Bán nghìn cốc nước ngày nóng, chủ quán ở Hà Nội kiếm 50 triệu đồng/tháng

Google News

Thời tiết nóng nực, ngày cao điểm, chị Lan bán được 1.000 cốc nước giải khát các loại như nước mía, trà đá,... và thu lời từ 1-1,5 triệu đồng/ngày, đủ trang trải cuộc sống cho 3 người ở Hà Nội.

Nghề bán trà đá "hốt bạc", thu nhập cả 50 triệu đồng/tháng dịp hè
11 giờ trưa, nắng tháng 7 nóng như đổ lửa, chị Lại Thị Lan (SN 1980, quê ở Thái Bình) tất bật ép mía, pha trà đá phục vụ khách trong quán nước "tạm bợ" dựng ngay chân cầu ở khu chung cư Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội).
Quán của chị nằm gọn ở một góc vỉa hè trước khu chung cư hàng vạn dân đông đúc, lấy bóng mát từ vài cây cổ thụ và cầu vượt đi bộ vắt ngang đường. Vừa pha trà, thêm đá vào cốc cho một vị khách là tài xế xe ôm công nghệ, chị Lan vừa đon đả tiếp chuyện cặp đôi đến sau.
Phục vụ khách xong xuôi, người phụ nữ 43 tuổi tranh thủ ngả lưng trên chiếc ghế cũ rích, tháo tạm nón lá trên đầu quạt phe phẩy, tận hưởng chút gió giữa trưa hè. Thỉnh thoảng, chị lại lấy tay quệt vội những giọt mồ hôi nhễ nhại trên mặt, nhấp miệng cốc nước đầy đá lạnh vừa kịp tan.
Quán nước vỉa hè của chị Lan.
Quán có vị trí đắc địa với hai "mặt tiền", một là đường lớn, hai là sân chung cư nên luôn đông khách ghé qua.
Chia sẻ với PV Dân trí, chị Lan cho biết đã mở quán nước đến nay được hơn 4 năm. Ngoài các loại nước giải khát chính là trà đá, nước mía, chị còn bán thêm nhân trần, nước ngọt, trà chanh, trà quất,... hay đồ ăn vặt như hướng dương, kẹo lạc,...
"Trước đây tôi có thiết kế cả một xe hàng để bán bánh mì kẹp thịt nhưng lượng khách ít ỏi, có hôm chỉ lác đác được chục người mua nên tôi đành nghỉ. So với bán đồ uống, bán bánh mì chủ yếu được ưa chuộng trong mùa đông nhưng lời chẳng được bao nhiêu. Vào hè, tôi tập trung bán các loại nước giải khát phục vụ khách như nước mía, nhân trần, trà đá,...", chị Lan nói.
Quán nước của chị Lan được dựng lên từ chiếc xe đẩy "đa năng", có máy ép nước mía và quầy bày bán các loại nước giải khát.
Cách đây nhiều năm, chị Lan cùng chồng rời quê lên Hà Nội lập nghiệp. Thời gian đầu khó khăn, người phụ nữ quê Thái Bình phải bươn chải đủ công việc như bán rau, dọn nhà,... còn chồng chị đi làm xe ôm để kiếm sống. Hai vợ chồng phải tằn tiện hết mức để có thể trang trải cuộc sống đắt đỏ và nuôi hai con ăn học tại Thủ đô.
Thấy công việc vất vả, thu nhập lại thấp, vợ chồng chị Lan tính kế tìm chỗ làm mới. May mắn, chị được một người quen giới thiệu cho địa điểm để bán trà đá. Vốn tự lập từ sớm, khéo ăn khéo nói lại nhạy bén kinh doanh nên chẳng mấy chốc, chị Lan "chốt" được "địa bàn", bám trụ nghề "một vốn bốn lời" và có nguồn thu nhập tới 8 con số.
Chồng chị cũng chuyển nghề sang làm trông xe tại bãi giữ ngay cạnh chỗ vợ bán trà đá. Lúc vắng khách, chị hỗ trợ chồng ghi vé xe, thu tiền. Ngược lại, thỉnh thoảng anh cũng chạy sang bưng bê nước, dọn bàn để vợ tranh thủ nghỉ ngơi.
Chị Lan bán trà đá ở đây đã được hơn 4 năm. Lúc vắng khách uống nước, chị lại tranh thủ chạy sang bãi trông xe của chồng ở bên cạnh, vừa hướng dẫn khách gửi ô tô, xe máy, vừa thu vé hay trả tiền thừa.
