Nhờ chính quyền quyết liệt, dân mới không mất Tết!
Còn 10 ngày nữa là Tết, ông Trần Văn Tiếp (75 tuổi), Chủ nhiệm hội quán "Tôi yêu màu tím", TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, hồ hởi cùng tài xế chất những chậu cúc mâm xôi còn rải rác trên ruộng lên xe tải để đưa đi giao cho bạn hàng ở Phú Yên.
|
Ruộng cúc mâm xôi thưa dần, đồng nghĩa niềm vui nhân lên với người trồng hoa (Ảnh: Nguyễn Cường).
|
"Mỗi mối tiêu thụ được khoảng 1.000 chậu. Tình hình thế này, tôi tin hàng sẽ bán hết hàng trong nay mai", ông Tiếp phấn khởi.
Thực tế, chỉ 4 ngày trước, 30.000 chậu hoa của hội quán đứng trước nguy cơ ế hàng, mất trắng vụ hoa Tết.
Ông Tiếp chia sẻ, Hội quán "Tôi yêu màu tím" có 20 thành viên là các nông hộ canh tác đủ loại hoa với diện tích khoảng 10ha. Cứ từ sau tháng 6 Âm lịch hàng năm, các thành viên trong hội lại đồng loạt trồng cúc mâm xôi để bán vụ Tết.
Khách mua đã dần trở thành bạn hàng lâu năm. Vì thế, hội quán thường không ký hợp đồng bao tiêu, năm sau sản xuất căn cứ trên mức độ tiêu thụ của năm trước và đều bán hết.
Năm nay hội quán sản xuất 30.000 chậu cúc mâm xôi, trong đó có 7.000 chậu trồng ở vùng lân cận TP Sa Đéc, tin rằng bạn hàng vẫn sẽ đến lấy như mọi năm. Không ngờ, tới sau rằm tháng Chạp vẫn chưa hộ nào bán được chậu hoa nào.
|
Chủ vườn làm hàng để giao cho khách (Ảnh: Nguyễn Cường).
|
Đến lúc liên hệ lại, tá hỏa vì khách quen năm nay không tới, cả 20 nông hộ như ngồi trên đống lửa. Người trồng hoa Tết có quan niệm "sau rằm tháng Chạp mà chưa có mối đặt thì nguy cơ phải mang hàng đi đổ". Chủ nhiệm hội quán thừa nhận rơi vào thế hiểm vì "quá chủ quan".
"May mắn là khi biết thông tin chúng tôi gặp khó trong việc bán hàng, cán bộ TP Sa Đéc đã rất quan tâm, nhiều người chạy ngay đến, đứng trên bờ ruộng gọi điện thoại cả buổi tìm mối bán hoa cho bà con", lão nông nói.
Nhờ được kết nối nhiều bạn hàng mới ở TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ…, chỉ trong vài ngày hội quán đã tiêu thụ được quá nửa số cúc đã trồng. Ngành chức năng TP Sa Đéc cũng liên hệ tìm điểm trưng bày ở các tỉnh cho thành viên hội quán mang hoa đến bán trực tiếp.
"Giá không được như kỳ vọng nhưng vẫn đạt 60.000 đồng/chậu. Vậy là chúng tôi có lãi rồi, mừng lắm rồi, cứ ngỡ năm nay mất Tết", ông Tiếp thở phào.
|
Những chậu hoa được lựa, đưa lên khỏi ruộng (Ảnh: Nguyễn Cường).
|
Bà Nguyễn Thị Ngọc, Trưởng phòng Kinh tế TP Sa Đéc cho biết, trước yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, từ đầu vụ, ngành chức năng địa phương đã trao đổi, quán triệt với các hộ dân trồng hoa về định hướng sản xuất hàng Tết. Khi có thông tin số lượng lớn cúc mâm xôi có nguy cơ ế, Phòng Kinh tế TP Sa Đéc đã vào cuộc ngay để hỗ trợ bà con.
"Từ đầu vụ chúng tôi đã thống kê sản lượng hoa kiểng vụ Tết để có phương án tiêu thụ. Chúng tôi cũng đã quán triệt bà con không sản xuất vượt sản lượng kê khai. Thay vào đó, cần đầu tư chất lượng để tăng giá trị và sức cạnh tranh cho sản phẩm.
Có sự việc hàng tiêu thụ chậm là do nông dân vùng lân cận cũng sản xuất hoa Tết và bán dưới thương hiệu hoa Sa Đéc. Những hộ dân này chưa nhiều kinh nghiệm trồng hoa nên sản phẩm khó cạnh tranh.
Tuy nhiên khi có thông tin hoa bán chậm, chúng tôi đã nhanh chóng đến tận ruộng tìm hiểu nguyên nhân, thống kê sản lượng. Từ đó, Phòng Kinh tế đã hỗ trợ người dân các khâu như cân đối lại giá bán, tìm mối hàng, tìm điểm bán ở các tỉnh thành", bà Ngọc nói.
