Khách sạn 5 sao Melia Hà Nội những ngày gần đây trở thành địa điểm nổi bật thu hút rất nhiều sự chú ý từ truyền thông trong nước và quốc tế. Đây chính là khách sạn nơi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un lưu trú trong những ngày ở Việt Nam tham dự cuộc họp thượng đỉnh Mỹ - Triều cùng Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Thực tế, Melia Hà Nội cũng là một trong những khách sạn 5 sao tọa lạc ở vị trí đắc địa bậc nhất thủ đô, nằm ngay mặt đường Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm).
|
Lực lượng cảnh sát cơ động đã được tăng cường số lượng lớn tới khách sạn Melia chiều 25/2. Các hoạt động tiền trạm trước hội nghị làm dấy lên đồn đoán rằng đây có thể là nơi lưu trú của ông Kim Jong Un những ngày tới khi ông đến Hà Nội dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai. |
Tỷ phú Thái Lan Charoen sở hữu
Đáng chú ý, Melia Hà Nội chính là khách sạn nằm trong danh sách những bất động sản mà tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi, ông chủ Tập đoàn Thaibev sở hữu tại Việt Nam, thông qua TTC Holdings.
Cụ thể, chủ sở hữu khách sạn Melia Hà Nội hiện nay là Công ty SAS-CTAMAD, liên doanh được thành lập từ năm 1994 giữa Công ty cổ phần Chế tạo điện cơ Hà Nội (HEM) và Công ty SAS Trading.
Trong đó, HEM là thành viên thuộc Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (GELEX), còn SAS Trading chính là thành viên của Tập đoàn đa ngành TCC của tỷ phú Thái Lan Charoen.
Theo thông tin từ SAS-CTAMAD, công ty là chủ đầu tư của khách sạn Melia Hà Nội và tòa nhà văn phòng HCO. Công ty cũng chính là một trong những liên doanh ra đời sớm của thủ đô Hà Nội, đánh dấu việc hợp tác giữa Việt Nam và Thái Lan.
Trong cơ cấu sở hữu tại liên doanh SAS-CTAMAD, đại diện phía doanh nghiệp Việt Nam là HEM góp 35% vốn là phần giá trị từ khu đất trên mặt đường Lý Thường Kiệt, còn SAS góp 65% là phần vốn chi để phát triển dự án khách sạn cao cấp này.
Đến năm 1998, tổ hợp khách sạn và văn phòng cho thuê (Hanoi Central Office Building) chính thức đi vào hoạt động.
|
Melia Hà Nội là một trong những bất động sản thuộc sở hữu của TTC Holdings, doanh nghiệp của tỷ phú Thái Lan Charoen. Ảnh: Getty images. |
Theo báo cáo tài chính mới nhất của HEM, công ty hiện vẫn nắm giữ 35% vốn và lợi ích tại liên doanh sở hữu khách sạn Melia Hà Nội. Tính tới cuối năm 2018, giá trị ghi sổ theo vốn chủ sở hữu của khoản đầu tư này là 276 tỷ đồng. Như vậy, vốn chủ sở hữu của khách sạn này hiện tại vào khoảng gần 789 tỷ đồng.
Melia Hà Nội cũng chính là trụ sở của Công ty TNHH Vietnam Beverage, một doanh nghiệp khác thuộc sở hữu của tỷ phú Thái Lan. Chính Vietnam Beverage là doanh nghiệp đã chi gần 5 tỷ USD để thâu tóm 53,39% vốn của Sabeco hồi cuối năm 2017.
Lợi nhuận hàng trăm tỷ mỗi năm
Với vị trí đắc địa tại thủ đô Hà Nội, khách sạn Melia thường xuyên là điểm đến của nhiều chính khách, nguyên thủ quốc gia, các doanh nhân. Chính việc thường xuyên tiếp đón những nhân vật quan trọng giúp khách sạn này thu lãi hàng trăm tỷ mỗi năm.
Theo báo cáo tài chính của HEM, năm 2010, khách sạn Melia Hà Nội ghi nhận 21,7 triệu USD doanh thu và 10,7 triệu USD lãi trước thuế. Kết quả kinh doanh này tương ứng với tỷ suất lợi nhuận trước thuế lên tới gần 50%, mức rất cao so với hoạt động kinh doanh khách sạn hiện nay.
Trong năm 2011, doanh thu của tổ hợp khách sạn này cũng đạt 20,6 triệu USD và lợi nhuận trước thuế đạt 10,3 triệu USD.
Những năm sau đó, kết quả kinh doanh của khách sạn này không còn được thể hiện trong báo cáo của HEM.
Tuy nhiên, báo cáo tài chính quý IV/2018 của công ty này cho biết với 35% vốn và lợi ích tại liên doanh SAS-CTAMAD, công ty được chia tổng cộng hơn 40 tỷ đồng tiền cổ tức trong năm vừa qua.
Đây chỉ là phần lợi nhuận được chia cho năm tài chính 2018, vì những năm trước đó, khách sạn Melia vẫn đều đặn chia hàng chục tỷ tiền cổ tức cho doanh nghiệp phía Việt Nam.
Như năm 2017, khoản cổ tức và lợi nhuận được chia từ Melia mang về cho HEM tới hơn 47 tỷ đồng. Số cổ tức thu về năm 2016 cũng là gần 62 tỷ đồng.
Với việc chia thường xuyên qua từng năm, nguồn tiền chia cổ tức này chính là một phần trong số lợi nhuận ròng sau thuế từ hoạt động kinh doanh của khách sạn Melia Hà Nội.
Như vậy, trong năm 2018, lợi nhuận ròng sau thuế của Melia sẽ không thấp hơn con số 114 tỷ đồng mà công ty đã chi ra để chia cổ tức cho các cổ đông.
Ban lãnh đạo HEM cũng từng cho biết mức lợi nhuận của Melia Hà Nội thu về hàng năm cao hơn nhiều số tiền chia cổ tức nhưng ngoài việc phân chia lợi nhuận cho các bên góp vốn, công ty phải sử dụng một phần để tái đầu tư nâng cấp khách sạn.
Theo Quang Thắng/Zing