3 dự án cao tốc Bắc-Nam: Bao nhiêu doanh nghiệp tham gia đấu thầu?

Google News

Ba dự án cao tốc Bắc-Nam được chuyển sang vốn đầu tư công đã thu hút được nhiều nhà thầu tham gia và Bộ Giao thông Vận tải cam kết sẽ lựa chọn nhà thầu tốt nhất để thi công.

3 du an cao toc Bac-Nam: Bao nhieu doanh nghiep tham gia dau thau?
 Phương tiện lưu thông trên đoan tuyến đường cao tốc. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Ba dự án cao tốc Bắc-Nam được chuyển đổi hình thức đầu tư đã có hơn 50 doanh nghiệp tham gia dự thầu và sẽ là cơ hội rất mở với các đơn vị xây lắp khi đáp ứng được yêu cầu về các tiêu chí theo đúng quy định của pháp luật.
Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, tính đến ngày 14/9/2020, Ban quản lý dự án Thăng Long và Ban quản lý dự án 7 đã phát hành 360 bộ hồ sơ mời thầu cho 157 nhà thầu mua.
Cụ thể, dự án Mai Sơn-Quốc lộ 45 có 60 nhà thầu mua 140 hồ sơ mời thầu/5 gói thầu xây lắp. Dự án Vĩnh Hảo-Phan Thiết có 62 nhà thầu mua 142 hồ sơ mời thầu/4 gói thầu xây lắp. Dự án Phan Thiết-Dầu Giây có 35 nhà thầu mua 78 hồ sơ mời thầu/4 gói thầu xây lắp.
“Đến thời điểm hiện nay, cả 13/13 gói thầu thuộc 3 dự án đã được mở thầu thành công và chuyển sang giai đoạn đánh giá Hồ sơ dự thầu. Các nhà thầu tham gia đấu thầu dự án với tư cách là nhà thầu liên danh, một số nhà thầu tham gia đấu thầu với tư cách nhà thầu độc lập,” đại diện Bộ Giao thông Vận tải thông tin.
Đơn cử, dự án Mai Sơn-Quốc lộ 45 (với 5 gói thầu) có 15 hồ sơ dự thầu thì 11 hồ sơ dự thầu tham gia với tư cách là nhà thầu liên danh; 4 hồ sơ dự thầu tham gia với tư cách nhà thầu độc lập. Dự án Vĩnh Hảo-Phan Thiết (với 4 gói thầu) có 16 hồ sơ dự thầu, trong đó 13 hồ sơ dự thầu tham gia với tư cách là nhà thầu liên danh; 3 hồ sơ dự thầu tham gia với tư cách nhà thầu độc lập. Dự án Phan Thiết-Dầu Giây (gồm 4 gói thầu) đã có 13 hồ sơ dự thầu, trong đó 10 hồ sơ dự thầu tham gia với tư cách là nhà thầu liên danh; 3 hồ sơ dự thầu tham gia với tư cách nhà thầu độc lập.
“Như vậy, trong 360 bộ hồ sơ mời thầu được phát hành có 44 hồ sơ nộp dự thầu, trong đó 34 nhà thầu tham gia với tư cách là Liên danh và 10 nhà thầu tham gia với tư cách độc lập. Có khoảng 50 doanh nghiệp xây lắp tham gia dự thầu với tư cách tham gia nhà thầu liên danh hoặc nhà thầu độc lập,” đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho hay.
Hiện nay, các Ban quản lý dự án đang tích cực đánh giá hồ sơ đấu thầu đảm bảo kết quả đánh giá chính xác, tuân thủ quy định. Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông thực hiện theo dõi quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu, phối hợp chặt chẽ với các Vụ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ trong quá trình thẩm định để trình Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt các bước đánh giá đáp ứng tiến độ khởi công 1 gói thầu/1 dự án vào cuối tháng 9/2020 theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ.
Trước đó, đầu tháng Chín, Bộ Giao thông Vận tải đã chủ động có văn bản gửi Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước đề nghị phối hợp, tham gia ngay từ giai đoạn đầu triển khai các dự án nhằm giám sát, ngăn ngừa tiêu cực, phòng chống tham nhũng để đảm bảo tiến độ, chất lượng theo đúng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ đối với các dự án cao tốc Bắc-Nam phải là các dự án mẫu mực.
Nhấn mạnh công tác lựa chọn nhà thầu phải đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng và hiệu quả, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng việc lựa chọn các nhà thầu thực sự đáp ứng được năng lực, có kinh nghiệm chính là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng và tiến độ thi công các dự án quan trọng này.
“Dự án phải tổ chức tuyển chọn được các nhà thầu có năng lực tốt về nhân lực, trang thiết bị và tài chính, có kinh nghiệm để thi công đồng thời lựa chọn được các tư vấn giám sát đảm bảo năng lực, trách nhiệm cao; đáp ứng được những giải pháp bao gồm cả giải pháp về công nghệ nhằm đảm bảo công tác giám sát tiến độ của dự án một cách chặt chẽ, đáp ứng mọi tiêu chuẩn về kỹ thuật và chất lượng,” Bộ trưởng Thể khẳng định.
Được biết, Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt hồ sơ mời thầu với các yêu cầu tối thiểu mà các nhà thầu phải đáp ứng yêu cầu về thời gian hoạt động xây dựng công trình giao thông 5 năm; có kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tương tự được đánh giá trong vòng 5 năm gần đây, nhà thầu độc lập hoặc thành viên liên danh phải đáp ứng kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tương tự có giá trị do nhà thầu đảm nhận từ 70% phần công việc thực hiện tại gói thầu đang xét. Đối với nhà thầu liên danh, việc đánh giá tính đáp ứng về kinh nghiệm căn cứ vào phạm vi công việc, tỷ lệ tham gia của từng thành viên trong liên danh.
Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu về nguồn lực tài chính của nhà thầu phải có xác nhận của tổ chức tín dụng xác nhận có số dư tiền gửi với hạn mức tối thiểu (được xác định theo quy mô gói thầu) và cam kết phong tỏa số tiền này để thực hiện gói thầu đang xét (không xác nhận chung cho gói thầu khác);
Về số lượng thành viên liên danh không quá 3 thành viên trong 1 gói thầu, nhà thầu đứng đầu liên danh phải đảm nhận công việc nhiều nhất và từng thành viên phải đảm nhận từ 25% giá trị gói thầu. Nhà thầu phụ xây lắp tỷ lệ giao thầu phụ không quá 30% giá trị hợp đồng và nhà thầu chính phải thực hiện các công việc quan trọng chính yếu của gói thầu (tùy theo tính chất gói thầu để quy định cụ thể trong Hồ sơ mời thầu).
Bên cạnh đó, hồ sơ mời thầu có phần chấm điểm đánh giá kỹ thuật bao gồm giải pháp kỹ thuật (35 điểm), tiến độ thi công (20 điểm); biện pháp đảm bảo chất lượng (25 điểm); vệ sinh môi trường, Phòng cháy chữa cháy, an toàn lao động, an toàn giao thông và uy tín nhà thầu (20 điểm).
Hồ sơ đề xuất kỹ thuật phải có tổng số điểm lớn hơn hoặc bằng 70% tổng số điểm kỹ thuật và có điểm kỹ thuật của mỗi tiêu chí tổng quát tương đương mức điểm tối thiểu bằng 70% của số điểm tối đa theo tiêu chí đó. Như vậy, hồ sơ sẽ được đánh giá đạt yêu cầu về mặt kỹ thuật và đưa vào đánh giá xem xét về tài chính./.
Theo Việt Hùng/Vietnam+