Những ngày cuối năm, Nguyễn Thành Luân (30 tuổi, trú xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) vẫn tất bật cho mô hình nuôi cấy, chế biến và đóng gói các sản phẩm từ thảo dược đông trùng hạ thảo cho khách hàng.
“Càng cuối năm, lượng khách đặt nhiều hơn để biếu tặng nên hàng làm đến đâu cũng không kịp giao cho khách”, anh nói.
Luân kể, học hết lớp 12, anh sang Đài Loan lao động với mong muốn tích lũy vốn về quê hương lập nghiệp. Sáu năm sau, chàng trai đôi mươi trở về nước, mang theo khát vọng làm giàu, thay đổi cuộc sống.
Ban đầu, anh học nghề điện dân dụng rồi mở cửa hàng sửa chữa nhưng thu nhập bấp bênh nên dừng lại. Khi đang loay hoay chưa biết chuyển hướng làm nghề gì, anh được người quen ở Hải Phòng chỉ cho cách trồng nấm ăn.
|
Mô hình nuôi cấy đông trùng hạ thảo dần thành công. Ảnh: T.T.
|
Hơn một năm học hỏi kinh nghiệm, 9X về mở cơ sở ươm nấm nhưng không thành công, lỗ khoảng 100 triệu đồng.
Năm 2018, nhận thấy đông trùng hạ thảo tuy ít người đầu tư nuôi cấy song được thị trường đón nhận, Luân bắt tay vào nghiên cứu, đầu tư máy móc, xây dựng xưởng nuôi cấy loại thảo dược được mệnh danh là “vàng mềm” Tây Tạng.
“Chi phí đầu tư để ươm nấm đông trùng hạ thảo rất lớn, trong khi mình chưa có kinh nghiệm nên đều bị người thân can ngăn”, Luân chia sẻ.
Hai năm sau, Luân dốc hết vốn liếng gần 1 tỷ đồng , xây dựng mô hình kinh tế nuôi cấy, chế biến nấm đông trùng hạ thảo trên mảnh đất hơn 200 m2 ở quê.
Nhờ tuân thủ các quy trình nuôi cấy, năm đầu anh bán được hơn 600 hộp đông trùng hạ thảo tươi (mỗi hộp trọng lượng 100 gram), thu về hơn 60 triệu đồng. Từ thành công này, năm 2021, anh mạnh dạn đầu tư thêm 400 triệu đồng để mở rộng quy mô lên 10.000-15.000 hộp/lứa.
Theo Luân, nguyên liệu để tạo ra đông trùng hạ thảo gồm gạo lứt, nhộng tằm, đậu nành và các chất dinh dưỡng vi sinh. Đây là một loại nấm rất khó nuôi trồng thành công, đòi hỏi phải có thời gian để nghiên cứu điều chỉnh nhiệt độ, ánh sáng và độ ẩm bên trong phòng lạnh sao cho phù hợp. Đặc biệt, môi trường nuôi dưỡng phôi phải sạch sẽ và luôn phải khử trùng thường xuyên.
Sau khi tạo giá thể và hấp tiệt trùng, nguyên liệu được đưa vào ủ tối 7-9 ngày rồi tiếp tục đưa ra phòng chiếu sáng và nuôi trồng. Mỗi đợt nuôi trồng sẽ thực hiện 2.000-3.000 phôi. Từ lúc tạo phôi cho đến lúc thu hoạch mất khoảng 75 ngày.
Khi thu hoạch, đông trùng hạ thảo được tách đế, sấy khô hoặc sấy lạnh, sau đó đóng gói thành sản phẩm xuất ra thị trường.
Hiện chàng thanh niên đã xây dựng được 2 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao là đông trùng hạ thảo sấy và rượu đông trùng hạ thảo, cho doanh thu mỗi năm trên 2 tỷ đồng .
Sản phẩm của cơ sở của anh Luân tiêu thụ chủ yếu ở các tỉnh thành khác như Hà Nội, Hải Dương, TP.HCM... Xưởng sản xuất nhiều thời điểm luôn trong tình trạng "cháy hàng", khách đặt sau phải đợi chờ.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế . Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu.
Theo Phạm Trường / Zing