|
Nửa đầu năm 2024, Thép Pomina gánh lỗ thêm 504 tỷ đồng |
Ngày 19/8, Thép Pomina công bố báo cáo tài chính quý II/2024, tiếp tục cho thấy nhiều khó khăn. Doanh thu quý II của công ty mẹ đạt 46,29 tỷ đồng, giảm 84,5% so với cùng kỳ, trong khi lợi nhuận sau thuế lỗ 279,22 tỷ đồng, so với mức lỗ 349,24 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước. Việc tiếp tục kinh doanh dưới giá vốn khiến lợi nhuận gộp âm 51,82 tỷ đồng, giảm sâu hơn so với mức âm 25,88 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Mặc dù công ty đã cắt giảm chi phí, với chi phí tài chính giảm 34,5% còn 157,77 tỷ đồng và chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 23,9% còn 43,62 tỷ đồng, nhưng những nỗ lực này vẫn không đủ để bù đắp cho các khoản lỗ phát sinh, chủ yếu do chi phí lãi vay và chi phí quản lý doanh nghiệp khi hai nhà máy Pomina 3 và Pomina 1 vẫn đang tạm ngừng hoạt động.
Trong nửa đầu năm 2024, doanh thu lũy kế của Thép Pomina đạt 47,76 tỷ đồng, giảm 95,5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi lợi nhuận sau thuế lỗ 504,12 tỷ đồng, cải thiện nhẹ so với mức lỗ 535,83 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2023.
Tính đến ngày 30/6/2024, tổng lỗ lũy kế của Thép Pomina lên đến 1.769 tỷ đồng, chiếm 63,3% vốn điều lệ của công ty là 2.796 tỷ đồng.
|
Tổng hợp từ báo cáo tài chính Quý II/2024 của Thép Pomina |
Với việc thua lỗ liên tục trong bối cảnh dư nợ vay lớn, tính đến ngày 30/6/2024, Thép Pomina chỉ còn 7,9 tỷ đồng tiền mặt, trong khi tổng nợ vay lên tới 4.343,3 tỷ đồng, tương đương 397,4% vốn chủ sở hữu. Trong đó, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - Chi nhánh TP.HCM đã tài trợ 1.645,89 tỷ đồng; Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh TP.HCM tài trợ 696,7 tỷ đồng; và Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam tài trợ 423,5 tỷ đồng, cùng với các khoản vay khác.
Đáng chú ý, cuối quý II, Thép Pomina ghi nhận nợ vay ngắn hạn 6.258,1 tỷ đồng, trong khi tài sản ngắn hạn chỉ là 882,2 tỷ đồng, cho thấy nợ vay ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn tới 5.375,9 tỷ đồng.
Điều này đồng nghĩa với việc Thép Pomina đang sử dụng 5.375,9 tỷ đồng nguồn vốn ngắn hạn (dưới 1 năm) để tài trợ cho tài sản dài hạn (trên 1 năm), dẫn đến rủi ro kỳ hạn nếu có biến cố xảy ra.
Trước đó, Thép Pomina đã thông báo về những bước tiến quan trọng trong chiến lược phát triển và tái cấu trúc toàn diện công ty, bao gồm việc ký kết hợp tác chiến lược với Công ty Thép Nansei - một tập đoàn thép lớn và uy tín của Nhật Bản vào cuối tháng 7/2024.
Theo thỏa thuận, Nansei sẽ cung cấp đủ nguyên vật liệu cần thiết để CTCP Thép Pomina 2 vận hành tối đa công suất từ tháng 9/2024, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Pomina cho biết, sự hợp tác này không chỉ tối ưu hóa chuỗi cung ứng mà còn nâng cao hiệu quả sản xuất, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong hành trình phát triển của cả hai công ty.
Được biết, đây không phải là lần đầu tiên Thép Pomina công bố thông tin về mối quan hệ chiến lược với Thép Nansei.
Tại Đại hội đồng cổ đông tháng 7/2023, Thép Pomina thông báo kế hoạch phát hành riêng lẻ hơn 70 triệu cổ phiếu, chiếm khoảng 20% vốn, cho Công ty Nansei Steel với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Kế hoạch dự kiến chia làm hai đợt: đợt 1 phát hành 10,6 triệu cổ phiếu vào tháng 8/2023 và đợt 2 phát hành gần 59,6 triệu cổ phiếu vào tháng 9/2024. Tuy nhiên, Pomina đã trì hoãn và không thực hiện phát hành như dự kiến.
Ngoài ra, Pomina cũng đã ký biên bản ghi nhớ với một nhà đầu tư lớn khác để khởi động lại dự án lò cao vào đầu năm 2025, đón đầu làn sóng đầu tư công và sự phục hồi của thị trường bất động sản. Dù vậy, danh tính nhà đầu tư này vẫn chưa được tiết lộ.
Dự án lò cao của Thép Pomina được hoàn thành và đưa vào sản xuất từ tháng 2/2021, nhưng do khó khăn kinh doanh, công ty đã phải ngừng hoạt động lò cao từ ngày 23/9/2022 và chấm dứt hợp đồng với một số cán bộ công nhân viên. Việc tái khởi động lò cao đã liên tục bị trì hoãn.
Một diễn biến khác, ngày 22/5 vừa qua, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã đưa cổ phiếu POM của CTCP Thép Pomina vào diện hạn chế giao dịch từ ngày 23/5 do công ty chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán. Theo đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xử phạt Thép Pomina 217,5 triệu đồng vì vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán.
Cổ phiếu POM hiện giao dịch trên sàn UPCoM, chỉ được phép giao dịch vào phiên thứ Sáu hàng tuần và đang ở mức giá khoảng 3.000 đồng/cp.
|
Cổ phiếu POM bị đưa vào diện hạn chế giao dịch từ ngày 23/5/2024 |
Quỳnh Ái