Apple chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc, hướng tới Việt Nam và Ấn Độ

Google News

Tập đoàn Apple đang đẩy nhanh quá trình chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc, trong bối cảnh những hạn chế chống dịch Covid-19 của nước này gây cản trở cho hoạt động sản xuất. Nơi Apple hướng tới là Việt Nam, Ấn Độ.

Theo tờ Wall Street Journal (WSJ), “gã khổng lồ” công nghệ Mỹ đang nỗ lực đẩy nhanh việc chuyển sản xuất sang các nước châu Á khác như Ấn Độ, Việt Nam, nhằm giảm sự phụ thuộc vào Foxconn - một trong những nhà cung cấp hàng đầu của Apple và là công ty điều hành nhà máy lắp ráp iPhone lớn nhất thế giới ở Trung Quốc.
Mặc dù động thái này đã được Apple lên kế hoạch trong nhiều tháng, nhưng theo WSJ, gần đây hãng công nghệ Mỹ này mới tăng cường hành động khi chính sách zero Covid của Trung Quốc bắt đầu ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất iPhone trong năm nay, đặc biệt là sau cuộc đình công tại nhà máy Trịnh Châu - nơi được coi là “thủ phủ iPhone” mới đây.
Apple chuyen san xuat khoi Trung Quoc, huong toi Viet Nam va An Do
Tập đoàn Apple đang đẩy nhanh quá trình chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc (Ảnh: Reuters). 
Theo hãng nghiên cứu thị trường Counterpoint, nhà máy lắp ráp iPhone ở Trịnh Châu ở Trung Quốc, nơi có tới 300.000 công nhân làm việc, hiện sản xuất khoảng 85% dòng sản phẩm iPhone và các sản phẩm Apple khác.
Tuy nhiên, cuộc đình công diễn ra vào tháng 11 vừa rồi, trùng với thời điểm bắt đầu mùa mua sắm cuối năm, đã khiến Apple gặp vấn đề nghiêm trọng về chuỗi cung ứng và thiếu hụt các sản phẩm iPhone. Theo Bloomberg, Apple dự kiến vụ việc này khiến công ty thiếu hụt khoảng 6 triệu chiếc iPhone Pro.
Tình trạng hỗn loạn cũng tác động đến lợi nhuận khiến hãng công nghệ này càng phải cấp bách đa dạng hóa sản xuất và chuyển ra khỏi Trung Quốc, nơi từ lâu vẫn thống trị về hoạt động sản xuất của công ty.
Các giám đốc điều hành của Apple từ lâu cũng đã nhận thấy có nhiều rủi ro khi tập trung quá nhiều vào Trung Quốc, nhưng nhiều năm qua họ vẫn chưa làm được gì nhiều để giảm bớt rủi ro đó. Bởi dù sao Trung Quốc vẫn là nơi cung cấp lượng lao động dồi dào, có trình độ, chính trị ổn định và thị trường tiêu thụ khổng lồ cho các sản phẩm iPhone.
Tuy nhiên, WSJ cũng cho rằng, với việc kinh tế suy giảm và tuyển dụng chậm đang khiến cho việc thuê sản xuất ngoài và củng cố quan hệ đối tác với các nhà cung cấp mới gặp thách thức.
“Việc tìm tất cả các mảnh ghép để xây dựng ở quy mô mà Apple cần không hề đơn giản”, bà Kate Whitehead - cựu Giám đốc điều hành của Apple và là chủ sở hữu của một công ty tư vấn chuỗi cung ứng - nói với WSJ.
Theo WSJ, Apple đang có kế hoạch tăng lượng cung ứng sản phẩm iPhone từ các nhà máy ở Ấn Độ lên 40-45% so với mức một con số hiện nay. Đồng thời, Apple cũng có kế hoạch tăng cường sản xuất các sản phẩm máy tính, đồng hồ và AirPods ở Việt Nam. Tuy nhiên, ở hai quốc gia này cũng có những thách thức khác nhau.
Ông Dan Panzica - cựu giám đốc điều hành Foxconn, người hiện đang tư vấn cho các công ty về các vấn đề chuỗi cung ứng - cho rằng, ngành sản xuất của Việt Nam đang phát triển nhanh chóng nhưng lại không đủ công nhân. Đất nước chưa đầy 100 triệu dân này chỉ có thể đáp ứng những cơ sở sản xuất khoảng 60.000 công nhân.
Còn Ấn Độ, mặc dù quy mô dân số tương đương Trung Quốc nhưng mức độ điều hành của mỗi bang ở nước này lại khác nhau. Ông Panzica cho biết, Apple đã gặp khó khăn trong việc chuyển hướng sang Ấn Độ vì mỗi bang yêu cầu thủ tục khác nhau.
“Để thay thế thủ phủ iPhone, Apple sẽ phải tìm nhiều nơi. Họ sẽ phải tỏa ra nhiều nơi hơn thay vì chỉ tập trung vào các thành phố lớn”, ông nói.
Theo Quỳnh Chi/Tienphong.vn