Bà Thái Hương được nhận Giải thưởng vì ghi dấu ấn là lãnh đạo doanh nghiệp nổi bật, có thành tích xuất sắc và đổi mới tại Việt Nam.
Người kiến tạo “con đường sữa tươi sạch”
Khi tới thẩm định năng lực doanh nghiệp và phỏng vấn doanh nhân được đề cử, đại diện của Enterprise Asia đã rất ấn tượng bởi sự mạnh mẽ của bà. Bà Thái Hương thường truyền cảm hứng cho người bà trò chuyện, bởi tấm lòng sôi nổi nhiệt huyết “thấy chuyện bất bằng chẳng tha”. Và câu chuyện khởi đầu, bà thường nhắc tới nhân duyên của bà với ngành sữa…
|
Chân dung bà Thái Hương. |
Năm 2008 đứng trước thực trạng Việt Nam nhập khẩu tới 92% sữa bột - chủ yếu là sữa bột từ thị trường Trung Quốc về pha lại, trong khi đó ngành sữa Trung Quốc cũng đang rúng động bởi thông tin sữa nhiễm melamine khiến nhiều trẻ em mắc bệnh thận, bà đã đau thắt trái tim mình. Đó là đỉnh điểm để bà có một quyết định đầy táo bạo, đầy dũng cảm: làm sữa ngay trên đồng đất quê hương mình để mọi trẻ em Việt Nam được uống dòng sữa tươi sạch.
Trang trại TH bắt đầu khởi dựng từ năm 2009, chỉ sau 6 năm, tập đoàn TH đã có đàn bò sữa quy mô 45.000 con, được xác nhận Kỷ lục Trang trại chăn nuôi bò sữa công nghệ cao quy mô lớn nhất Châu Á và đạt được nhiều thành công nhất định. Đến nay, TH đã chiếm tới hơn 40% thị phần sữa tươi sạch tại Việt Nam, góp phần thay đổi bản chất ngành sữa Việt Nam.
Điểm nhấn của Dự án chính là chữ “tươi”, “sạch” mà bà gây dựng. Chữ “tươi” khó vì Việt Nam tuy nhiều đất đai nhưng thời tiết, khí hậu nóng ẩm, khó chăn nuôi bò sữa, đồng thời chăn nuôi bò sữa ở Việt Nam còn rất manh mún nên khó cạnh tranh. Bà Thái Hương đã trăn trở trước những câu hỏi: tại sao các nước như Thái Lan, Hà Lan, Mỹ, Israel… họ cũng sản xuất nông nghiệp nhưng họ có năng suất cao, chất lượng tốt, hàng hóa tiêu thụ nhiều với giá rất cạnh tranh?
Câu trả lời bà tìm thấy là: Họ tập trung sản xuất theo qui mô lớn, tập trung, áp dụng khoa học kỹ thuật và khoa học quản lý vào quá trình sản xuất và tiêu thụ một cách triệt để từ khâu đầu đến khâu cuối, tận dụng tối đa lợi thế họ có để trở thành lợi thế cạnh tranh và phát triển vì thế họ mới có được những thành công.
Bà Thái Hương khẳng định: “Việt Nam có lợi thế hơn nhiều về đất đai, nhân lực, nếu chúng ta nắm được công nghệ, chúng ta sẽ đi đầu”. Bởi vậy, chiến lược của bà là sử dụng tài nguyên thiên nhiên Việt, trí tuệ Việt và công nghệ đầu cuối của thế giới để sản xuất sữa. Chiến lược đó đã có hiệu quả rõ rệt tại Dự án bò sữa của bà ở Nghệ An, TH nuôi được bò sữa ở vùng nóng ẩm, cho ra những sản phẩm sữa tốt nhất thế giới.
|
Bà Thái Hương tham gia tọa đàm tại tuần lễ cấp cao APEC 2017 với chủ đề phát triển bền vững.
|
Từ thành công của Dự án sữa Nghệ An, tập đoàn TH tiếp tục khảo sát, nghiên cứu xây dựng trang trại bò sữa, nhà máy chế biến sữa. Hà Giang là địa bàn trọng điểm được tâp đoàn lựa chọn đầu tư chuỗi sản xuất tương tự ở Nghệ An. Ngày 27/11 vừa qua, người phụ nữ nhỏ bé này cùng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các đại diện các Bộ ngành, UBND tỉnh Hà Giang đã xúc những xẻng đất đầu tiên động thổ Dự án.
Sau Nghệ An, Hà Giang, tập đoàn TH tiếp tục đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi bò sữa tại tỉnh Thanh Hóa (20.000 con), Phú Yên (20.000 con) và Sóc Trăng (10.000 con). Đặc biệt, năm 2016, bà đã triển khai “siêu Dự án” chăn nuôi bò sữa, chế biến sữa và các Dự án thực phẩm tại Liên bang Nga với vốn đầu tư 2,7 tỷ USD.
Như vậy trong tương lai gần, các trang trại bò sữa của TH sẽ hình thành tại nhiều vùng kinh tế của Việt Nam giúp tiếp cận nhanh thị trường trong nước, bù đắp cho lượng sữa phải nhập ngoại và bắt đầu tiến trình “đưa ly sữa Việt Nam ra thế giới” với dấu mốc đầu tiên là Liên bang Nga.
