9 lần xin cấp phép không được, Grab tố Khánh Hòa ưu ái Vinasun, EMDDI

Google News

Cho rằng đã làm việc và xin cấp phép 9 lần tại Khánh Hòa đều không được chấp thuận, Grab tố tỉnh này đối xử bất bình đẳng giữa các hãng cùng cung cấp phần mềm.

Công ty TNHH Grab vừa có phản hồi thông tin liên quan đến việc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Khánh Hòa yêu cầu tạm dừng thí điểm dịch vụ GrabCar trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Doanh nghiệp khẳng định tuân thủ pháp luật trong quá trình thực hiện triển khai thí điểm xe hợp đồng điện tử (dịch vụ GrabCar) theo Quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 7/1/2016 của Bộ GTVT tại 5 tỉnh thành phố.
Grab cho biết đã nhiều lần gửi văn bản cũng như làm việc trực tiếp với Sở GTVT tỉnh Khánh Hoà để xin được xem xét, xin được triển khai GrabCar.
Tuy nhiên, sau 9 lần gửi văn bản và làm việc với UBND, Sở GTVT tỉnh Khánh Hòa, doanh nghiệp này vẫn bị từ chối.
9 lan xin cap phep khong duoc, Grab to Khanh Hoa uu ai Vinasun, EMDDI
Grab cho biết đã xin cấp phép ở Nha Trang 9 lần vẫn không được. Ảnh minh họa. 
Ngoài ra, Grab cho rằng tại Khánh Hòa đang có sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp cùng hoạt động trong lĩnh vực cung cấp phần mềm hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng.
Theo đó, Sở GTVT Khánh Hòa đã cho dừng thí điểm triển khai ứng dụng của Grab trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Trong khi đó, theo Grab, Khánh Hòa đã tập trung cho 2 đơn vị thí điểm khác là Công ty cổ phần Ánh Dương Việt nam (Vinasun) và Công ty cổ phần SUN Taxi với số lượng xe thực hiện là 100 xe. Địa phương cũng cương quyết “không bổ sung thêm các doanh nghiệp thực hiện đề án thí điểm”.
Đến ngày 10/11/2017, Sở GTVT tỉnh Khánh Hòa lại thống nhất cho phép Công ty cổ phần khai thác bến xe và dịch vụ vận tải Khánh Hòa ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng thông qua phần mềm ứng dụng kết nối EMDDI.
Grab cho rằng điều này đã và đang cho thấy sự đối xử không công bằng của Sở GTVT tỉnh Khánh Hòa đối với các đơn vị triển khai thí điểm.
“Việc Sở GTVT tỉnh Khánh Hòa kiến nghị dừng hoạt động của GrabCar sau đó lại cho phép doanh nghiệp khác thực hiện thí điểm tại địa phương đã tạo ra sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp cùng hoạt động trong lĩnh vực cung cấp phần mềm”, văn bản của Grab nêu.
9 lan xin cap phep khong duoc, Grab to Khanh Hoa uu ai Vinasun, EMDDI-Hinh-2
Bất chấp chưa được cấp phép, Grab vẫn hoạt động ở Nha Trang. Ảnh chụp màn hình. 
Grab cho rằng việc đối xử bất bình đẳng này đi ngược lại tinh thần “đảm bảo quyền bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp, không phân biệt loại hình, thành phần kinh tế trong cơ hội tiếp cận nguồn lực… và đầu tư kinh doanh” của Nghị quyết số 35/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.
Trước đó, vào cuối năm 2017, ông Nguyễn Văn Dần, Phó giám đốc GTVT tỉnh Khánh Hòa, cho rằng Grab không hợp tác với các hãng mà lại triển khai cá nhân, do đó Sở yêu cầu chấm dứt tình trạng này.
Ông Dần lý giải Grab tự nhận mình không phải là doanh nghiệp kinh doanh vận tải mà chỉ cung cấp ứng dụng. Trong khi đó, các đối tác của doanh nghiệp này là các xe cá nhân được hợp thức hóa bằng hợp tác xã dịch vụ vận tải, người kinh doanh trực tiếp là chủ xe. Theo quy định đây không phải là đối tác của Grab mà Bộ GTVT cho phép. Sở cũng đã phát hiện Grab kết nối với một số xe dù. Do đó, UBND Khánh Hòa đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT dừng thí điểm Grab ở địa phương.
Phó giám đốc Sở GTVT Khánh Hòa còn cho biết chỉ riêng TP. Nha Trang đã quá tải với 16.000 xe con, 3.000 xe 16 chỗ ngồi, 1.800 xe khách đưa đón khách du lịch. Do đó hạ tầng cơ sở không thể đáp ứng được, sắp tới sẽ phải cắt giảm lượng taxi hiện có.
Theo Hiếu Công/Zing