Công an tỉnh khuyến cáo tới người dân một số thủ đoạn phạm tội của các đối tượng nhằm cảnh giác, phòng ngừa và tố giác tội phạm.
Cụ thể, để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân, các đối tượng thường có các thủ đoạn sau:
Thứ nhất, đối tượng giả mạo nhân viên bưu điện, cán bộ công an, Viện kiểm sát gọi vào điện thoại bàn của bị hại thông báo nợ cước với số tiền lớn và đang bị điều tra do có đối tượng khác sử dụng số thuê bao điện thoại như của bị hại để buôn bán ma túy; đồng thời đe dọa, yêu cầu bị hại chuyển tiền vào tài khoản theo chỉ định để phục vụ công tác điều tra xác minh.
Sau khi bị hại chuyển tiền vào tài khoản chúng lập tức rút tiền và cắt liên lạc.
Thủ đoạn thứ 2, đối tượng giả danh là người nước ngoài làm quen, kết bạn qua Facebook; hứa hẹn gửi quà qua đường hàng không; sau đó giả làm nhân viên công ty vận chuyển, nhân viên hải quan... thông báo, yêu cầu bị hại chuyển phí dịch vụ vào tài khoản ngân hàng (thường là Sacombank, Eximbank) sau đó chiếm đoạt.
Thứ ba, các đối tượng bí mật lấy cắp tài khoản Facebook, chủ yếu là các tài khoản có bạn bè, người thân là người nước ngoài. Sau đó nhắn tin cho bạn bè, gia đình nạn nhân trên Facebook chuyển tiền, thẻ điện thoại, hiện vật... để chiếm đoạt.
Thứ tư, các đối tượng sử dụng sim rác, giả mạo các công ty viễn thông nhắn tin thông báo cho bị hại đã trúng thưởng các chương trình khuyến mãi qua mạng xã hội, yêu cầu nộp phí để làm hồ sơ, thủ tục nhận thưởng, sau đó chiếm đoạt tài sản.
|
Công an tỉnh Thái Bình khuyến cáo người dân nên thông báo ngay tới cơ quan công an khi phát hiện dấu hiệu đáng ngờ liên quan đến tài khoản hay các số liệu thông tin ATM của mình. |
Thứ năm, đối tượng sử dụng mạng xã hội Facebook đăng thông tin mua bán các mặt hàng với tỷ lệ trao đổi hấp dẫn; sử dụng nhiều nickname Facebook "comment" làm cho người bị hại tin việc mua bán trao đổi là có thật và để lại số điện thoại liên lạc. Đối tượng yêu cầu chuyển tiền đặt cọc trước qua tài khoản ngân hàng hoặc nạp thẻ điện thoại, sau khi đã nhận tiền đối tượng cắt liên lạc, chặn Facebook.
Thứ sáu, đối tượng thông qua các trang mạng mua bán online quảng cáo có bán thẻ điện thoại giá rẻ, chiết khấu cao. Bằng các thủ đoạn tư vấn qua Zalo, Facebook, điện thoại làm cho bị hại tin tưởng chuyển tiền vào tài khoản của chúng để chiếm đoạt.
Thứ bảy, đối tượng gắn thiết bị vào cây ATM trộm cắp thông tin mã số Pin và thông tin Track 2 lưu trữ trên dải từ thẻ ATM sau đó làm giả thẻ ATM để rút tiền tại ATM mà không cần qua bước kiểm tra hay xác thực.
Thứ tám, đối tượng sử dụng thiết bị truy cập vật lý vào hệ thống bên trong cây ATM bằng cách khoan một lỗ trên bề mặt (gần bàn phím cây ATM) hoặc phần phía trên cây ATM làm cho bộ phận nhả tiền của ATM bị ngắt kết nối thay vào đó kết nối trực tiếp với thiết bị ngoại vi của đối tượng để thực hiện việc rút tiền không cần có thẻ ATM ngân hàng hay việc giao dịch.
Để chủ động phòng ngừa, bảo vệ tài sản của mình, công an tỉnh Thái Bình đề nghị cán bộ và nhân dân tuyệt đối không gửi tên, số tài khoản, mật khẩu, số thẻ tín dụng, thẻ ngân hàng và các thông tin cá nhân qua các email cá nhân, skype, facebook hay các dịch vụ mạng trong bất kỳ trường hợp nào.
Tiếp đó, khi nhận được các tin nhắn qua Facebook, Zalo, điện thoại và các cuộc gọi lạ, tuyệt đối không làm theo yêu cầu hoặc chỉ dẫn của đối tượng; đặc biệt, không chuyển tiền vào các tài khoản khác theo yêu cầu của người lạ.
Người dân cần thông báo ngay cho cơ quan công an và ngân hàng khi phát hiện những đối tượng có biểu hiện thu, mua chứng minh nhân dân, thẻ ghi nợ quốc tế; sửa chữa, lắp đặt thiết bị vào cây ATM khi không có nhân viên ngân hàng... để điều tra xử lý theo quy định của pháp luật; không nên tự xử lý.
Theo Dân Việt