1. Không nói vấn đề với hàng xóm
Bất cứ gia đình nào cũng có hàng xóm, nhưng không phải ai cũng có mối quan hệ tốt với nhà bên cạnh. Có những gia đình mâu thuẫn nặng nề với hàng xóm đến mức ghen ghét, không nhìn mặt nhau. Cho đến khi bán nhà, gia chủ cũng không tiết lộ về mối quan hệ không êm đẹp với hàng xóm hoặc các vấn đề liên quan. Tại Anh, theo khảo sát, có 47% người bán nhà không nói với người mua nhà các vấn đề liên quan đến hàng xóm.
Tại một số nước quy định, người bán nhà phải nói cho khách các vấn đề với hàng xóm như khiếu nại tiếng ồn với cơ quan chức năng...
Người bán có thể nói "hàng xóm của nhà tôi tuyệt vời", thay vì vội tin, bạn nên gõ cửa hàng xóm nói chuyện với họ về việc định mua căn nhà bên cạnh và hỏi xem tình hình khu vực đang sống. Nếu như hàng xóm không cởi mở, đóng sầm cửa thì nên xem lại.
Một cách khác là bạn có thể đến xem nhà vào cuối tuần hoặc tối thứ 6 vì đây là lúc hàng xóm cũng được nghỉ ngơi, xem xét họ có mở tiệc tùng, hát hò, chạy nhảy ồn ào hay không.
2. Nhà thuộc diện quy hoạch hoặc sắp bị giải tỏa
Tùy từng trường hợp mà nhà đất thuộc diện này được đền bù hay không, hoặc nếu có cũng sẽ gây ra một số bất lợi cho người mua khi có ý định mua để ở thì chưa gì lại phải dọn đi chỗ khác.
Để phòng tránh rủi ro này, ngoài việc hỏi chủ nhà, người mua cần đến Văn phòng Đăng ký đất đai cấp huyện nơi có nhà, đất để xem quy hoạch hoặc có thể kiểm tra tại UBND xã, phường hoặc thị trấn, hoặc liên hệ với Tổ trưởng Tổ dân phố. Hàng xóm xung quanh cũng là một kênh để người mua khai thác thông tin liên quan đến vấn đề này.
Ngoài ra, người mua có thể tra cứu trên website Quy hoạch kế hoạch sử dụng đất của địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có đất.
3. Không nói về tình trạng tội phạm, trộm cắp trong khu vực
Số liệu thống kê ở Anh cho thấy 13% chủ nhà nói dối về tỷ lệ tội phạm ở khu vực căn nhà tọa lạc như trộm cắp. Nếu không biết điều này, chủ nhà sẽ đối diện với nguy cơ bị mất trộm khi ở trong nhà mới, thậm chí sẽ rất nguy hiểm nếu như gặp phải các đối tượng manh động.
Còn nếu biết trước, chủ nhà có thể không mua nhà ở những nơi có nhiều tội phạm, an ninh trật tự kém, còn nếu mua đi chăng nữa cũng sẽ trang bị các thiết bị bảo vệ căn nhà.
4. Nhà đang xuống cấp
Nhiều căn nhà bản chất đã xuống cấp, nhưng để bán nhanh và được giá, họ thường tân trang lại bên ngoài căn nhà. Thoạt trông thấy phần trang trí nội thất và sơn tường rất mới, nhưng nếu kiểm tra kỹ phần bên trong người mua nhà sẽ thấy đã mục nát rồi.
Để tránh tình trạng này, khi đi xem nhà, mẹ có thể kiểm tra sơ bộ bằng 4 cách sau:
- Dùng tay xoa vào tường để biết được những chỗ gồ lên do mới trét bột.
- Dùng tay gõ vào tường để xem có bị xuống cấp hay chưa. Nếu tường chắc âm thanh sẽ nghe vang 'cộc cộc', còn tường mục xuống cấp thì sẽ có tiếng 'bụp bụp'.
- Đặt tay vào tường và mắt nhìn kỹ để phần nào biết tường có bị thấm nước không.
- Dưới nền nhà người mua cũng làm tương tự để biết nền đất có xuống cấp không.
Trường hợp bạn không rành về kỹ thuật có thể nhờ người thân hoặc bạn bè có kinh nghiệm kiểm tra dùm để tránh bị lừa dối bởi vẻ bên ngoài.
5. Căn nhà có phong thủy không tốt
Vị trí, hướng, địa thế và lịch sử các chủ trước của căn nhà như thế nào là một trong các vấn đề mẹ cần phải tìm hiểu. Có thể chủ nhà sẽ không kể với người mua những chuyện xấu, nhưng hàng xóm có thể chia sẻ với bạn vấn đề này.
Ngoài ra, bạn sẽ phải suy nghĩ lại về việc có nên mua nhà hay không khi chủ nhà trước đó là cặp vợ chồng mới ly hôn, vỡ nợ hoặc có người mắc bệnh hiểm nghèo, vướng vào vòng lao lý, tù tội…
Ngoài ra, một số người có quan niệm phải mua nhà ở hẻm thông, trổ ra đường lớn, hình dáng căn nhà phải là dạng nở hậu mới mang đến điềm lành.
Theo Tường Vy/Gia đình & Xã hội)