Ba tháng nghỉ dịch, chủ tiệm bánh bất lực nhìn sổ tiết kiệm cạn dần

Google News

Dù cố giữ tinh thần lạc quan nhưng đôi khi, người đàn ông này vẫn lo lắng đến mất ăn mất ngủ. Bởi, nếu dịch bệnh kéo dài thì không biết lấy đâu ra tiền để sinh hoạt hàng ngày, khi cả hai vợ chồng đều thất nghiệp.

Đó là hoàn cảnh của vợ chồng anh Trần Văn Khoa ở xã Hoàng Nam, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Anh Khoa kết hôn với chị Thủy (quê Thái Bình) được 8 năm nay và có hai con nhỏ (7 tuổi và 4 tuổi). 

Do hai vợ chồng chỉ học trung cấp và cao đẳng nghề, gia đình cả hai bên lại chỉ làm ruộng nên sau khi cưới 2 năm, vợ chồng anh Khoa lên Hà Nội thuê trọ, tìm việc làm. 

Thời gian đầu, vợ chồng anh thuê một căn phòng 15m2 ở xóm Độc Lập, Vạn Phúc, Hà Đông để ở với giá 2 triệu đồng/tháng. Sau đó, anh chị gửi con đi trẻ để tìm việc. Chị Thủy xin làm công nhân một nhà máy nhựa, lương tháng chỉ 6,5 triệu đồng. Còn anh Khoa làm nhân viên một siêu thị điện máy, lương tháng 7 triệu đồng. Tổng thu nhập hai vợ chồng trẻ khoảng 13,5 triệu đồng/tháng.

Ba thang nghi dich, chu tiem banh bat luc nhin so tiet kiem can dan

Sau 1 năm mở bán mới trả hết nợ, tiệm bánh vừa có lãi thì dịch bệnh ập đến

Với thu nhập ít ỏi như vậy, suốt 4 năm mưu sinh trên Hà Nội, mỗi tháng vợ chồng anh Khoa có đồng nào tiêu hết đồng ấy. “Hàng tháng tiền thuê nhà đã hết 2 triệu, thêm 1 triệu tiền điện, nước, gas. Ngoài ra, tiền cho hai con đi lớp, mỗi tháng hết khoảng 3 triệu đồng. Chưa kể tiền ăn uống gia đình 4 người hết tầm 6 triệu đồng. Ngoài ra là tiền xăng xe, ma chay hiếu hỉ, bỉm sữa cho con hết khoảng 1,5 triệu nữa”, anh liệt kê.

Anh kể, nhiều tháng có những khoản phát sinh, vợ chồng anh phải vay mượn để chi tiêu. Thấy cuộc sống như vậy mãi không ổn, hai năm trước, anh chị bàn nhau nghỉ việc, thuê mặt bằng nhỏ mở một tiệm bánh ngọt.

Nghĩ là làm, vợ anh vừa đi làm, buổi tối vừa tranh thủ đi học làm bánh, phụ cho một cửa hàng bánh ngọt lớn trên phố trong vòng 9 tháng để lấy kinh nghiệm. Khi đã biết, chị Thủy tự làm bánh rồi bán túc tắc trên facebook vào cuối tuần. Còn anh Khoa thì khảo sát địa điểm rồi thuê một nhà cấp 4, gần trường làng với diện tích 28m2.

Sau gần 1 năm, anh chị quyết định mở tiệm bánh. Để có vốn đầu tư, vợ chồng anh vay người thân mỗi người một ít. Tổng cộng, họ vay được 100 triệu đồng, tiền vợ học thêm 1 lớp trang trí mất thêm 15 triệu, tiền thuê nhà 6 tháng hết 42 triệu và chi tiêu tằn tiện trong vòng hai tháng đầu hết khoảng 10 triệu đồng. Còn 33 triệu, anh chị đầu tư vào thiết bị, nguyên liệu làm bánh.

Khi đó, hai vợ chồng chính thức nghỉ việc, ở nhà làm bánh. Anh Khoa phụ giúp vợ và làm người trông coi bán hàng, chở hàng, ship hàng. Cũng may, do gần trường tiểu học lại đông dân cư trong làng và gần mấy tòa chung cư nên tiệm bánh nhỏ nhà anh khá đông khách.

Ba thang nghi dich, chu tiem banh bat luc nhin so tiet kiem can dan-Hinh-2

Ngoài làm bánh ngọt, anh chị còn làm bánh bao để bán ăn sáng

Thu nhập của tiệm bánh mỗi tháng tăng lên từ 15, 20 đến 30 triệu đồng, sau khi trừ nguyên liệu. Số tiền này đủ giúp anh Khoa trả tiền thuê nhà, duy trì cuộc sống và để dư ra được khoảng 10 triệu/tháng trả nợ.

Nhờ đó, trong năm đầu kinh doanh, vợ chồng anh Khoa để ra được khoảng 80 triệu đồng trả nợ, còn thiếu 20 triệu. Sang năm thứ hai, nhờ khách đông, bánh làm nhiều hơn nên cho thu lãi khoảng 35 triệu đồng. Mỗi tháng, vợ chồng anh để dành được 15 triệu đồng, tổng 6 tháng là 90 triệu. 

Tuy nhiên, suốt ba tháng nay, kể từ khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại Hà Nội, do giãn cách xã hội, trường học đóng cửa, vợ chồng anh phải đóng cửa hàng sớm. Họ chính thức rơi vào cảnh thất nghiệp. Trong khi tiền thuê nhà, tiền chi tiêu gia đình, tiền gửi về quê hỗ trợ bố mẹ nội ngoại đã ngốn gần hết số tiền tiết kiệm ít ỏi dành dụm được 2 năm qua.

“Ngoài 20 triệu trả nợ tiền vay mở cửa hàng, thấy quê nội Nam Định và quê ngoại Thái Bình cũng bị dịch bệnh nên vợ chồng tôi gửi về biếu bố mẹ hai bên 10 triệu đồng. Còn 60 triệu để cả nhà chi tiêu sinh hoạt, trả tiền trọ và đóng tiền đầu năm học cho các con. Tới nay, sau 3 tháng cách ly, vợ chồng tôi chỉ còn khoảng 10 triệu đồng”, anh Khoa nói.

Hàng ngày, nhìn số tiền tiết kiệm cứ vơi dần, anh Khoa không khỏi lo lắng. Vợ chồng anh đành nghĩ tới phương án hỏi vay người quen, bạn bè để cầm cự nếu dịch bệnh chưa được kiểm soát, khu vực anh chị ở vẫn giãn cách xã hội.

Những ngày này, vợ chồng anh động viên nhau cùng cố gắng cầm cự. Anh Khoa kỳ vọng, sắp tới hết giãn cách, các trường học mở cửa trở lại, tiệm bánh nhà anh sẽ đông khách và có thu nhập. Anh chị đang mở bán mang về, bán online và miễn phí vận chuyển quanh bán kính 5km, được đồng nào hay đồng ấy.

Theo Thảo Nguyên/ Vietnamnet