Có khách gọi, chị lại tất bật pha trà, thêm đá lạnh.
Quán nước của chị Lan nằm ở vị trí đắc địa, trước khu dân cư hàng vạn dân, hướng ra mặt đường và khoảng sân chung rộng nên đông khách. Quán mở cửa từ 8 giờ sáng đến 10 giờ tối, có hôm muộn hơn.
Chị Lan cho biết, thời điểm đông khách nhất là khoảng chiều tối, lúc mọi người tan làm về. Còn buổi sáng thì vắng. Khách hàng của chị chủ yếu là người lao động, xe ôm, tài xế công nghệ,... và cư dân địa phương.
Tại quán nước này, một cốc trà đá hoặc nhân trần được bán với giá 3.000 đồng, nước mía 10.000 đồng/cốc. Còn hướng dương giá 12.000 - 13.000 đồng/đĩa. Ngoài ra, chị còn bán thêm nước ngọt, trà chanh, thuốc lá,...
Cốc trà đá có giá 3.000 đồng và đĩa hướng dương 12.000 đồng, đủ để khách giải tỏa cơn khát giữa thời tiết nắng nóng.
Mùa hè, thời tiết nóng nực, lượng khách tới quán uống nước rất đông. Ngày cao điểm, chị Lan bán hết 7 bó mía (khoảng 70 cây), mỗi cây ép được 4 cốc nước, thu lời hơn 1,5 triệu đồng. Riêng trà đá, chị cũng bán được 300-500 cốc, lãi hàng trăm nghìn đồng/ngày.
Trung bình dịp hè, người phụ nữ này có thể kiếm được 45 - 50 triệu đồng/tháng từ công việc bán các loại nước giải khát. Ngoài ra, thêm tiền từ nghề trông xe của chồng, chị có tổng thu nhập mỗi tháng gần 58 triệu đồng.
"Tôi hài lòng với mức thu nhập có được từ nghề bán trà đá. Số tiền này khá ổn, đảm bảo trang trải cho cuộc sống của gia đình 3 người giữa lòng Thủ đô. Tuy không cần đầu tư lớn, không đòi hỏi chất xám cao nhưng công việc này khá vất vả, không dễ để kiếm được tiền triệu/ngày.
Trừ toàn bộ chi phí mua sắm nguyên liệu, tiền điện nước, thuê mặt bằng, tôi cũng thu lời được gần 50 triệu đồng mỗi tháng", chị Lan chia sẻ.
Khách hàng đến quán nước chủ yếu là cư dân xung quanh và người lao động như tài xế công nghệ, xe ôm, thợ bốc vác,...
Anh Trần Long (29 tuổi, quê Hải Phòng) làm nghề xe ôm công nghệ khách quen của quán cho biết, có ngày nắng nóng, anh phải vào quán trà đá này "giải khát" 2-3 lần để tiếp sức.
Thông thường, Long sẽ uống trà đá hoặc nhân trần để giải tỏa cơn khát và giữ tinh thần tỉnh táo. Hôm nào "sang" hơn, chàng tài xế công nghệ gọi thêm cốc chè dừa dầm hay chai nước ngọt giải nhiệt.
"Làm việc dưới thời tiết nắng nóng như vậy thì chỉ cần một cốc nước mát lạnh cũng đủ xua tan mệt mỏi. Mỗi cốc trà chỉ 3.000 đồng, mình uống vài cốc/ngày không quá tốn. Khi nào mệt quá, mình mới ăn thêm bánh mì, bánh ngọt hay cốc chè dừa dầm cho thỏa cơn đói thôi", Long cho hay.
Ngoài đối tượng đến quán uống nước là những người lao động có thu nhập thấp, chị Lan cũng không ngần ngại tiếp đón một số "vị khách" đặc biệt, hoàn cảnh khó khăn như người ăn xin, người nhặt ve chai,...
"Thỉnh thoảng vẫn có những người ăn xin, lang thang cơ nhỡ hay người nhặt ve chai ghé qua đây để uống nước. Tôi sẵn sàng mời họ uống miễn phí, dù là cốc trà hay chai nước ngọt,... Quán là nơi mưu sinh của vợ chồng tôi nhưng cũng có thể trở thành chốn tiếp sức cho người có hoàn cảnh khốn khó", chị Lan bộc bạch.
