1. Chỉ sử dụng nước uống đóng chai
Bạn có thói quen sử dụng các loại nước uống đóng chai mọi lúc mọi nơi vì cảm giác tin tưởng rằng nó sạch và tiện lợi hơn? Bạn có biết đây chính là một trong những thói quen chi tiêu “đốt tiền”? Sự thật là, nước uống đóng chai không chỉ đắt hơn nước máy mà còn có thể không đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn cho sức khỏe. Bạn nên đun sôi nước máy để uống ở nhà, chỉ mua nước uống đóng chai khi ra ngoài và khi thực sự cần thiết. Nếu đã quen uống nước đóng chai, bạn nên chuyển hướng sang những loại bình có dung tích lớn để tiết kiệm hơn.
2. Thường xuyên ăn ngoài
Nhiều người cho rằng, việc nấu nướng thật phức tạp và để nấu được một món ngon rất khó nên thường xuyên lựa chọn các bữa ăn bên ngoài. Tuy nhiên, dù ở những quán bình dân nhất thì số tiền bạn bỏ ra cho việc ăn uống mỗi ngày đều rất lớn. Tự nấu ăn bao giờ cũng sạch, lành mạnh và tiết kiệm hơn cả. Nếu ở cùng gia đình, hãy thường xuyên về nhà ăn cơm. Nếu ở trọ, hãy tìm người ở ghép và cùng nhau nấu nướng. Nếu ở một mình và không biết gì về nội trợ, hãy đi học một khóa nấu ăn đơn giản bởi nó không chỉ giúp bạn tiết kiệm cho hiện tại mà còn rất hữu ích cho tương lai của bạn. Thử so sánh mức chi tiêu sau 1 tháng tự nấu ăn với thời gian trước đó, bạn sẽ thấy đây quả là một quyết định sáng suốt.
3. Sử dụng các cây ATM khác ngân hàng
Bạn đã từng rút tiền hoặc thực hiện các giao dịch qua cây ATM khác với ngân hàng mở thẻ? Nếu cây ATM này không nằm trong mạng lưới ngân hàng liên kết với thẻ của bạn, bạn chắc chắn sẽ mất một khoản phí nhất định để thực hiện giao dịch. Và đây chính là sự lãng phí cần từ bỏ. Mặc dù phí giao dịch không nhiều nhưng “tích tiểu thành đại”, quá nhiều lần sử dụng trở thành thói quen lãng phí.
|
Hãy sử dụng cây ATM của những ngân hàng liên kết. |
4. Trả tiền cho những thứ không hoặc ít khi dùng
Đăng kí cáp quang khi chỉ xem vài kênh, mua gói cước Internet cho điện thoại di động trong khi ở nhà và chỗ làm đã có wifi, mua thẻ tập gym cả năm nhưng chẳng mấy khi dùng đến… đó chính là 3 trong số rất nhiều trường hợp “ném tiền” phung phí cho những thứ không bao giờ hoặc ít khi sử dụng. Bạn nên cân nhắc kĩ trước khi bỏ tiền ra chi trả cho một dịch vụ nào đó, tính toán thật chi tiết về mức độ sử dụng và nếu đang muốn tiết kiệm tiền để thực hiện một kế hoạch lớn, hãy nghĩ tới việc ngừng dùng những tiện ích này nếu chúng không ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống của bạn.
5. Mua đồ có thương hiệu
Hàng thương hiệu và hàng bình thường nhiều khi chỉ khác nhau ở giá cả. Nếu muốn tiết kiệm, bạn nên cân nhắc thật kĩ về chất lượng và lựa chọn các mặt hàng bình dân, nhất là đối với những đồ dùng thường xuyên mà không có sự chênh lệch quá lớn giữa đồ đắt – đồ rẻ như: xà phòng, dao cạo, các loại nước giặt rửa, vệ sinh…
|
Mua đồ hiệu là thói quen xa xỉ nếu bạn muốn tiết kiệm tiền. |
6. Chi tiêu theo “cảm hứng”
Không ít người có thói quen mua hàng không nhìn giá, mua theo sở thích mà không tính đến giá trị sử dụng hoặc mua mà không so sánh giá với những nơi bán khác. Đây đều là lí do chính khiến ngân quỹ của bạn “thiếu trước, hụt sau”. Cách tốt nhất để hạn chế những sai lầm này đó là lên kế hoạch chi tiêu cụ thể. Bạn nên liệt kê ra những món đồ phải mua trước khi đi siêu thị, không “nhòm ngó” những món đồ đang giảm giá nhưng không cần thiết đối với bản thân và nên tham khảo giá cả qua mạng internet với các loại hàng hóa sắp mua để lựa chọn điểm bán có giá hợp lý nhất.
7. Dùng thẻ tín dụng thường xuyên
Thẻ tín dụng sẽ trở nên hữu ích khi bạn cần mua một món đồ giá trị lớn và chưa có sẵn tiền trong tay. Tuy nhiên, nếu lạm dụng nó, bạn sẽ rất dễ rơi vào tình trạng chi tiêu thái quá. Hãy nghĩ tới khoản lãi suất “khổng lồ” bạn phải trả hằng tháng cho loại thẻ này trước khi quyết định dùng nó. Hãy sử dụng tiền mặt để ý thức được và kiểm soát số tiền bạn đang tiêu
Theo Nguyễn Bình/Dân Việt