Bao nhiêu đại gia chọn ngân hàng thay vì doanh nghiệp "con cưng"?

Google News

Để đáp ứng quy định trong Luật các TCTD mới, nhiều đại gia đã quyết định “dứt áo ra đi” khỏi chính doanh nghiệp con cưng của mình để ở lại đảm nhiệm vai trò điều hành ngân hàng.

Đại gia vàng Đỗ Minh Phú, ông bầu Đỗ Quang Hiển, nữ tướng ngành sữa Thái Hương là 3 trong số nhiều doanh nhân đã lựa chọn ở lại ngân hàng thay vì tiếp tục lãnh đạo doanh nghiệp "con cưng" theo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi có hiệu lực từ ngày 15/1.
Chia tay doanh nghiệp "con cưng"
Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn tới “làn sóng” từ nhiệm khỏi vị trí lãnh đạo doanh nghiệp của các đại gia thời gian vừa qua.
Mới đây, tại ĐHĐCĐ thường niên 2018 của Tập đoàn Masan, ông Hồ Hùng Anh, Phó chủ tịch, thành viên HĐQT Masan đã chính thức nói lời chia tay doanh nghiệp từ ngày 13/4 để duy trì vị trí Chủ tịch HĐQT tại Ngân hàng Techcombank.
Một số đại gia Việt đứng trước lựa chọn theo Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi mới. 
Ông Hồ Hùng Anh chính là nhân vật quyền lực thứ 2 tại tập đoàn này. Ông cũng là cánh tay phải gắn bó với đại gia Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan, từ những ngày còn kinh doanh mỳ gói tại Đông Âu. Sau khi về Việt Nam, 2 vị này đã song hành đưa Masan trở thành doanh nghiệp với vốn hóa gần 100.000 tỷ đồng như hiện nay.
Trước đó, ông bầu Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn T&T, đồng thời là Chủ tịch tại SHB cũng quyết định gắn bó với ngành tài chính thay vì vị trí lãnh đạo tại doanh nghiệp do chính tay mình gây dựng.
Trong một cuộc trò chuyện với người viết, ông Hiển cho biết Tập đoàn T&T là tâm huyết cả đời của ông, từ những ngày đầu mới khởi nghiệp còn đi buôn đồ điện tử, điện lạnh cho tới nay. Vì thế việc đưa ra lựa chọn giữa ngân hàng hay T&T không phải dễ dàng.
Với Tập đoàn T&T, ông Hiển đã gắn bó hơn 25 năm. Với lĩnh vực tài chính, ông bầu nổi tiếng này bước chân vào từ năm 2006, bắt đầu từ Ngân hàng Nông thôn Nhơn Ái. Xuất phát điểm là một ngân hàng với 400 triệu đồng vốn điều lệ và 8 nhân viên, Ngân hàng Nông thôn Nhơn Ái đã đổi tên, thông qua các thương vụ sáp nhập để hình thành SHB hiện nay, với vốn điều lệ 12.000 tỷ đồng và quy mô trong top 5 ngân hàng TMCP tư nhân lớn nhất.
 Ông Đỗ Quang Hiển mới đây đã lựa chọn rời ghế Chủ tịch Tập đoàn T&T để ở lại làm Chủ tịch Ngân hàng SHB. Ảnh: Hoàng Hà.
Nhiều đại gia Việt khác cũng cho biết việc lựa chọn ở lại doanh nghiệp mà họ tự tay gây dựng hay làm lãnh đạo ngân hàng không phải chuyện dễ.
Từng trả lời Zing.vn về việc doanh nghiệp mình đang điều hành có phải là công ty gia đình trị hay không, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Him Lam, khẳng định: “Him Lam không phải là công ty gia đình trị mà là độc trị. Chỉ mình tôi là người quyết định thôi. Và người đứng đầu của Him Lam sau này sẽ là con trai tôi. Trong 10 người cao nhất của Him Lam chỉ có 3 người trong gia đình tôi. Nhưng chủ của Him Lam sau này chỉ có thể là con trai tôi”.
Thế nhưng, sau khi rời ghế Chủ tịch LienVietPostBank để sang làm Chủ tịch Sacombank từ tháng 6/2017, ông Minh lại quyết định lựa chọn từ bỏ vị trí lãnh đạo tại Him Lim để gắn bó với ngành tài chính.
Ông cũng cho biết hiện ông sở hữu 99% cổ phần của Him Lam. Khi ông rời khỏi vị trí này, công ty sẽ thực hiện bầu lại cơ cấu của ban quản trị và dự kiến ông Trần Văn Tĩnh đảm nhiệm chức vụ này thay ông.
 Từng khẳng định quyền lực tuyệt đối tại Him Lam nhưng mới đây ông Dương Công Minh đã quyết định lựa chọn ở lại Sacombank thay vì doanh nghiệp "con cưng".
Điều tương tự cũng xảy ra tại TPBank và BacABank khi cả ông Đỗ Minh Phú và bà Thái Hương đều chấp nhận từ bỏ ghế chủ tịch doanh nghiệp của mình để tiếp tục làm lãnh đạo ngân hàng.
Số ít chọn doanh nghiệp thay vì ngân hàng
Nhiều doanh nhân lựa chọn việc ở lại điều hành ngân hàng nhưng không phải tất cả đại gia đều đưa ra lựa chọn giống nhau.
Mới đây, danh sách HĐQT nhiệm kỳ mới 2018-2023 mà SeABank công bố đã cho biết bà Nguyễn Thị Nga sẽ không còn đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐQT ngân hàng từ ngày 12/4. Thay vào đó, ông Lê Văn Tần, Phó tổng giám đốc phụ trách hoạt động ngân hàng, sẽ được bầu làm chủ tịch và bà Nga sẽ đảm nhiệm vị trí phó chủ tịch thường trực.
Bà Nguyễn Thị Nga cũng chính là nữ doanh nhân quyền lực, bà chủ của Tập đoàn BRG chuyên đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng với hàng loạt sân golf, khách sạn tầm cỡ tại Việt Nam.
 
