Ba đại gia phố núi lao đao giờ ra sao?

Google News

Ba đại gia phố núi từng là những tên tuổi có 'số má' trong giới bất động sản và trên sàn chứng khoán. Tuy nhiên, cả Quốc Cường Gia Lai, Hoàng Anh Gia Lai của Bầu Đức cho đến Đức Long Gia Lai đều đang lao đao.

Sáng 30/7, ông Nguyễn Quốc Cường (Cường Đô la) chủ trì đại hội đồng cổ đông thường niên lần thứ hai năm 2024 sau khi nhận ghế nóng Tổng Giám đốc CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCG) thay mẹ là bà Nguyễn Thị Như Loan. Bà Loan bị bắt và khởi tố hôm 19/7 liên quan tới việc chuyển nhượng dự án 39-39B Bến Vân Đồn, phường 12, quận 4, TP.HCM.
Trở lại ban lãnh đạo sau 6 năm rút lui khỏi Quốc Cường Gia Lai (QCGL), ông Nguyễn Quốc Cường được kỳ vọng sẽ xử lý dự án Phước Kiển với Vạn Thịnh Phát cũng như giải quyết vướng mắc ở các dự án bất động sản khác.
Theo phán quyết của tòa, QCGL trả cho Vạn Thịnh Phát số tiền 2.880 tỷ đồng mà Sunny Land (doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát) trả trước cho vụ mua bán dự án Phước Kiển. Khi đó, QCGL mới có thể lấy lại được dự án đang bị kê biên.
Tuy nhiên, 2.880 tỷ đồng là con số lớn và cần thời gian để gom đủ. Khó khăn ở chỗ hiện hồ sơ pháp lý của dự án đang bị phong toả, không thể dùng để cầm cố cho bất kỳ khoản vay nào.
Tính tới hết quý I/2024, QCG có tiền và khoản tương đương tiền chưa tới 30 tỷ đồng. Hàng tồn kho lớn, hơn 7.000 tỷ đồng, nhưng đa số ở trong các dự án đang mắc kẹt. Tổng nợ hơn 5.000 tỷ đồng, trong đó vay và nợ thuê tài chính khoảng 570 tỷ đồng.
Chưa biết Phước Kiển và nhiều dự án khác của QCG sẽ ra sao sau khi bà Nguyễn Thị Như Loan bị bắt và ông Nguyễn Quốc Cường lên thay nhưng cổ phiếu QCG đã tăng trần trở lại hai phiên sau khi giảm gần 30% trước đó.
Các nhà đầu tư đang kỳ vọng vào lộ trình bán 3 nhà máy thủy điện, đẩy mạnh xử lý hàng tồn kho với các dự án đã hoàn thành, đồng thời bán dự án Marina Đà Nẵng để QCG có thể gom đủ số tiền trả cho Vạn Thịnh Phát, nhận lại dự án Phước Kiển.

 