Nhọc nhằn nghề "một vốn bốn lời" giữa thời bão giá
Dù tiết lộ thu nhập từ nghề bán trà đá có thể lên đến cả 50 triệu đồng mỗi tháng nhưng chị Lan khẳng định công việc "một vốn bốn lời" này cũng bấp bênh. Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát và kéo dài suốt hai năm, chị phải nghỉ bán, làm tạm bợ một số việc khác để kiếm kế sinh nhai.
"Nói là hơn 4 năm nhưng thực tế, tôi chỉ bán được suốt năm 2018. Năm 2019 thì có tháng bán vài ngày, có tháng bán được hai tuần lại nghỉ. Sau đó thì dịch bệnh phức tạp, mãi tới đầu năm 2022, tôi mới tiếp tục mở lại hàng.
Ngày nắng thì không sao nhưng ngày mưa coi như nghỉ bán. Tôi có dựng mấy chiếc ô loại to để che chắn nhưng không ăn thua, đa phần thấy mưa lại phải dọn hàng hết", người phụ nữ 43 tuổi nói.
Hiện vợ chồng chị Lan đang sinh sống cùng người con trai út năm nay học lớp 9 trong một căn nhà thuê ở đường Huỳnh Cung (huyện Thanh Trì, Hà Nội), còn con gái lớn vừa lấy chồng.
Mỗi tháng, chị phải trả 3,5 triệu đồng tiền nhà, 8 triệu đồng chi phí thuê mặt bằng cho bãi trông xe; riêng tiền mua mía, đá lạnh, nước lọc, trà,... cũng rơi vào khoảng 400.000-500.000 đồng/ngày.
Vì hai vợ chồng đi làm từ sáng đến tối nên mỗi bữa ăn đều giản đơn, chủ yếu là bánh mì, cơm bụi hoặc sang hơn thành bát phở, bát bún riêu,...
"Tiền ăn của gia đình tôi rơi vào khoảng 4-5 triệu đồng/tháng, cũng khó tính được chính xác vì hôm ít hôm nhiều. Có ngày đông khách, tôi chẳng kịp ăn sáng hay trưa, chỉ lót dạ mỗi bữa tối", chị kể.
Người phụ nữ này ước tính, mỗi tháng, trừ những chi phí cố định như tiền mặt bằng, tiền thuê nhà, tiền ăn, tiền điện nước và các khoản phát sinh như học phí của con, xăng xe, mua sắm thiết bị,... vợ chồng chị tiết kiệm được khoảng 10 triệu đồng.
Dù đạt mức thu nhập nhiều người mơ ước nhưng chị Lan khẳng định, bán trà đá không hẳn "việc nhẹ lương cao".
"Kiếm được đồng tiền không dễ, vợ chồng tôi phải dầm mưa dãi nắng suốt cả ngày. Những ngày Hà Nội nắng nóng đỉnh điểm, ngồi bán trà đá vỉa hè chẳng khác gì đặt mình cạnh lò thiêu. Dù có căng ô che bạt cũng chẳng đỡ hơn được mấy. Còn lúc trời mưa lại ế khách, chạy dọn hàng, không may dính mưa lại phát ốm. Mà tôi mệt cũng cố làm, không dám nghỉ vì sợ quán đóng cửa, khách lại tìm nơi khác uống trà, lâu ngày dễ mất khách lắm", bà mẹ hai con giãi bày.
Thời điểm bão giá, nhiều mặt hàng đều tăng "phi mã", chị Lan vẫn giữ nguyên giá các loại đồ uống, chấp nhận thu lời ít với mong muốn "người khó khăn đến quán cũng có thể uống nước mía hay trà".
"Nhiều người lao động nghèo, thu nhập thấp vốn đã khó khăn nay lại thêm khốn khổ vì bão giá. Dù gia đình tôi không chịu nhiều ảnh hưởng bởi vấn đề này do vẫn duy trì lối sống tiết kiệm, hợp lý từ trước đến nay nhưng tôi hy vọng có thể san sẻ với họ phần nào, kể cả là cốc trà 3.000 đồng hay chai nước ngọt 15.000 đồng.
Tôi cũng mong hai vợ chồng có đủ sức khỏe, không ốm đau để tiếp tục công việc, vừa kiếm tiền trang trải cuộc sống ở Hà Nội, vừa có khoản tích lũy phòng thân", chị Lan bày tỏ.
Theo Khải Anh/Dân Trí