1. Tìm hiểu nguyên nhân
Trước tiên, hãy xác định những mối lo liên quan đến tiền bạc mà bạn đang có, chẳng hạn như:
Không đủ khả năng thanh toán hoặc không thể thanh toán hóa đơn đúng hạn. Không đủ tiền cho một khoản chi nào đó trong tương lai. Sở hữu một số nợ lớn. Không có quỹ dự phòng cho các trường hợp khẩn cấp. Thất nghiệp hoặc nguy cơ bị cho thôi việc.
Có được một cái nhìn rõ ràng và tổng quan đồng nghĩa với việc giải quyết các vấn đề tài chính hiệu quả hơn. Vì vậy bạn nên lập một danh sách trong đó liệt kê các gánh nặng tài chính nổi bật và và cập nhật danh sách này hai đến ba lần mỗi năm để chủ động trong mọi trường hợp.
2. Tạo ngân sách hoặc kế hoạch chi tiêu
Thói quen lập kế hoạch là điều kiện tiên quyết để quản lý tài chính lành mạnh.
Hãy bắt đầu bằng việc xác định thu nhập ròng của mình (số tiền lương sau khi trừ đi thuế và các khấu trừ khác). Nếu bạn chỉ có một công việc toàn thời gian thì con số này thường chính là số tiền bạn nhận được từ công ty hàng tháng. Còn nếu bạn có một công việc phụ hoặc hiện đang làm việc tự do, hãy tính trung bình số tiền bạn kiếm được trong ba tháng hoặc một năm vừa rồi.
Nhiệm vụ tiếp theo là thống kê các khoản chi. Xác định xem khoản chi nào là cần thiết và khoản chi nào có thể cắt giảm dựa trên mục tiêu tiết kiệm và chi tiêu mà bạn đã đạt ra.
3. Tạo quỹ dự phòng khẩn cấp
Dành ra một khoản tiền để bạn có thể xử lý trong các trường hợp khẩn cấp sẽ tạo ra cảm giác yên tâm và vững vàng hơn. Hãy bắt đầu bằng cách dành ra một khoản tiết kiệm nhỏ mỗi tuần để cho vào quỹ dự phòng khẩn cấp và tăng dần số tiền này khi tình hình tài chính cải thiện.
4. Tăng thêm thu nhập
Bên cạnh các biện pháp cắt giảm chi thường xuyên, việc tăng thêm thu nhập cũng sẽ giúp giảm bớt đáng kể gánh nặng tài chính. Trao đổi với sếp hoặc người quản lý của bạn để yêu cầu tăng lương hoặc đăng ký tăng ca đều là những lựa chọn đáng cân nhắc.
Nếu bạn có nhiều thời gian rảnh, bạn có thể tham gia "nền kinh tế tạm thời" (Gig Economy - chỉ một nền kinh tế mà mọi người thường làm những công việc tạm thời, linh hoạt hay bán thời gian). Các công việc dạng này có thể kể đến tài xế xe công nghệ hoặc người mua sắm hộ thông qua các ứng dụng. Những việc làm thêm "truyền thống" hơn như dắt chó đi dạo hoặc trông trẻ cũng sẽ mang lại các nguồn thu bổ sung. Số tiền này có thể được sử dụng để trả bớt các khoản nợ hoặc tăng cường quỹ dự phòng khẩn cấp.
5. Tự động hóa các giao dịch tài chính
Nếu bạn không thể nhớ khi nào phải thanh toán hóa đơn và liên tục bị tính phí trễ hạn, tự động hóa là một giải pháp khả thi.
Chẳng hạn, bạn có thể đăng kí thanh toán tự động hàng tháng đối với các loại hóa đơn và bảo hiểm. Bạn vẫn được tiếp tục thanh toán bổ sung trong tháng, nhưng việc đảm bảo đã hoàn thành đủ mức thanh toán tối thiểu sẽ giúp bạn tránh những chi phí không cần thiết.
6. Thay đổi cách nói chuyện về tiền bạc
Đôi khi, các cuộc trao đổi với người bạn đời về vấn đề tài chính là nguyên nhân khiến bạn trở nên căng thẳng. Có lẽ hai bạn đã quên nói về những khoản chi lớn, hoặc chưa thống nhất được với nhau các mục tiêu tài chính. Lờ đi các vấn đề tiền bạc có thể làm tình hình trở nên nghiêm trọng hơn, ngay cả khi đó không phải là lý do trực tiếp dẫn đến gánh nặng tài chính.
Vì vậy, hãy nói chuyện với nhau và dành thời gian để cùng nhau lập kế hoạch tài chính chung. Đôi khi tiền bạc là nguồn cơn của những cảm xúc tiêu cực trong một mối quan hệ, vì vậy hãy cố gắng để mọi thứ diễn ra thoải mái và suôn sẻ nhất có thể.
7. Nhận lời khuyên và sự giúp đỡ
Hãy nhớ rằng bạn không phải làm tất cả mọi thứ một mình. Những góc nhìn mới có thể giúp bạn tìm ra lỗ hổng trong quy trình quản lý tiền bạc, hay một chuyên gia tài chính sẽ cho bạn sự tư vấn chuyên nghiệp và hỗ trợ bạn lập ra một kế hoạch tài chính phù hợp.
Một chút trợ giúp từ bên ngoài sẽ giúp bạn tiến xa trên hành trình quản lý tài chính và giảm bớt những áp lực trong cuộc sống.
Theo Gia Khánh/Phụ nữ việt nam