Ba dai gia pho nui lao dao gio ra sao?
Ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai. 
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, một số nhà đầu tư lo ngại quá trình điều tra bà Loan đang diễn ra, nên cần thêm thời gian để đánh giá về triển vọng của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, lĩnh vực bất động sản nói chung vẫn còn có nhiều khó khăn vướng mắc, cần được tháo gỡ.
Trong hơn thập kỷ qua, QCG cũng có nhiều tai tiếng, không chỉ liên quan tới các dự án doanh nghiệp này triển khai mà còn là nhiều sai phạm liên quan tới công bố thông tin. Kết quả kinh doanh cũng yếu kém.
Với CTCP Hoàng Anh Gia Lai - HAGL Group (HAG) do ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) làm chủ tịch, doanh nghiệp này gần đây đã bớt khó khăn khi bán được mảng nông nghiệp (HAGL Agrico - HNG) cho Thaco của tỷ phú Trần Bá Dương, thu về lượng tiền lớn trả nợ; đồng thời, đón dòng vốn từ nhóm LPBank và Thaiholdings của ông Nguyễn Đức Thụy.
HAG đã tích cực xóa nợ và hưởng lợi từ vườn sầu riêng được mở rộng, với giá bán sầu riêng tăng cao.
Dù vậy, tổng nợ của HAGL vẫn còn khá lớn. Hôm 30/6, HAG chậm trả hơn 4.364 tỷ gốc và lãi trái phiếu do chưa thể nhận đủ khoản thanh toán từ phía Thaco trong thương vụ bán HAGL Agrico.
HNG vừa bị hủy niêm yết bắt buộc do thua lỗ 3 năm liên tiếp.
Giới đầu tư kỳ vọng với sự xuất hiện của nhóm cổ đông mới, HAGL sẽ bứt phá trở lại. Cổ phiếu HAG có khoảng thời gian tăng gấp đôi lên 15.000 đồng/cp. Nhưng gần đây HAG đang chịu áp lực bán và về mức 12.300 đồng/cp.
CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG) cũng là một doanh nghiệp lớn có tiếng tại Gia Lai, với xuất phát điểm từ ngành nghề chế biến gỗ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu (khá giống với HAGL). Doanh nghiệp của chủ tịch Bùi Pháp mở rộng hoạt động sang đa ngành và từng gây rúng động thị trường chứng khoán với thương vụ thâu tóm công ty linh kiện Mass Noble của Mỹ hồi năm 2015. Công ty này có nhà máy tại Trung Quốc.
Giờ đây, Đức Long Gia Lai đã qua thời đình đám, đang lỗ lũy kế vài nghìn tỷ, giá cổ phiếu bằng nửa cốc trà đá và đang tính bán nhà máy tại Trung Quốc.
Trong hai phiên 29-30/7, cổ phiếu DLG ghi nhận một phiên giảm sàn và một phiên giảm hơn 4,1%, xuống còn 1.620 đồng/cp.
Đức Long Gia Lai sa sút, lỗ liên tiếp 2 năm vừa qua. Tính tới cuối quý I/2024, DLG lỗ lũy kế 2.637 tỷ đồng so với quy mô vốn điều lệ 2.993 tỷ đồng. Vốn hóa hiện đạt hơn 595 tỷ đồng. DLG có vay nợ rất lớn, tính tới cuối tháng 3 lên tới hơn 2.722 tỷ đồng, trong đó có gần 1.073 tỷ đồng vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn.
Đức Long Gia Lai còn vay vài nghìn tỷ đồng tại nhiều ngân hàng như: BIDV, VietinBank, Sacombank. Tính tới cuối tháng 3/2024, DLG còn dư nợ Ngân hàng BIDV khoảng 1.700 tỷ đồng, trong đó có gần 1.329 tỷ đồng vay dài hạn.
Vấn đề của Đức Long Gia Lai là nợ nần nhiều, dòng tiền yếu kém và đang bị chủ nợ Lilama 45.3 dồn dập yêu cầu mở thủ tục phá sản chỉ vì khoản nợ hơn chục triệu đồng.
Trên thực tế, số tiền mà DLG nợ Lilama 45.3 không nhiều, tổng cả gốc và lãi là 17 tỷ đồng. Và theo DLG, trong quý I và quý II/2024, công ty này đã trả 1 tỷ đồng/quý. Tổng DLG đã thanh toán cho Lilama 45.3 là 6 tỷ đồng.
Mới đây, HĐQT Đức Long Gia Lai đã có nghị quyết bán toàn bộ 97,73% vốn (tương đương khoản đầu từ 249 tỷ đồng) đang sở hữu tại Công ty TNHH Mass Noble Investments Limited - đơn vị hoạt động trong lĩnh vực linh kiện điện tử. Đây là công ty đóng góp chính cho doanh thu của Đức Long Gia Lai từ 2016 đến nay.

 

Theo Vietnamnet