Ngày 19/3, trao đổi với phóng viên Báo Tri thức & Cuộc sống, TS.Trần Khắc Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ĐBSCL cho biết UBND tỉnh Sóc Trăng sẽ tổ chức chương trình “Gặp gỡ doanh nghiệp Trung Quốc và doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng” vào sáng 20/3.
Trước đó, ngày 4/3, Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại TP HCM đã gửi công văn đến UBND tỉnh Sóc Trăng thông báo và xin ý kiến về việc đoàn công tác do ông Ngụy Hoa Tường - Tổng lãnh sự quán cùng với 50 doanh nghiệp Trung Quốc trong ngành nông lâm, thủy sản, logistics… sẽ có chuyến thăm và kết nối giao thương tại Sóc Trăng trong 3 ngày (từ 19 đến 21/3).
Tại chuyến thăm này, Tổng lãnh sự quán và các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ có buổi gặp gỡ, kết nối với doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng.
|
TS, Trần Khắc Tâm tặng bức tranh tình hữu nghị giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho ông Ngụy Hoa Tường - Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại TPHCM |
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng: buổi gặp gỡ là sự kiện được các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh quan tâm, nhằm đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại của tỉnh tại thị trường Trung Quốc của các doanh nghiệp xuất khẩu tại Sóc Trăng. Đồng thời tăng cường liên kết vùng, góp phần phát huy chất lượng, hiệu quả của chương trình xúc tiến thương mại và những lợi thế, tiềm năng của tỉnh Sóc Trăng.
Cuộc gặp gỡ này còn hướng đến việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng thúc đẩy hợp tác, đầu tư với các đối tác chiến lược, tiềm năng của Trung Quốc, góp phần tăng trưởng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế.
Trao đổi trước cuộc gặp này, TS. Trần Khắc Tâm- Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng, Phó Chủ tịch Hội đồng các Hiệp hội Doanh nghiệp ĐBSCL chia sẻ: “Tôi có cơ hội được tiếp xúc với các doanh nghiệp lớn từ Trung Quốc tại nhiều cuộc kết nối giao thương. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn khẳng định, họ rất mong muốn có cơ hội đầu tư vào các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long. Tôi hi vọng sự kiện này sẽ mở ra tiềm năng hợp tác với các đối tác Trung Quốc cho các doanh nghiệp Việt Nam. Điều này cũng góp phần thắt chặt hơn quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc”.
|
Các doanh nghiệp Việt Nam gặp gỡ đoàn công tác của Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại TP HCM |
Theo TS. Trần Khắc Tâm các doanh nghiệp mảng logistics, khu vực ĐBSCL cũng đang tiếp tục tìm các giải pháp phát triển để khơi thông luồng hàng nông sản. Hiện các cơ quan thẩm quyền cùng doanh nghiệp đang cố gắng giải quyết bài toán vận chuyển, logistics của đồng bằng sông Cửu Long. Bởi nơi đây sở hữu hệ thống sông ngòi dày đặc với tổng độ dài trên 28.000 km trong đó khoảng 23.000 km có khả năng khai thác vận tải thủy nhưng thực tế chỉ có khoảng 10% hàng hóa được vận chuyển bằng đường thủy.
"Doanh nghiệp tại Sóc Trăng nói riêng và doanh nghiệp ĐBSCL có thể học hỏi kinh nghiệm, kết nối giao thương từ 50 doanh nghiệp lớn của Trung Quốc đến tìm cơ hội đầu tư vào Sóc Trăng ngày mai"- TS Trần Khắc Tâm cho hay.
Thời cơ cho các doanh nghiệp Việt Nam
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, trong năm 2023, Trung Quốc là một trong số 5 thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam. Cụ thể, trong năm 2023, Trung Quốc chi tới 12,2 tỷ USD để nhập nông lâm thuỷ sản Việt Nam. Đến hết năm 2023, Việt Nam đã có 3.013 mã số doanh nghiệp xuất khẩu vào Trung Quốc được cấp.
Tính đến nay, thị trường Trung Quốc đã cấp phép cho 12 mặt hàng rau quả, trên 800 cơ sở chế biến thủy sản, 40 cơ sở bao gói cua, tôm hùm sống và 5 cơ sở bao gói tôm sú, tôm thẻ chân trắng; cùng với 128 loại sản phẩm và 48 loài thủy sản của Việt Nam. Đây được xem là thời cơ cho các doanh nghiệp Việt Nam thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động đầu tư sản xuất, cũng như thay đổi tư duy và cách tiếp cận để khai thác tốt hơn tiềm năng của thị trường này.
Nguyễn Đức