sưa ở đình, chùa vì sợ quả báo
Là "ông trùm" trong giới săn gỗ sưa đất Kinh Bắc, có thể thu gom tất cả các nguồn gỗ sưa từ cũ, mới, lớn, bé nhưng anh Nguyễn Văn Hưng 42 tuổi Đồng Kỵ, Bắc Ninh luôn tối kỵ gỗ sưa ở đình chùa. Theo quan điểm của người đàn ông này thì gỗ sưa ở đình chùa dù có bán rẻ đến mấy anh cũng không đụng vào vì sợ quả báo.
14 tuổi, anh Hưng đã theo nghề gỗ, đến nay tuổi mới ngoài 40 nhưng khi nhắc đến tên anh không ai trong giới gỗ sưa là không biết. Bản thân anh cũng có thể kể vanh vách những cái tên trong giới chuyên đi lùng gỗ sưa và những con đường săn tìm, mua và chuyển gỗ sưa về "kinh đô" Bắc Ninh.
Chia sẻ về những "độc chiêu" mua gỗ sưa, anh Hưng cười bảo: "Việc đó kỳ công lắm. Có lần để mua được chiếc kệ thồ hàng bằng gỗ sưa, tôi phải mua cả chiếc xe máy cà tàng của họ. Tất nhiên, việc bỏ số tiền mua chiếc xe máy ấy sẽ chẳng thấm vào đâu so với giá trị thật của cái kệ thồ bằng gỗ sưa kia. Nhưng nếu tự nhiên mình cứ nằng nặc đòi mua cái kệ thồ không thôi người ta sẽ nghi ngay. Người ta mà đi tìm hiểu về khúc gỗ đó thì coi như mình mất cơ hội mua được rẻ rồi".
Vừa nói chuyện với chúng tôi, anh Hưng vừa chỉ vào chiếc kệ thồ hàng để ở trước mặt. Anh bảo: "Đấy, chiến lợi phẩm từ việc thu mua cả cái xe máy cà tàng đấy. Hôm đó tôi vào quán nước nghỉ giải lao thấy một cặp vợ chồng đi buôn rau cũng vào uống nước.
Nhìn tấm gỗ thồ để trên yên xe tôi biết chắc đấy là tấm gỗ sưa. Mặt gỗ rộng chừng 15cm, dài chừng 20cm, dày chừng ba cái bảng học sinh, nhưng vân rất đẹp. Tôi tỷ tê hỏi chuyện, rồi cuối cùng, để mua được cái ghế thồ hàng tôi đã phải rút túi 15 triệu đồng... mua cả chiếc xe máy cũ, với lý do... sưu tầm xe cổ".
|
Bất kể thứ gì bằng gỗ sưa đều được giới săn gỗ mua lại. |
Đầu năm 2014, một ngôi đình ở vùng Hà Tây cũ dỡ mái để đảo lại ngói, rồi nhân thể bán đám vi, kèo bằng gỗ sưa để lấy kinh phí, số tiền bán được cũng hàng tỷ đồng. "Vụ đó, người ta có liên hệ với tôi, nhưng tôi nói của đình của chùa không mua.
Sau này một đồng nghiệp của tôi đã đến mua nhưng rồi sau đó phải lên giải trình với cơ quan công an suốt một thời gian dài. Sau vụ đó tôi lại càng có niềm tin là không nên dính dáng đến đồ trong đình, chùa.
Vài năm trước, cũng ở ngay vùng ấy, tôi cũng mua hụt ba tạ sáu gỗ sưa. Mình trả giá hơn bốn tỷ nhưng người ta đòi cao, tôi không mua nữa. Về sau mới biết, đó là gỗ dỡ từ chùa, liền kề với ngôi đình mà báo chí lúc đó đưa tin rầm rộ. Thế mới biết số mình vẫn đỏ" - anh Hưng kể lại.
Quan niệm kiêng kỵ mua đồ trong đình chùa thì không chỉ riêng anh Hưng mà nhiều người trong giới săn gỗ sưa đều như vậy. Vì thế, kinh nghiệm của những người đi săn gỗ sưa lâu năm thường phải luôn tìm hiểu kỹ nguồn gốc miếng gỗ mà mình sắp mua. Họ thường bảo nhau đừng vì hám rẻ mà rước họa vào thân.
Dẫn chúng tôi đi xem bộ sưu tập gỗ sưa của mình, anh Hưng tự hào bảo: "Vào tay bọn tôi thì một miếng gỗ sưa nhỏ bằng cái bàn chải đánh răng cũng thành sản phẩm, và cũng lên được giá cả triệu đồng. Nếu cô chú có tiền, bọn tôi cũng tìm được cho cô chú cả một bộ... tràng kỷ bằng gỗ sưa nguyên khối".
Trong bộ sưu tập gỗ sưa của anh Hưng, có những món đồ rất cũ như một chiếc tráp của thầy đồ hay một chiếc bảng tính bằng gỗ của các thương nhân thời trước. Đã có nhiều người sẵn sàng bỏ tiền để mua lại những món đồ cũ ấy với giá rất cao nhưng anh Hưng không bán. Anh bảo: "Những thứ này giữ lại mới còn chứ bán đi thì sau này dù có trả tiền nhiều hơn mình cũng mua lại được. Tiền thì quý thật nhưng ngoài việc săn gỗ sưa để bán thì tôi còn có sở thích là sưu tầm những đồ vật cũ được làm từ gỗ sưa để trưng bày và ngắm nghía".
Theo Phong Anh/CAND