Hoa Tết có lãi, người trồng sống khá
Những ngày này, làng nghề hoa giấy ở xã Tân Dương (huyện Lai Vung, Đồng Tháp) đang vào độ rực rỡ nhất. Sắc đỏ, cam, vàng của những tàng hoa giấy phủ kín mọi con đường, bờ sông, tràn ngập các khu vườn. Niềm vui, không khí tất bật ngày mùa hiện rõ trên mỗi gương mặt, dáng đi của người làm hoa Tết.
|
Hoa giấy rực rỡ ở làng nghề Tân Dương (Ảnh: Nguyễn Cường).
|
Vườn hoa rộng 2ha của gia đình chị Lan (37 tuổi) đang trong những ngày bận rộn nhất. Cha chị Lan trồng hoa giấy, chị Lan từng đi làm trên thành phố nhưng nay cũng về theo nghề gia truyền vì công việc này ổn định hơn.
"Hoa bán quanh năm, vụ Tết thì chạy hàng hơn. Tết này nhà tôi bán ra khoảng 5.000 chậu hoa, bình dân cũng có, cao cấp cũng có.
Sức mua năm nay vẫn tốt, nhưng vì mọi người đều tăng sản lượng nên giá bán có xuống. Với giá bán hiện tại, người trồng hoa vẫn được một vốn một lời", chị Lan chia sẻ.
Vườn hoa nhà chị Lan có đủ sản phẩm từ đơn sắc đến ngũ sắc, có hàng bình dân loại 100.000 đồng/chậu đến loại cao cấp 5 triệu đồng/chậu. Tùy theo loại hàng, thời gian chăm sóc, tạo tác kéo dài 1-3 năm.
|
Những chậu hoa giấy ngũ sắc cao cấp đang rời vườn ra phố (Ảnh: Nguyễn Cường).
|
Để chăm sóc vườn hoa, chị Lan đang sử dụng 3 lao động thường xuyên, trả mức tiền công 300.000 đồng/ngày. Vào vụ Tết, chị phải thuê thêm nhiều lao động thời vụ để làm hàng số lượng lớn.
Ông Năm (56 tuổi) đã mấy chục năm làm hoa khẳng định "người cứ sinh ra ở Tân Dương sẽ tự biết làm hoa giấy". Mấy chục năm nay, ông Năm làm duy nhất một loại hoa giấy tím đơn sắc cao cấp.
Các năm trước, những chậu hoa giấy cao trên 2m, hoa đẹp, gốc đẹp của ông Năm có giá khoảng 10 triệu đồng, có bao nhiêu cũng bán hết. Nhưng năm nay, để bán được hàng, ông Năm đã buộc phải hạ giá xuống còn 6 triệu đồng mỗi chậu.
"Hàng cao cấp nên nhu cầu sẽ không nhiều như hàng bình dân, vì vậy tôi bán chậm hơn. Tết này tôi bán được khoảng 200 chậu.
Không sợ ế vì hoa càng lâu năm càng đẹp, nhưng tôi hạ giá để hàng dễ trôi hơn, lấy tiền xoay vòng cho năm tới", lão nông chia sẻ.
|
Anh nông dân cười tươi bên những chậu bông rực rỡ đến vụ thu hoạch (Ảnh: Nguyễn Cường).
|
Chủ vườn hoa giấy gần 1ha đã bán được hơn 2.000 chậu trong năm nay, anh Út Lô (34 tuổi) vui vẻ chia sẻ: "Giá có xuống, nhưng hàng vẫn ăn mạnh lắm. Làm hoa nuôi vợ con thoải mái. Nói chung người trồng vẫn sống khá".
Anh Lô chia sẻ, làm hoa giấy có nhiều công đoạn, mỗi nhà vườn có thể làm một trong các khâu hoặc tất cả. Anh Lô chủ yếu sản xuất hàng phôi giống cung cấp cho các hộ dân trong làng và cho khách từ tỉnh Bến Tre.
Về hàng thành phẩm, anh Lô chọn sản xuất dòng trung cấp, giá trị không thấp mà cũng dễ tiêu thụ. Để cây hoa có giá, đặc sắc hơn, anh Lô không chỉ tạo tác phần chi cành mà bộ đế cũng được chăm sóc chỉn chu.
Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp cho biết, hoa, kiểng là một trong những sản phẩm chủ lực của tỉnh, giá trị ngành hàng trên 6.000 tỷ đồng mỗi năm. Nông dân Đồng Tháp hiện trồng hơn 2.000 giống hoa, với diện tích hơn 3.000ha, cung cấp thị trường trong nước và quốc tế trên 12 triệu sản phẩm mỗi năm.
Hoa, kiểng được trồng tập trung ở TP Sa Đéc và các vùng lân cận, trở thành sản phẩm đặc trưng, biến nơi đây thành thành phố hoa. Ngoài giá trị nông sản, các vườn hoa đang trở thành tài nguyên, sản phẩm du lịch đặc sắc của Đồng Tháp, thu hút hàng trăm nghìn du khách mỗi năm.
Theo Nguyễn Cường/Dân Trí