Thời gian này được xem là thời điểm có sức mua bánh trung thu lên cao nhất. Tuy nhiên, theo khảo sát của pv, tại vỉa hè các tuyến đường Văn Cao (quận Ba Đình), Cầu Giấy, Xuân Thủy, Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy), Thụy Khuê (quận Tây Hồ), Tố Hữu (Nam Từ Liêm), Xã Đàn, Láng Hạ (Đống Đa) – nơi tập trung các quầy kinh doanh bánh trung thu với các thương hiệu nổi tiếng như Kinh Đô, Hữu Nghị, Madame Hương,... không khí mua sắm vẫn "ảm đạm".
Nhiều quầy hàng ven đường treo biển báo với nội dung như: mua 3 tặng 1, giảm giá 10 - 15% giá bán, mua bánh tặng kèm quà như lồng đèn, hộp trưng bày… Dù đã tung ra chương trình hạ giá hấp dẫn, nhưng vẫn chưa thể thu hút được khách hàng. Nhiều nhân viên bán hàng ngồi ngáp dài để chờ khách, cứ vài giờ đồng hồ mới có vài người tới hỏi mua, nhưng cũng chỉ mua số lượng ít từ 2 – 4 bánh.
|
Bánh trung thu vỉa hè có người hỏi mua. |
Một nhân viên bán hàng tại một quầy bánh trên đường Văn Cao (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Năm nay, do ảnh hưởng của mưa bão, lượng khách đến quầy mua trong vài tuần qua thưa thớt, chỉ trong những ngày gần đây thì người đến mua mới đông trở lại, do cũng đã sát Tết Trung thu. Quầy hàng của bên mình cũng có một số chương trình khuyến mãi khi khách mua bánh có thể được tặng kèm lồng đèn trung thu”.
Lý giải về sự ảm đạm của thị trường bánh Trung thu, chị Hoàng Huyền chủ một quầy bánh trên đường Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) cho biết: “Một phần do người dân thắt chặt chi tiêu, họ chỉ mua ít để ăn. Ngoài ra, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 nên không khí Trung thu cũng ảm đạm theo".
Trái ngược với tình cảnh ảm đạm nêu trên, tại các quầy bán bánh truyền thống trên đường Thuỵ Khuê như: Bảo Phương, Tuấn Anh, Tuyết Lan... lại có không ít khách hàng đứng xếp hàng dài, chật kín trên vỉa hè chờ tới lượt mua, làm ùn tắc cả một góc phố. Theo lời của một nhân viên bán hàng tại cơ sở Bảo Phương, những ngày cao điểm, cửa hàng bán ra trên 2.000 chiếc/ngày.
|
Năm nay, các quầy hàng bánh trung thu tại một số tuyến phố lớn không ghi nhận cảnh tấp nập như các năm trước. |
Chị Minh Hòa (quận Ba Đình, TP Hà Nội) – một khách hàng mua bánh cho biết: “Thực ra giờ bánh Trung thu cũng đều ngon cả, muốn mua thì chỉ cần ra đường là có, thậm chí là đặt online, mua hàng thông qua shipper, nên mình cũng thích việc xếp hàng mua một thương hiệu truyền thống, để có không khí trung thu hơn”.
Giá bánh trung thu truyền thống cũng rất đa dạng, tùy thuộc vào thương hiệu, hương vị, chủ yếu dao động từ 40.000 - 80.000 đồng mỗi chiếc (tại Bảo Phương).Hay như tại cửa hàng bánh trung thu truyền thống Đinh Tỵ, giá bánh trung thu giao động từ 170.000 - 350.000 đồng hộp 4 bánh.
Trong khi đó, bánh trung thu handmade, bán qua kênh online có chi phí thấp hơn nhiều so với bánh có thương hiệu. Chỉ cần lướt qua Facebook, hàng loạt lời quảng cáo với mức giá rất hấp dẫn như: Combo 5 bánh có trứng 120g giá chỉ 120.000 đồng, set quà 5 chiếc với 5 vị giá chỉ 150.000 đồng, bánh trung thu hàng “công ty” set 10 chiếc giá 199.000 đồng…
|
Các loại bánh handmade, bán bánh thông qua kênh online, mạng xã hội cũng là một lựa chọn mới, với mức giá “mềm hơn hẳn”. Nhưng người dân cũng nên cẩn thận với chất lượng bánh. |
Tuy nhiên, theo chia sẻ của một chủ quầy hàng bánh trung thu tại Hà Nội cho biết: “Thực tế thì dù có giá rẻ hơn, nhưng không ít bánh trung thu handmade, bánh được bán qua kênh phân phối từ mạng xã hội có thể là bánh trôi nổi, không đảm bảo chất lượng”.
Nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm khi mua hàng ngày Tết Trung thu, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo người tiêu dùng nên lựa chọn các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng; lựa chọn các nhà sản xuất đáp ứng được các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm...
Theo Sơn Hải/Báo Pháp luật VN