Mới đây, Sở Xây dựng Hà Giang đã có văn bản gửi UBND tỉnh này báo cáo kết quả kiểm tra công trình khách sạn Panorama 7 tầng xây dựng trái phép trên đỉnh Mã Pì Lèng. Các sở ngành của tỉnh Hà Giang cũng đề xuất phá dỡ 6 tầng khách sạn Panorama để cải tạo thành đất trồng cây xanh, thời hạn phá dỡ hoàn thành trước 15/11.
Tuy nhiên, sau khi nắm được thông tin trên, khi chia sẻ chia sẻ với một số cơ quan truyền thông bà Vũ Ngọc Ánh (chủ đầu tư công trình) tỏ ra không đồng tình và mong muốn được giữ công trình nguyên vẹn.
Bà Ánh đưa ra khá nhiều lý do để xin được giữ công trình nguyên vẹn, mà theo ý kiến của nữ chủ nhân khách sạn Panorama đây là điểm dừng chân an toàn của du khách, nếu tháo dỡ thì sẽ phát sinh rất nhiều tai nạn như từng xảy ra khi chưa có tòa nhà. "Thay vì phải tháo dỡ, tôi sẽ phủ xanh toàn bộ, biến nó thành công trình hoang sơ", bà Ánh chia sẻ với Zing.vn.
Về những thủ tục, giấy phép bà chưa có theo quy định, bà Ánh nói: "Cái đó chưa có thì hoàn thiện sau đâu có sao".
Theo nữ chủ nhân khách sạn Panorama 7 tầng xây dựng trái phép, bà mua mảnh đất này ngày xưa là mỏm đá hoang, với giá 70 triệu đồng, "chỉ có đá, không trồng được ngô, ban đầu chỉ tính nuôi ong". 4 năm sau, bà chuyển đổi từ giấy tờ viết tay thành bìa đỏ, chính thức sở hữu đất.
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên bà Ánh do Sở TN&MT cấp ngày 31/5/2016, thuộc loại đất trồng cây hàng năm.
|
Chủ khách sạn Panorama đưa ra khá nhiều lý do để xin được giữ công trình nguyên vẹn. |
Tuy vậy, dư luận cho rằng công trình khách sạn Panorama 7 tầng xây dựng trái phép giống như "cái gai" trên đỉnh đèo Mã Pì Lèng, mong muốn các sở ngành của tỉnh Hà Giang xử lý dứt điểm. Còn việc bà Ánh đưa ra nhiều lý do để xin giữ công trình nguyên vẹn đó có thể là do bà Ánh muốn tận thu Mã Pì Lèng Panorama trả nợ... ngoan cố tìm mọi cách phản bác phá dỡ sai phạm?!. Bởi trước đó, nữ chủ nhân khách sạn Panorama tiết lộ với báo giới số vốn đầu tư vào đây là trên 10 tỷ đồng, trong đó rất nhiều là từ bạn bè cho vay mượn.
“Một bên ý kiến là bê tông làm thay đổi hiện trạng, một bên là thay đổi để phát triển kinh tế. Để một danh thắng mà không phát triển kinh tế là phí, nhưng làm gì cũng cần đúng quy hoạch, thực hiện theo quy định của pháp luật, đảm bảo thủ tục pháp lý. Cơ quan chức năng mà phá dỡ đi 6 tầng vi phạm của Panorama, thì bà chủ khách sạn này vẫn còn có thể thu được lợi nhuận, chỉ là khoản thu, thời gian thu sẽ thay đổi so với những gì mà chủ Panorama đang thực hiện” - anh Thanh Hà (Hà Nội) chia sẻ quan điểm.
|
Công trình khách sạn Panorama 7 tầng xây dựng trái phép trên đỉnh Mã Pì Lèng đang gây xôn xao dư luận. |
Trước đó, ông Hoàng A Chinh - Giám đốc Sở Xây dựng Hà Giang khẳng định công trình được xây dựng khi chưa có đủ thủ tục pháp lý. Địa phương sẽ không giải quyết theo hướng "phạt cho tồn tại" mà sẽ xem xét tháo dỡ toàn bộ hoặc một phần công trình.
Khánh Hoài