Mua bán hàng online là một phương thức hiệu quả, nhanh chóng và tiện lợi vô cùng.
Dịp lễ tết như 14/2 hay 8/3 là lúc các chiêu lừa đảo dễ thực hiện do thị trường cung cấp mặt hàng giá trị cao làm quà tặng.
Tiện lợi từ mua bán online rất rõ nhưng người bán và người mua đều cần phải cẩn thận với những chiêu lừa đảo trong mua bán online kẻo "mất tiền oan".
1. Rút lại lệnh chi sau khi gửi hình chụp chuyển tiền thành công
Mới đây, chị M. là người bán hàng online đã chia sẻ về tình huống của chị để cảnh tỉnh những người bán hàng online khác: "Tôi bán nước hoa, mỹ phẩm xách tay nên dịp 14/2 và 8/3 này rất đông khách. Nhiều người là khách quen nhưng cũng có khách lạ hoàn toàn. Để tạo điều kiện cho khách ở xa, tôi thường chấp nhận hình ảnh chuyển tiền thành công rồi gửi hàng đi theo đường chuyển phát nhanh.
Lần này, có một khách nam hỏi thăm rất nhiệt tình, nhờ tư vấn loại nước hoa và set đồ trang điểm nào xịn nhất, thơm và quyến rũ để tặng vợ. Anh ta tỏ ra là người có tiền, không tiếc tiền miễn là làm hài lòng vợ. Tôi cũng tư vấn nhiệt tình. Đến lúc thanh toán hơn 20 triệu, anh ta chụp màn hình ủy nhiệm chi chuyển khoản thành công nhưng 2 tiếng sau tôi vẫn không nhận được tiền.
Lúc này anh ta mới nói: 'Quên mất, anh chuyển tiền bình thường chứ không phải dịch vụ 24/7. Chiều thứ 6 rồi nên thứ 2 em mới nhận được tiền. Em tạo điều kiện được không? Tuần sau anh đi công tác nước ngoài rồi nên tranh thủ tặng vợ sớm'.
Ai nỡ chối từ khách hàng ấy! Tôi đồng ý và vẫn chuyển hàng đi. Thứ 2 vẫn không thấy tiền về, thứ 3 ra ngân hàng mới biết không hề có giao dịch từ khách hàng này".
|
Ảnh minh họa |
Trường hợp của M. gặp phải chính là chiêu thức lừa đảo mới. Theo như phóng viên tìm hiểu, đối với dịch vụ chuyển tiền tại quầy của ngân hàng, nếu khách hàng làm tra soát báo giao dịch sai, cần hủy giao dịch, ngân hàng sẽ hỗ trợ khi chưa hạch toán chuyển tiền đi. Trường hợp này, sau ủy nhiệm chi chuyển tiền, người đàn ông ấy rất có thể đã rút lại lệnh chi.
Người bán hàng online cần đặc biệt cẩn thận, không chấp nhận hình ảnh ủy nhiệm chi đối với khách hàng lạ để giảm thiểu rủi ro mất hàng.
2. Giả mạo màn hình chuyển tiền online thành công
Trường hợp thứ 2 khiến người bán thiếu kinh nghiệm bị lừa là người mua giả mạo tin nhắn chuyển tiền thành công. Người mua chụp màn hình chuyển tiền online thành công (hình ảnh giả mạo) đã chỉnh sửa hoặc hình ảnh trùng hợp với số tiền giao dịch cũ. Người bán có thể mắc bẫy rất dễ nếu người mua từng mua lần thứ 2 cùng mặt hàng, cùng giá, do nhiều ngân hàng không hiển thị ngày thực hiện giao dịch trên thông báo thành công.
|
Ảnh minh họa |
H. là một người bán hàng online, khách hàng đã mua vài lần cô thường tạo điều kiện chuyển hàng trước khi tiền về, chỉ cần chụp màn hình chuyển tiền thành công.
Do một số ngân hàng không có dịch vụ 24/7 hoặc khách hàng chọn nhầm vào loại chuyển tiền thường, tiền không chuyển sau 17h hàng ngày và cuối tuần.
"Chính vì thói quen này, mình đã bị khách hàng lừa đảo hơn 10 triệu vì đơn hàng 2 lần giống hệt nhau. Cô ta nhắn là mua dùng thích quá nên mua tặng chị gái một đơn tương tự.
Sau 2 ngày không nhận được tiền, mình ra ngân hàng kiểm tra mới biết không hề có số tiền ấy vào tài khoản. Cô gái mua hàng đã block facebook của mình, chặn số điện thoại. Mình tìm mọi cách gọi vào số điện thoại ấy nhưng không ai nghe máy, tệ hơn là facebook kia cũng là facebook ảo rất ít thông tin", H. chia sẻ.
Đối với trường hợp này, người bán cần cẩn thận, không đồng ý chuyển hàng khi tiền chưa về tài khoản.
3. Lộ thông tin người mua, bên bán khác giao hàng giả
Chị Q. là một nhân viên văn phòng bị dính chiêu lừa đảo này. Chị Q. đã mua nước hoa của một người bán quen đúng dịp người bán đi du lịch châu Âu. Khi hàng được ship đến, chị Q. thanh toán tiền mặt hơn 3 triệu mà không kiểm tra hàng.
Theo lời chị Q. thì chị không ngờ có trường hợp shop bị cướp khách, người giao hàng đến là một bên khác và đã giao nước hoa giả. Lúc nhận hàng nhanh chóng khó kiểm tra lại chất lượng nước hoa, khi sử dụng chị thấy nước hoa có nhiều vẩn đục, mùi nhạt và nhanh bay màu nên đã liên lạc lại ngay với shop quen. Lúc này, người bán hàng mới thông báo là chưa giao hàng vì mới về nên còn chưa kịp chia đơn.
Trường hợp như chị Q. gặp phải không ít, đặc biệt đối với các đơn hàng mà người mua cung cấp thông tin trên facebook số điện thoại và địa chỉ nhận hàng. Để giảm rủi ro này, người mua nên cung cấp thông tin qua tin nhắn hoặc inbox riêng cho người bán.
Theo Nhịp Sống Việt