Bán hàng tự phát quanh chợ đầu mối, vì sao khó dẹp?

Google News

Tình trạng bán hàng tự phát, không phép xung quanh các chợ đầu mối trên địa bàn TP HCM diễn ra ngày càng nghiêm trọng.

Đêm 8/8 rạng sáng 9/8, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP HCM cùng các sở, ngành TP HCM đã có buổi khảo sát về quản lý an toàn thực phẩm tại chợ đầu mối Bình Điền.
Không có giấy phép nên không quản lý được?!
Báo cáo với đoàn khảo sát, ông Nguyễn Đăng Phú, Phó Giám đốc Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền, cho biết Bình Điền là chợ đầu mối nông sản thực phẩm quy mô lớn nhất TP HCM, cung cấp đến 35% lượng thịt gia súc cho TP HCM, 70% lượng thủy hải sản cho TP HCM và các vùng phụ cận. Sáu tháng đầu năm 2024, trung bình mỗi ngày có khoảng 2.500 tấn hàng về chợ, trị giá hàng hóa luân chuyển bình quân khoảng 150 tỉ đồng/ngày.
Sáu tháng đầu năm 2024, công ty đã tổ chức lấy 913 mẫu kiểm tra nhanh các chỉ tiêu hàn the, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, phẩm màu, chất tẩy trắng, formol, chưa phát hiện vi phạm.
Theo ông Phú, hàng hóa nhập chợ đều có nguồn gốc rõ ràng. "Tuy nhiên, lo ngại lớn nhất là tình trạng buôn bán trái phép trên tuyến đường Nguyễn Văn Linh - Quản Trọng Linh chưa được giải tỏa triệt để, hàng hóa kinh doanh ở những nơi này không rõ nguồn gốc xuất xứ, không tuân thủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường…" - ông Phú nói và cho biết từ sau dịch COVID-19 đến nay, tình trạng này ngày càng nghiêm trọng hơn.
Báo cáo từ UBND quận 8 và huyện Bình Chánh cho thấy trên tuyến đường Quản Trọng Linh dẫn vào chợ đầu mối Bình Điền đang có 132 điểm kinh doanh nông sản thực phẩm, trong đó chỉ 59 điểm có giấy phép kinh doanh, còn lại 73 điểm không phép, tồn tại và hoạt động thường xuyên từ năm này qua năm khác.
Các điểm bán này hằng ngày tập kết hàng hóa từ các tỉnh về, tổ chức bán buôn/bán lẻ, không chỉ gây khó khăn cho việc kiểm soát chất lượng hàng hóa cung ứng ra thị trường mà còn ảnh hưởng đến lưu thông, nguy cơ mất an ninh trật tự, an toàn giao thông trước cổng chợ. Đặc biệt, buôn bán trái phép trước cổng chợ còn ảnh hưởng rất lớn đến sức mua bán của chợ Bình Điền và việc kinh doanh hợp pháp của thương nhân trong chợ.
Ban hang tu phat quanh cho dau moi, vi sao kho dep?
Đường Quản Trọng Linh ngày thường bị lấn chiếm, bán tràn ra gần nửa đường, chỉ gọn gàng, sạch sẽ mỗi khi có các đoàn đến khảo sát chợ Bình Điền. 
Điều đáng nói, theo ông Lê Minh Hải, Phó Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP HCM, do các điểm kinh doanh không có giấy phép nên không chịu sự kiểm tra, quản lý về an toàn thực phẩm.
Vấn đề nhức nhối cần giải quyết
Đã đi khảo sát thực tế tại các chợ đầu mối trong nhiều năm, chứng kiến tình trạng buôn bán tự phát ngày càng phức tạp, ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP HCM, chỉ rõ trách nhiệm xử lý các trường hợp vi phạm thuộc chính quyền địa phương. "Lần nào chính quyền địa phương cũng hứa sẽ quyết liệt xử lý, lần này cũng vậy. Chính quyền địa phương không chịu làm hay không đủ năng lực làm?" - ông Bình đặt vấn đề.
Ông Bình cho rằng chợ đầu mối phải an toàn thực phẩm thì các chợ bán lẻ trong thành phố mới bảo đảm được. Muốn vậy, nguồn hàng nhập vào chợ phải được kiểm soát chặt chẽ, hàng ra khỏi chợ phải bảo đảm an toàn thực phẩm. "Chúng ta đang bỏ ngỏ vấn đề an toàn thực phẩm tại 73 điểm này. Lượng hàng từ các điểm này đưa vào nội thành, các chợ… thì sức khỏe người dân sẽ như thế nào?" - ông Bình lo ngại.
Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP HCM cũng nêu tình trạng bán hàng tự phát, không phép xung quanh chợ đầu mối không chỉ xảy ra ở chợ Bình Điền mà xung quanh chợ đầu mối Thủ Đức, Hóc Môn cũng rất nhức nhối. Tuy nhiên, nếu như cả thành phố tập trung làm thì chắc chắn sẽ giải quyết được. "Đoạn đường Quản Trọng Linh rất ngắn, chính quyền địa phương không cần phải bố trí lực lượng túc trực 24/24 giờ để xử lý mà có thể phối hợp với công an gắn bảng cấm dừng đỗ, gắn camera để trích xuất hình ảnh, phạt nguội, thu gom hàng hóa lấn chiếm lòng lề đường…" - ông Bình đề xuất giải pháp.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, thống nhất cao với gợi ý của ông Cao Thanh Bình về các giải pháp xử lý dứt điểm tình trạng buôn bán tự phát xung quanh chợ đầu mối. Bởi việc đẩy đuổi, chốt chặn, xử lý buôn bán tự phát, không phép thời gian qua như "bắt cóc bỏ dĩa". "Gợi ý của ông Bình rất khả thi vì nếu chặn được đường đi của hàng hóa, không cho hàng hóa dừng đổ để xuống hàng tại các điểm kinh doanh trái phép, các điểm này sẽ không thể có hàng để bán" - ông Phương diễn giải thêm.
Dưới góc nhìn của cơ quan quản lý ngành thương mại, ông Phương cho rằng cần quản lý được an toàn thực phẩm tại 3 chợ đầu mối, kết hợp với truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm một cách bài bản thay vì để hàng hóa tỏa về chợ lẻ, bếp ăn rồi mới kiểm tra, xử lý. 
"Theo chỉ đạo của UBND TP HCM, Sở Công Thương có giải pháp xây dựng mô hình chợ thích ứng với dịch bệnh và chuyển đổi số. Trên cơ sở Nghị định 60/2024 về phát triển và quản lý (thay thế Nghị định 02/2003 đã quá lạc hậu), Sở Công Thương đang gấp rút chuẩn bị để hướng dẫn 3 chợ đầu mối điều chỉnh nội quy chợ. 
Nếu kinh doanh tự phát xung quanh chợ đầu mối vẫn tồn tại thì mô hình nào để quản lý an toàn thực phẩm ở chợ đầu mối cũng vô nghĩa, vì tiểu thương trong chợ sẽ chạy ra buôn bán bên ngoài để không bị quản lý. Vì vậy, phải dẹp được buôn bán tự phát, tất cả nguồn hàng cho chợ truyền thống tập trung về chợ đầu mối thì mới quản lý hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu của thực tế cuộc sống" - ông Phương nói thêm.
Ở góc độ địa phương, đại diện UBND xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh cho biết vừa qua, huyện Bình Chánh đã triển khai cao điểm xử lý xe lôi, xe kéo buôn bán lấn chiếm lòng lề đường trên địa bàn. Tuy nhiên, để giảm thiểu tình trạng buôn bán trái phép quanh chợ đầu mối, xã An Phú Tây kiến nghị Trạm Cảnh sát giao thông Tân Túc (thuộc Công an huyện Bình Chánh) nghiên cứu lập chốt giao thông trực 24/24 giờ để xử lý tình trạng xe lôi, xe tự chế, xe máy chạy ngược chiều… 

Chưa kiểm soát được nguồn cung ứng:

Theo ông Lê Minh Hải, lượng hàng hóa 3 chợ đầu mối luân chuyển và cung ứng cho TP HCM hằng ngày rất lớn, chiếm đến 70% nhu cầu tiêu dùng của thành phố. Tuy nhiên, thành phố hiện chưa kiểm soát được nguồn cung ứng ban đầu cho chợ đầu mối. "Làm sao giám sát được chất lượng nguồn nông - lâm - thủy sản từ giai đoạn sản xuất ban đầu (con giống, trồng/nuôi đến khi thành thực phẩm). Còn về công tác kiểm soát an toàn thực phẩm tại chợ đầu mối, Sở An toàn thực phẩm sẽ quyết liệt triển khai và phối hợp với công ty quản lý chợ thực hiện" - Phó Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP HCM khẳng định.


Theo NLD