Không biến đổi tự nhiên
Sau bò sữa, Tập đoàn TH tiến tới làm kinh tế dưới tán rừng, xây dựng các trang trại thảo dược và bảo tồn, khai thác những loại thảo dược tốt nhất để phục vụ con người.
Bà khẳng định: “Các dự án sữa và thực phẩm của chúng tôi nhất định sẽ thành công bởi còn dựa trên yếu tố nhân văn nhất của thương hiệu đó là sự chia sẻ, sự tử tế và vì sức khỏe cộng đồng”.
|
Bà Thái Hương và Thủ tướng Chính phủ Việt Nam- Ngài Nguyễn Xuân Phúc làm nghi lễ động thổ Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao tại Hà Giang. |
Hiện tại, ngoài Dự án Sữa, tập đoàn TH đang vận hành các trang trại dược liệu, rau củ quả sạch tại Nghệ An; đang bắt tay kiến tạo Dự án gạo sạch, rau sạch ở Thái Bình, các trang trại dược liệu ở những vùng khó khăn nhất của Việt Nam như Hà Giang, Sơn La, Điện Biên…
Bà Thái Hương gọi đó là tiến trình kiến tạo hệ sinh thái thực phẩm hữu cơ. Con đường của bà đi theo lộ trình khá rõ ràng và có kế hoạch bài bản. “Người đàn bà sữa tươi” hiện đang nhắm tới một số sản phẩm: Sữa và các sản phẩm từ sữa kết hợp với các cây thảo dược Việt Nam; Nhóm Dược liệu quý hiếm Việt Nam trồng tại Hà Giang, Yên Bái…; Các giống gạo có chất lượng và hàm lượng dinh dưỡng được đánh giá cao hơn gạo Nhật (như gạo Nang Oi-Mường Lống, nếp Rồng-Đô Lương, Nghệ An); Lạc; Vừng; Bơ; Sơn tra.
Để phát triển bền vững, bà khẳng định Tập đoàn TH không đi theo hướng áp dụng công nghệ biến đổi gen, sử dụng hóa chất để “ép” cây, “ép” đất cung cấp thực phẩm cho con người. Cách làm của TH là phát huy tối đa các giá trị giống cây bản địa, giữ nguyên những gì sáng tạo của Mẹ thiên nhiên, tôn trọng những quy luật tự nhiên chứ không cưỡng chế tự nhiên, không biến đổi tự nhiên (như cách thức biến đổi gen) bởi theo bà, bảo vệ thiên nhiên chính là bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.
|
Con chip Afitag- bí quyết quản trị đàn bò của TH. |
|
Đàn bò sữa hữu cơ- mô hình thể hiện quyết tâm kiến tạo hệ sinh thái thực phẩm sạch, hữu cơ của bà Thái Hương, khởi đầu là rau củ quả, thảo dược và sữa. |
Trong ngành sữa, bà Thái Hương là người được đánh giá có “tư duy vượt trội” khi đã áp dụng các công nghệ tự động hóa để làm trang trại, chăn nuôi bò sữa từ năm 2009. Nhiều người hỏi bà, điều đó có mâu thuẫn gì với việc bảo tồn, gìn giữ thiên nhiên?
Bà trả lời dứt khoát: “Trong thời đại khoa học này, có rất nhiều thứ chúng ta có thể áp dụng công nghệ nhưng trong thực phẩm, trong thức ăn, nước uống của con người thì phải tôn trọng thiên nhiên, sử dụng những gì mẹ thiên nhiên ban tặng. Lúc này khoa học công nghệ chỉ là giải pháp để chúng ta đảm bảo năng suất, sản lượng, kiểm soát chất lượng.
Quan điểm này chính là quan điểm xuyên suốt của một “người nội trợ tử tế”. Bà trải lòng, trong bất kỳ công việc nào và ánh sáng nhân văn của thương hiệu sẽ dẫn lối. Nếu chúng ta cùng định vị thương hiệu “Vì sức khỏe cộng đồng” trong tất cả các sản phẩm thì trong bất kỳ hoàn cảnh nào chúng ta đều thành công”.
Đây là lần đầu tiên Giải thưởng được bình chọn tại Việt Nam bởi Enterprise Asia. Giải thưởng Doanh nhân Châu Á là giải thưởng doanh nhân uy tín hàng đầu của khu vực Châu Á Thái Bình Dương với mục tiêu ghi nhận, kết nối các doanh nhân hàng đầu trong khu vực để tạo ra sự đổi mới, công bằng và phát triển kinh doanh.
Trước đó, Giải thưởng này được tổ chức hàng năm, trao tặng cho các doanh nhân xuất sắc nhất trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương tại 13 quốc gia. Chương trình này không chỉ mang đến cho doanh nhân cơ hội duy nhất để trở thành thành viên chính thức của Enterprise Asia, mà còn mở ra cánh cửa giao lưu kinh doanh rộng lớn cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam trên toàn Châu Á Thái Bình Dương.
Tiến trình đánh giá, bình chọn được tiến hành qua các bước: doanh nghiệp được kiểm toán tài chính bởi một công ty kiểm toán độc lập, đánh giá dữ liệu doanh nghiệp và năng lực lãnh đạo liên tục trong nhiều năm, phỏng vấn doanh nhân tại trụ sở, và cuối cùng là được bầu chọn bởi Hội đồng Đánh giá quốc tế của Enterprise Asia.
Thảo Nguyên