Trâu chậm nhưng không uống nước đục...
Thông tin từ Dân Việt cho biết, Anh Đức thực sự "dậy thì" muộn hơn bạn bè đồng trang lứa. Phạm Văn Quyến (sinh năm 1984) sớm nổi tiếng từ những năm 2000 ở giải U16 châu Á, đến năm 2002 đã khoác áo đội tuyển quốc gia dự AFF Cup trên đất Indonesia. Trong khi đó, Phan Thanh Bình (sinh 1986) chói sáng ở SEA Games năm 2003 tại Hà Nội và Lê Công Vinh (sinh năm 1985), luôn được xem là chân sút số 1 của đội tuyển quốc gia suốt từ năm 2008 đến năm 2016.
Nhưng tiền đạo Nguyễn Anh Đức lại có những bước tiến muộn hơn so với 3 tên tuổi cùng trang lứa.
Mãi đến năm 2015, Anh Đức mới được người hâm mộ biết đến khi được trao giải Quả bóng vàng Việt Nam 2015 sau khi giúp Becamex Bình Dương đoạt cú đúp V-League và Cúp Quốc gia.
|
Nói hoa mỹ thì Anh Đức chính là "hoa nở muộn" của bóng đá Việt. |
Chỉ có điều "trâu chậm không uống nước đục", càng về sau Anh Đức càng tỏa sáng. Từ "tiền đạo chân gỗ", Anh Đức trở thành chân sút số 1 Việt Nam ở tuổi 33. Trận chung kết lượt về AFF Cup 2018, anh ghi bàn thắng quyêtts định giúp Việt Nam lên ngôi vô địch sau 10 năm chờ đợi.
Gần đây nhất, trong trận mở màn King's Cup 2019 ở Thái Lan, anh đánh đầu tung lưới đội bạn ở phút bù giờ, giúp Việt Nam thẳng tiến vào chung kết và quan trọng hơn, giúp người hâm mộ thoả mãn giấc mơ đả bại Thái Lan.
Cầu thủ có duyên kinh doanh
Lớp đàn anh và nhiều đồng nghiệp cùng lứa với Anh Đức chỉ biết lăn lộn trên sân cỏ cùng trái bóng mưu sinh. Một số người khác lựa chọn thử làm HLV với ước mơ vừa được thoả mãn đam mê bên trái bóng tròn vừa ổn định kinh tế. Lớp đàn em thì kiếm tốt nhờ các hợp đồng quảng cáo nhưng bền hay không, chẳng ai rõ!
Anh Đức lựa chọn cho mình hướng đi rất riêng. Cụ thể, cách đây 10 năm, chàng cầu thủ già nhất ĐT Việt Nam ở thời điểm hiện tại khai trương của hàng bán dụng cụ thể thao đầu tiên. Không dừng ở đó, chàng tiền đạo có ngoại hình chân chất nông dân còn mạnh tay đầu tư vào sản xuất giày và trang phục bóng đá mang thương hiệu AD, giúp công việc kinh doanh của anh đạt được nhiều đột phá.
Chỉ sau 2 năm, cầu thủ Anh Đức đã là ông chủ của chuỗi cửa hàng kinh doanh đồ thể thao trải dài từ Bình Dương cho đến TP.HCM.
|
Khởi nghiệp từ một cửa hàng bán dụng cụ thể thao, hiện Anh Đức đã có cả thương hiệu mang tên mình cùng chuỗi cửa hàng lớn ở nhiều nơi trên khắp đất nước. |
Không chỉ có thế, hiện tại tiền đạo Anh Đức còn là chủ của một số dãy trọ cho thuê và khách sạn, spa tại Bình Dương. Ngoài ra, anh còn mở cửa hai sân bóng mini của riêng mình và là đồng sở hữu một nhà hàng cùng với gia đình vợ.
Thông tin trên Trí thức trực tuyến cho biết, ngoài công việc kinh doanh nhà hàng, phát triển thương hiệu giày và trang phục thể thao AD, Anh Đức còn thừa hưởng nền tảng kinh doanh của gia đình. Đó là công ty xuất khẩu nông sản lớn của bố mẹ với khoản thu nhập được coi là "lớn".
Cuối năm 2018, Dân Việt đưa tin, tiền đạo mặc áo số 11 của ĐT Việt Nam thử sức ở lĩnh vực kinh doanh mới khi mở phòng game online mang tên mình ngay trước sân vận động Gò Đậu.
Bí mật đằng sau lời đồn sở hữu tài sản trăm tỷ
Ngoài các hoạt động kinh doanh, hùn hạp nói trên, công việc chính - cầu thủ bóng đá - cũng mang về cho Anh Đức khối tài sản không nhỏ, đặc biệt là sau hơn chục năm lăn lộn trên sân cỏ. Những chiến thắng ấn tượng của ĐT Việt Nam trong thời gian qua cũng giúp anh tích luỹ thêm khối tài sản không nhỏ.
Sau chiến thắng ở AFF Cup 2018, riêng Anh Đức nhận được vô số tấm séc thưởng. Một tập đoàn bất động sản người ghi bàn thắng duy nhất trận chung kết là cầu thủ CLB Bình Dương một căn hộ nghỉ dưỡng tại Phú Yên trị giá 1,2 tỷ đồng. Ngoài ra, Anh Đức còn nhận thêm một phần thưởng trị giá 1 tỷ đồng của 1 doanh nghiệp dành cho tuyển thủ ghi bàn thắng đầu tiên. Cùng với đó, với ngôi vị vô địch, theo quy định của nhà nước, Anh Đức và các cầu thủ sẽ nhận được khoản tiền thưởng khoảng 45 triệu đồng.
|
Gia đình hạnh phúc với người vợ tần tảo, những đứa con ngoan là động lực giúp Anh Đức nỗ lực hơn nữa. |
Chưa dừng lại, tiền đạo Anh Đức còn nhận thêm nhiều phần thưởng chung cùng toàn đội như 300.000 USD dành cho đội vô địch AFF Cup 2018 (khoảng 7 tỷ đồng) cùng quà trị giá hàng tỷ đồng từ các ngân hàng, công ty viễn thông... trong nước.
Bạn bè thân thiết của Anh Đức từng hé lộ, tổng tài sản của cầu thủ này giờ cũng lên đến cả trăm tỷ đồng. Thậm chí còn có thông tin rằng anh là cầu thủ giàu nhất làng bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên khi được hỏi, Anh Đức chỉ cười và trả lời: "Kinh tế của tôi vững, không phải lo lắng chuyện tiền bạc nữa".
Trong một lần bị phóng viên "truy" về sự thật của khối tài sản 100 tỷ, Anh Đức tâm sự: "Thật sự theo quan điểm như thế nào là giàu. Giàu ở đây tiền bao nhiêu nó cũng không đủ, tiền bao nhiêu cũng thiếu. Quan trọng mình biết như nào là vừa đủ cho mình".
Có lẽ, chuyện kinh doanh hái ra rất nhiều tiền chính là một trong những nguyên nhân giúp Anh Đức nhiệt tình cống hiến cho CLB cũng như đội tuyển và chơi ngày càng hay dù đã qua tuổi 33. Không vướng bận chuyện cơm áo gạo tiền, chỉ chơi bóng theo đúng nghĩa được sống với niềm đam mê bóng đá, Anh Đức chắn chắn sẽ càng thăng hoa.
Phương Quỳnh