Bà Dương Thị Bạch Diệp bị đề nghị án chung thân: Từ đại gia tới "xộ khám"

Google News

Trước khi vướng vòng lao lý và bị đề nghị án tù chung thân, bà Dương Thị Bạch Diệp là một trong những đại gia bất động sản có tiếng tại TP.HCM.

Sáng 17/11, phiên toà xét xử các bị cáo có sai phạm trong việc hoán đổi nhà đất số 57 Cao Thắng lấy đất nhà nước số 185 Hai Bà Trưng (TP Hồ Chí Minh) tiếp tục diễn ra. Tại phiên toà, Viện Kiểm sát nhân dân TP HCM đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Dương Thị Bạch Diệp, Giám đốc Công ty Diệp Bạch Dương mức hình phạt là tù chung thân về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Bà Dương Thị Bạch Diệp sinh năm 1948 tại TP Quy Nhơn, Bình Định. Bà Diệp là một trong số các con em cán bộ miền Nam được chọn ra Bắc học tập.
Từ hai bàn tay trắng thành đại gia
Năm 1971, bà Diệp tốt nghiệp Đại học Ngoại thương Hà Nội, sau đó công tác tại Chi nhánh Thủ công Mỹ nghệ Hải Phòng. Sau đó bà chuyển về làm việc tại Tổng kho Trung Trung Bộ, trụ sở tại quê nhà Bình Định.
Năm 1975, bà Diệp cùng gia đình chuyển vào sinh sống và công tác ở An Giang. Sau đó lại chuyển lên TPHCM công tác tại Công ty Bao bì xuất khẩu.
Trải qua nhiều năm làm công chức nhà nước, đến năm 1984, bà Dương Thị Bạch Diệp quyết định xin nghỉ việc để bắt tay vào khởi nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản.
Những ngày đầu khởi nghiệp bất động sản, bà Bạch Diệp bắt đầu đi từ việc mua lại những căn nhà/chung cư cũ rồi cải tạo để bán với giá cao hơn.
Ba Duong Thi Bach Diep bi de nghi an chung than: Tu dai gia toi
 Bà Dương  Thị Bạch Diệp bên siêu xe Rolls-Royce Phantom. Ảnh: Vietnamnet
Năm 2002 sau khi tích luỹ đủ vốn, bà thành lập Công ty TNHH Bất động sản Diệp Bạch Dương, có trụ sở chính tại 179 Bis Hai Bà Trưng, phường 6, quận 3, TP HCM. Lĩnh vực hoạt động chính của Diệp Bạch Dương là kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê.
Hai năm sau khi thành lập Diệp Bạch Dương, bà Bạch Diệp tiếp tục mở công ty Nam Nam Phương, trụ sở chính tại số 28 Lê Văn Hưu, phường Bến Nghé, Quận 1, TP HCM. Từ ngày 25/10/2016, bà trở thành chủ doanh nghiệp và người đại diện theo pháp luật của Nam Nam Phương.
Ngoài ra, bà Dương Thị Bạch Diệp còn là người đại diện theo pháp luật của 2 công ty khác, gồm Công ty TNHH Bất động sản Châu Sơn và Công ty TNHH Bất động sản Nam Đông Dương. Tuy nhiên, cả hai công ty này đã ngừng hoạt động.
Cuối những năm 90 và thập niên 2000, cái tên Dương Thị Bạch Diệp và Công ty Diệp Bạch Dương nổi như cồn. Bà từng sở hữu nhiều biệt thự và khu “đất vàng” tại TP Hồ Chí Minh như: Dự án khách sạn 5 sao Diep Bach Duong's Senla Boutique (Senla Boutique tại 111 Hai Bà Trưng); dự án Khách sạn kết hợp trung tâm hội nghị, tiệc cưới cao cấp tại số 179 Bis Hai Bà Trưng; 7 mặt bằng tại số 31 Lê Duẩn (quận 1).
Ngoài bất động sản, nữ đại gia Dương Thị Bạch Diệp còn sở hữu xe sang Rolls-Royce Phantom biển số 77L - 7777. Tổng số tiền thời điểm đó gia đình bà Diệp chi ra để mua xe về Việt Nam vào khoảng 1,4 triệu USD.
Hành trình vướng vòng lao lý
Là một trong những đại gia bất động sản đầu tiên tại Việt Nam, bà Diệp không phải ngoại lệ vòng quay nghiệt ngã của bánh xe kinh tế. Khủng hoảng kinh tế năm 2009 ảnh hưởng không nhỏ đến giá trị bất động sản. Bất động sản bị đóng băng và những người sở hữu nhiều bất động sản bắt đầu cảm thấy “nóng” khi giá bất động sản không tăng mà nợ đang dần ngập đầu.
Để có dòng tiền đầu tư dự án, bà Bạch Diệp đã phải thực hiện nhiều hợp đồng tín dụng với ngân hàng. Trong số đó, có những khoản vay đã trở thành nợ xấu.
Ba Duong Thi Bach Diep bi de nghi an chung than: Tu dai gia toi
 Bị cáo Dương Thị Bạch Diệp tại toà. Ảnh: TTXVN
Khi sự nghiệp xuống dốc với các thông tin nợ ngân hàng đầm đìa, bên bờ vực phá sản, doanh nhân Dương Thị Bạch Diệp từng tuyên bố sẽ bán tài sản gồm cả siêu xe này để trả nợ.
Năm 1994, bà Diệp từng bị tạm giam 6 tháng vì liên quan đến hợp đồng mua bán nhà 37 Nguyễn Thị Diệu, bị lừa hàng trăm lượng vàng. Tuy nhiên, đến tháng 5/1995 bà được trả tự do vì không tìm ra bằng chứng phạm tội.
Ngày 25/1/2019, cơ quan cảnh sát điều tra, thuộc Bộ Công An đã bắt tạm giam bà Dương Thị Bạch Diệp với tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Tại phiên toà 17/11, bị cáo Dương Thị Bạch Diệp không thừa nhận tài sản 57 Cao Thắng là tài sản đảm bảo cho khoản vay tại Agribank; quá trình ký liên quan hợp đồng tín dụng giữa bị cáo và Agribank, bị cáo bị lừa; bị cáo không ký nhận nợ 8.700 lượng vàng; hồ sơ tài liệu các cơ quan chức năng thu thập trong vụ án đều là tài liệu giả.
Tuy nhiên, kết luận của Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an xác định chữ ký trong các hợp đồng tín dụng, kèm theo chứng từ giải ngân và hợp đồng thế chấp tại sản tại Agribank-Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh là chữ ký của Dương Thị Bạch Diệp.
Bị cáo Diệp cũng thừa nhận hành vi khi được cấp quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất đối với tài sản 185 Hai Bà Trưng nhưng không mang tài sản này thay thế tài sản đảm bảo 57 Cao Thắng tại Agribank-Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh mà tiếp tục mang quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất đối với tài sản 185 Hai Bà Trưng đến tổ chức tín dụng khác thế chấp để vay tiền qua 3 hợp đồng tín dụng khác là sai.

Video: Bà Dương Thị Bạch Diệp: Từ nữ đại gia bất động sản đến vòng lao lý. Nguồn: Lao động



Hoàng Minh