Trước đó, ông Võ Quốc Thắng, ông bầu có tiếng khác trong giới bóng đá, cho biết sẽ rời vị trí lãnh đạo cao nhất tại Kienlongbank để làm lãnh đạo tại Tập đoàn Đồng Tâm. Theo đó, ông Thắng chỉ làm cố vấn cho HĐQT Kienlongbank trong việc ra các đề án, chiến lược thay vì vai trò lãnh đạo trực tiếp như trước kia.
"Tôi tin tưởng quyết định của mình là hài hòa nhất trong điều kiện hiện nay. Tuy không tiếp tục tham gia quản trị nhưng tôi rất sẵn lòng tư vấn, hỗ trợ, chia sẻ với HĐQT, ban điều hành và cán bộ, nhân viên Kienlongbank", ông Thắng chia sẻ với cổ đông trong cuộc họp mới đây.
Tương tự là trường hợp ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Geleximco, đồng thời là Chủ tịch Ngân hàng ABBank, đã lựa chọn gắn bó với doanh nghiệp thay vì ngân hàng. Tại đây, người thay thế ông nắm giữ vị trí cao nhất tại ABBank là ông Đào Mạnh Kháng. Ông Kháng cũng chính là Trưởng Ban kiểm soát tại Công ty cổ phần chứng khoán An Bình, nơi ông Tiền đang là Chủ tịch.
Tuy không còn đảm nhiệm vai trò lãnh đạo cao nhất tại ABBank, đại gia Tiền vẫn là đại diện cho Geleximco sở hữu hơn 69,1 triệu cổ phiếu, tương đương gần 13% vốn tại ngân hàng này. Cùng với Maybank và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Geleximco là một trong 3 cổ đông chiến lược tại ABBank.
 Ông Võ Quốc Thắng, bà Nguyễn Thị Nga và ông Vũ Văn Tiền là các đại gia đã quyết định từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT ngân hàng.Các đại gia ưu tiên ngân hàng?
Dù Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi đã có hiệu lực từ giữa tháng 1 nhưng đến nay nhiều đại gia thuộc diện phải điều chỉnh vẫn chưa thể đưa ra lựa chọn của mình. Nguyên nhân chủ yếu là các đại gia này phải chờ đến kỳ họp ĐHĐCĐ của cả ngân hàng và doanh nghiệp mới có thể thông qua quyết định từ nhiệm của mình.
Hiện tại, nữ tướng Lê Thị Băng Tâm, Chủ tịch Công ty cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk (VNM) đồng thời là Chủ tịch tại Ngân hàng HDBank, chưa có thông báo về việc lựa chọn ở lại lãnh đạo doanh nghiệp hay ngân hàng.
Đại gia Phương Hữu Việt, ông chủ Tập đoàn Việt Phương, cũng chưa đưa ra lựa chọn của mình với chiếc ghế Chủ tịch NamABank.
Trao đổi với Zing.vn, chủ tịch một ngân hàng TMCP cho biết với điều luật TCTD sửa đổi mới, các đại gia sẽ ưu tiên lựa chọn ngân hàng thay vì doanh nghiệp. Lý do được vị này đưa ra chính là làm lãnh đạo tại doanh nghiệp tư nhân của chính mình rất đơn giản trong khi để có thể tham gia lĩnh vực tài chính, cụ thể là ngân hàng thì lại rất khó.
"Muốn làm ngân hàng, mà lại là lãnh đạo ngân hàng, phải đáp ứng rất nhiều tiêu chuẩn của Ngân hàng Nhà nước cũng như các điều luật. Làm lãnh đạo doanh nghiệp của chính mình không cần cơ quan quản lý phê duyệt nhưng làm lãnh đạo ngân hàng thì phải xin phép ý kiến của cơ quan quản lý, trực tiếp là Ngân hàng Nhà nước", vị lãnh đạo này nói.
Hơn nữa, hầu hết ông chủ đều là người nắm giữ phần lớn vốn doanh nghiệp, nên "dù có không là lãnh đạo cao nhất nhưng tôi vẫn là ông chủ doanh nghiệp" - vị này nói.
Theo Hoàng Thanh/Zing